Chợ phiên Long Hẹ

Cứ vào thứ tư hằng tuần, từ khắp các bản thuộc xã vùng cao Long Hẹ (Thuận Châu) và vùng lân cận, bà con lại tấp nập về trung tâm xã tham gia phiên chợ. Đối với mỗi người dân ở đây, chợ phiên không chỉ là nơi trao đổi mua bán hàng hóa, nông sản, mà còn là dịp hò hẹn của lứa đôi, là nơi để giao lưu, chuyện trò.

Chợ phiên Long Hẹ (Thuận Châu).

Chợ phiên Long Hẹ (Thuận Châu).

Sáng sớm, sương mù giăng nhẹ, không gian còn vương hơi lạnh, dọc hai bên đường chính vào xã dài gần 1km đã tấp nập người bán, kẻ mua, sắc màu của hàng hóa, của những chiếc váy hoa của các bà, các cô gái Mông, áo cóm của các cô gái Thái làm phiên chợ thêm rực rỡ, náo nhiệt. Chợ phiên bán rất nhiều quần áo, đồ dùng gia đình, vật dụng sinh hoạt... hàng hóa ở đây được bày bán trên những chiếc sạp bằng tre, hay những miếng vải bạt trải trên nền đất, các mặt hàng được xếp sát nhau. Những mặt hàng này chủ yếu được các thương lái đưa từ dưới huyện lên. Anh Nguyễn Văn Hiếu, một thương lái cho biết: Quê tôi ở Hưng Yên, tôi bán hàng đồ dùng sinh hoạt ở các chợ phiên hơn 2 năm rồi, cứ 2 tuần 1 lần, tôi về xuôi lấy hàng rồi lên các phiên chợ vùng cao của huyện Thuận Châu như Long Hẹ, É Tòng, Mường Bám, Co Mạ để bán.

Ghé vào mấy sạp bán quần áo, đồ trang sức, rất đông chị em đang chọn lựa, ướm lên mình mảnh vải sặc sỡ hay những phụ kiện bằng bạc tinh xảo. Cầm trên tay chiếc dây lưng thổ cẩm có hoa văn bắt mắt, chị Thào Thị Dia, bản Co Nhừ cho biết: Hàng hóa ở chợ phiên vừa nhiều, vừa đa dạng, mà giá cũng rẻ hơn so với các cửa hàng trong xã nên tuần nào tôi cũng cùng chồng đi chợ phiên để mua sắm đồ dùng, thức ăn cho gia đình.

Cũng như những chợ phiên vùng cao khác, ở chợ phiên Long Hẹ có nhiều sản vật núi rừng, như gà “bản”, lợn “cắp nách”, rau rừng, cá suối, nhưng thú vị hơn là mùa này, chợ phiên còn bày bán các loại côn trùng, như cào cào, bọ xít, dế, ong đất... thu hút sự quan tâm của nhiều người mua, nhất là cánh đàn ông. Không chỉ người lớn, mà trẻ em cũng hào hứng đi chợ phiên, túm nặm tụm ba bên quầy bánh kẹo đủ màu sắc xanh đỏ, đứa bẽn lẽn bám lấy váy mẹ đòi ăn bánh rán, bánh quẩy... cũng có những em gái tuy còn rất nhỏ, chừng 7-8 tuổi nhưng đã biết phụ bố mẹ bán hàng, đon đả mời khách. Em Lò Thị Thu, bản Nậm Mùn chia sẻ: Nhà em cách đây gần 20 km, đường xa, mẹ phải vất vả mang ngô, rau và gà đến chợ để bán, nên cứ vào phiên chợ, sau buổi học em lại ra phụ mẹ bán hàng.

Chia tay chợ phiên Long Hẹ khi trời đã về chiều, người mua đã vãn, người bán rục rịch dọn hàng, trên các ngả đường, mọi người lại hối hả trở về nhà, lỉnh kỉnh mang theo những đồ mua được từ phiên chợ.

Thủy Tiên (CTV)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/cho-phien-long-he-23293