Chợ Phiên Cam Lộ và giấc mơ 'trên bến dưới thuyền'

Ba mươi năm trước, khi huyện Cam Lộ lập lại, mấy anh em chúng tôi là những bạn bè một thuở hầu hết vừa tốt nghiệp đại học về lại quê nhà. Trong cái buổi sáng vui ngày quê nhà mở hội, ngồi cùng nhau ở một góc chợ Phiên, đứa nào cũng nhớ về ký ức tuổi thơ. Và nhớ nhất là những phiên chợ mà bến Đuồi rộn ràng tấp nập thuyền từ Triệu Phước, Cửa Việt lên, thuyền từ miệt Ưu Điềm, Sịa ra. Dọc từ bến Đuồi lên chợ là hai dãy hàng quán. Và góc chợ Phiên có cây duối cổ thụ bóng trùm mát rượi qua bao dâu bể nắng mưa như một chứng nhân của ngôi chợ cổ từng soi bóng vào những trang viết của nhà bác học Lê Quý Đôn trong 'Phủ Biên tạp lục'. Cũng ba mươi năm trước, trong số những bạn bè một thuở cùng nhau ngồi ôn lại tuổi thơ đó, có một người nay trở thành Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ-Trần Anh Tuấn.

 Sông Hiếu-đoạn qua chợ Phiên và cầu Đuồi -Ảnh: L.Đ.D

Sông Hiếu-đoạn qua chợ Phiên và cầu Đuồi -Ảnh: L.Đ.D

Phiên chợ ngày xưa trong những giấc mơ…

Tuấn khi đó tốt nghiệp cử nhân Sử học đang làm việc ở Tỉnh ủy Quảng Trị nhưng công việc và tình yêu quê nhà đã đưa anh về lại quê hương, rồi được tin cậy trao cho vị trí người đứng đầu chính quyền. Cuộc trò chuyện mới đây nhất, vẫn là những bạn bè một thuở ấy, vẫn nhắc về phiên chợ ngày xưa và hóa ra sau ngần ấy năm, sau rất nhiều điều đã làm được cho quê nhà, vẫn canh cánh trong tâm thức ông chủ tịch huyện câu chuyện làm sao phục dựng hình ảnh ngày xưa với chợ Phiên trên bến dưới thuyền trở thành một sản phẩm du lịch cho vùng đất sơn thủy hữu tình này.

Khi đó, những con thuyền sẽ quần tụ về bến Đuồi này không phải chở sản vật từ biển lên nguồn và chở từ nguồn về biển như xưa. Thay vào đó là những du khách được sống lại với quá khứ thanh bình, được rơi về một khung trời xa ngái. Người đã từng chứng kiến cảnh xưa nay sẽ trở lại với tuổi thơ ngày cũ. Những người trẻ chưa gặp hình ảnh ấy bao giờ sẽ được trải nghiệm một phần quá khứ quê hương. Những khát vọng được nuôi dưỡng, những giấc mơ đã ấp ủ ấy lẽ ra đã thành một phần sự thật nếu như hai năm qua không xảy ra đại dịch COVID-19. Trận dịch đã khiến tất cả kế hoạch, dự định bị đảo lộn nhưng bóng dáng phiên chợ xưa vẫn lung linh nghiêng xuống trang cổ thư và thao thức.

Trên dòng thời gian biến dịch, hẳn chúng ta đã chứng kiến không ít đô thị sầm uất ngày xưa bỗng biến mất và những vùng hoang vu sơn lam chướng khi bỗng lớn vụt thành đô thị sầm uất. Chợ Phiên Cam Lộ đã từng là một ngôi chợ lớn nhất nhì Trung Bộ từ thế kỷ XV. Khi ấy chợ Phiên đã là chợ “quốc tế” với trên bến dưới thuyền, một thị trường thông thương từ Cửa Việt lên chợ Phiên Cam Lộ và nối thẳng sang Lào (Ai Lao). Thị trường nội địa đã tạo mối liên kết đặc biệt để chợ Phiên trở thành trung gian giữa hai cửa khẩu là Cửa Việt và Dinh Ai Lao (Lao Bảo ngày nay). Mấy trăm năm qua rồi mà vẫn như còn nghe vọng lên từ Phủ Biên tạp lục âm vang náo nhiệt của chợ Phiên Cam Lộ. Thuyền buôn Nhật, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha vào Cửa Việt lên, những thương nhân các bộ lạc Lạc Hoàn, Vạn Tượng, miền Tây Thanh Nghệ từ Trấn Ninh, Quỳ Hợp qua cửa khẩu Dinh Ai Lao về giao thương với vải man, màn man, voi ngựa.

Luồng thương nghiệp mạnh mẽ này là tiền đề cho việc hình thành “con đường hương liệu” và chính từ con đường hương liệu này mà chúng ta ngày nay có được đường số 9, huyết mạch của Hành lang kinh tế Đông-Tây, xa lộ xuyên Á trong tương lai. Nhưng chợ Phiên không chỉ có những phiên chợ sầm uất tầm “quốc tế”, nơi đây từ những năm đầu của thế kỷ XX là một địa điểm đánh dấu những bước phát triển của phong trào cách mạng trên địa bàn của tỉnh Quảng Trị và huyện Cam Lộ.

Năm 1928 một phân nhánh của “Hưng Nghiệp hội xã” của Tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội đã được thành lập tại Cam Lộ do đồng chí Hoàng Thị Ái (nữ đảng viên đầu tiên của Quảng Trị) phụ trách trực tiếp móc nối liên lạc với đồng chí Lê Thế Hiếu. Phân hội này đặt cơ sở tại chợ Phiên mở một quầy bán tạp hóa và làm cơ sở tài chính, cơ sở liên lạc cho Tỉnh bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội tại Quảng Trị. Cũng từ chợ Phiên này tháng 1/1937 phong trào đòi dân sinh dân chủ do đồng chí Hồ Xuân Lưu (tức Trần Quốc Thảo) tổ chức đã chỉ đạo hơn 400 người về chợ Phiên gặp tri huyện Hoàng Dũ Châu để đưa yêu sách đòi giảm thuế, xóa nợ, đòi tự do đi lại, hội họp, ngôn luận…

Năm 1938 tại cơ sở Đồng Nguyên-cũng ở chợ Phiên này các đảng viên và quần chúng cách mạng đã tổ chức hội thảo, bàn phương hướng tuyên truyền chính sách của Đảng. Chợ Phiên cũng là nơi chuẩn bị cho cách mạng tháng Tám suốt thời kỳ 1945 tại đây luôn diễn ra những cuộc mít tinh của đông đảo quần chúng, Huyện ủy Cam Lộ đã phát động đồng bào đấu tranh giành chính quyền.

Một quá vãng đáng nhớ trong truyền thống quê hương. Và ký ức thời gian ấy sau gần thế kỷ, giờ đây lại tạc vào tâm thức cháu con niềm tự hào sắt son vàng đá trên hành trình đi tới.

Hồi sinh những giá trị của quê nhà

Trong rất nhiều điều đặc biệt về quê hương, người Cam Lộ vẫn nhắc đến hai lần miền đất này được làm “kinh đô kháng chiến”. Một mảnh đất mà lúc sơn hà nguy biến được chọn làm “căn cứ trung ương” hẳn đó phải là mảnh đất không chỉ chọn bởi vị trí chiến lược mà còn cả lòng người trung trinh yêu nước. Câu chuyện về vua Hàm Nghi và Thành Tân Sở đã luôn được nhắc khi nói về lịch sử vùng quê Cam Lộ. Và cũng thật tự hào khi một năm trước đây, một đền thờ vua Hàm Nghi và phong trào Cần Vương được dựng lên ngay chốn kinh thành kháng chiến ngày xưa. Một vị vua yêu nước kháng Pháp, từ bỏ kinh thành cung điện xa hoa để chấp nhận một hành trình cứu nước gian nan, chọn miền rừng Cam Lộ để dung thân và ban chiếu Cần Vương kêu gọi Nhân dân đồng lòng chống giặc.

Sau gần một thế kỷ rưỡi, một đền thờ trang nghiêm bề thế được dựng lên không đơn thuần là một sự tưởng niệm, đó còn là một thông điệp về lòng dân. Hôm khánh thành Đền thờ vua Hàm Nghi, tôi nhìn thấy trên một lẵng hoa dâng lễ có câu thơ của nhà thơ Nguyễn Duy viết khi cải táng hài cốt vua từ hải ngoại về Huế “Bao triều vua phế đi rồi/Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ”. Lịch sử một vùng đất cũng thế, tuy có hưng có phế nhưng những giá trị tự thân luôn là vĩnh cửu và với miền đất Cam Lộ, những nỗ lực để có ngôi đền thờ vị vua yêu nước hàm chứa một giá trị rất đặc biệt.

 Chợ Phiên, ngôi chợ nổi tiếng sầm uất từ xa xưa trong lịch sử, ngày nay vẫn là chợ trung tâm huyện Cam Lộ -Ảnh: MINH PHƯƠNG

Chợ Phiên, ngôi chợ nổi tiếng sầm uất từ xa xưa trong lịch sử, ngày nay vẫn là chợ trung tâm huyện Cam Lộ -Ảnh: MINH PHƯƠNG

Từ câu chuyện đó có thể nghĩ đến những giá trị không- thể- mất của vùng đất này đang được phục dựng và gìn giữ. Lan man nhớ đến những giá trị cũ được phục dựng tôn tạo ở quê nhà tôi lại nhớ câu chuyện gần 8 năm trước, cũng chính Trần Anh Tuấn, khi đó là Phó Chủ tịch UBND huyện đã gọi điện báo cho tôi biết đã tìm ra giếng Vuông khi khởi công xây dựng Trụ sở UBND thị trấn Cam Lộ. Nếu không là người làng Cam Lộ sẽ khó hình dung ý nghĩa của hai từ giếng Vuông ấy. Nó là một cái giếng nhỏ, thành xây bằng đá ong, hình vuông nằm ở km 11, Quốc lộ 9 mà dân quê tôi gọi vùng đất ấy là cống “Phôốc Trạng”. Chỉ là một cái giếng bình thường, với tuổi thơ chăn trâu cắt cỏ của thế hệ chúng tôi nó càng bình thường hơn nhưng rồi sau này khi lớn lên, học hành, tìm hiểu về những dấu tích của người Chăm trên vùng đất “Hai châu Ô-Lý vuông ngàn dặm/Một gái Huyền Trân của mấy mươi” thì cái giếng ấy không còn là cái giếng bình thường nữa, nó là một mảnh hương hỏa tự xa xưa còn may mắn lưu ảnh đến hôm nay, trên vùng đất nhiều giao thoa văn hóa Việt-Chăm này.

Và khi đi đi về về trên vùng đất Quảng Trị, gặp khá nhiều giếng cổ của người Chăm như thế ở vùng đất này. Khi hiểu ra những giá trị văn hóa từ những cái giếng cũ xưa với vệt rêu ướt xanh ánh lên bám trên nét nâu son của màu đá tổ ong, tôi tìm về quê cũ thì giếng xưa đã mất dấu. Cái giếng Vuông, một giá trị kết nối của văn hóa Việt-Chăm sau khi tìm được ngẫu nhiên như thế đã được phục dựng. Một đền thờ vua được dựng lên trên kinh thành kháng chiến xưa. Và giờ đây, giấc mơ về một không gian trên bến dưới thuyền của chợ Phiên đang hình thành. Hy vọng điều đó rồi cũng sẽ thành hiện thực như những gì đã từng có, từng bị đánh mất và đã được phục dựng trên miền đất quá đỗi thân thương này!

Lê Đức Dục

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=77&modid=412&itemid=162976&title=cho-phien-cam-lo-va-giac-mo-%E2%80%9Ctren-ben-duoi-thuyen%E2%80%9D