Chợ phiên ngày Tết

Nhớ lại những năm trước kia, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, niềm ao ước của một đứa trẻ nông thôn như tôi là được mẹ chở đi chợ phiên ngày Tết, để ướm cho mình đôi dép mới xinh xinh hay ngắm nghía những bộ quần áo đẹp. Giờ đây, cuộc sống ngày càng phát triển, những đứa trẻ không cần chờ đến Tết để được mua sắm quần áo mới nhưng chợ phiên ngày Tết vẫn luôn có sức thu hút mà có lẽ bất cứ ai, đều háo hức đón chờ…

Vẻ đẹp chất phác, hiền hậu của người phụ nữ miền sơn cước.

Chợ phiên Xuân Đài, huyện Tân Sơn thường mở vào thứ bảy hàng tuần. Đến gần Tết, do nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao nên chợ mở thêm vào thứ tư. Chợ Xuân Đài được thành lập từ cách đây tròn 40 năm. Ông Trần Văn Vểnh - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Xuân Đài nhớ lại: Chợ nông thôn Xuân Đài thành lập tháng 8/1982 tại xóm Đống Cả. Sau đó vì điều kiện, hoàn cảnh lịch sử nên nhiều lần thay đổi đến các địa điểm khác nhau và hầu như chưa có đầu tư xây dựng mà chỉ tận dụng mặt bằng có sẵn. Đến năm 2000, được hỗ trợ vốn từ Chương trình 135 của Chính phủ về phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa, xã Xuân Đài đã chuyển chợ, đồng thời thực hiện san ủi mặt bằng, xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ nhu cầu kinh doanh, mua bán của người dân. Tuy nhiên, là chợ trung tâm cụm xã Xuân Đài gồm các xã: Xuân Đài, Kim Thượng, Tân Sơn (huyện Tân Sơn) và một số bà con ở các xã lân cận ở huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình)... nên sau khi khánh thành, đưa vào khai thác sử dụng chợ Xuân Đài vẫn chật chội. Các phiên chợ đông đúc, người mua, người bán tràn ra đường lớn làm ách tắc giao thông. Vì vậy đến đầu năm 2003, chợ Xuân Đài được di chuyển đến vị trí thứ năm (vị trí hiện tại) và tiếp tục duy trì vai trò là chợ trung tâm của cả khu vực cho đến ngày nay…

Chợ phiên là nơi lưu giữ các nét đẹp văn hóa và quảng bá các sản phẩm truyền thống của địa phương.

Một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương tại chợ phiên Xuân Đài.

Là chợ trung tâm nên các mặt hàng bày bán tại chợ khá phong phú, chủ yếu là các sản phẩm nông sản, thổ cẩm, các đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bà con trong khu vực tự sản xuất hoặc do một số tiểu thương trong vùng mua về bán lại. Mặc dù có thêm nhiều sản phẩm đa dạng từ vùng xuôi nhưng chợ phiên Xuân Đài vẫn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa độc đáo, nơi gặp gỡ, vui chơi, sinh hoạt văn hóa của người dân bản địa. Người đến chợ đủ các lứa tuổi, từ già đến trẻ, đặc biệt là có nhiều nam nữ thanh niên. Để đi chợ phiên, người dân phải dậy từ lúc trời còn tối. Họ đến chợ với hành lý đơn sơ là chiếc gùi đựng vài cân gạo, mớ rau hay nải chuối, những trái bồ kết, trái cà rừng, ít hạt dổi; là chiếc bao tải nhỏ đựng con dao, liềm, xẻng, kiềng, đũa bếp… hay mang theo vài con chó mèo, lợn, gà, ngan… Những sản phẩm ấy có được từ sự lao động cần cù, cũng là sản vật đặc trưng do bà con các dân tộc làm ra. Hàng hóa mang đi rất đơn giản và cách bày bán cũng mộc mạc, không cầu kỳ - có thể trải bạt ra giữa đất, bán hàng là phụ, chuyện trò, chơi chợ, giao lưu bạn bè là chính...

Vì vậy, đến với chợ phiên Xuân Đài, ngoài những sản phẩm hàng hóa đặc trưng của núi rừng, sẽ được nhìn ngắm những nụ cười rạng rỡ, gương mặt chất phác, mộc mạc, gần gũi của người dân nơi đây. Đặc biệt, nếu may mắn có thể bắt gặp những quầy hàng bán hàng thổ cẩm rực rỡ sắc màu do chính các bà, các chị tự tay nhuộm chàm, kẻ vẽ, may vá hoặc những quầy bán đồ trang sức bạc với nhiều món hàng bắt mắt… Bên cạnh đó, các hàng ăn uống cũng luôn tấp nập thực khách ghé thăm. Mùi thơm nức mũi của những món ăn dân dã đậm chất vùng cao, nghi ngút khói càng thêm ấm giữa trời sương giá rét, thu hút không chỉ người bản địa mà cả du khách phương xa tìm đến thưởng thức.

Các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao được bày bán tại chợ.

Đồng chí Hà Xuân Điền- Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Đài cho biết: Từ một bãi đất trống ban đầu, chợ Xuân Đài giờ được mở rộng với diện tích trên 4.000m2 với hơn 200 gian hàng cố định. Bình thường mỗi phiên chợ có khoảng 3.000 lượt người đến mua bán, vào ngày Tết có thể tăng lên gấp đôi hoặc gấp rưỡi. Bên cạnh các sản phẩm nông sản và các sản phẩm nông cụ của người Mường, người Dao trong khu vực, chợ hiện nay có thêm rất nhiều sản phẩm hàng hóa, đồ tiêu dùng được đưa từ dưới xuôi lên, chất lượng được chú trọng với xu hướng ưu tiên hàng Việt Nam chất lượng cao, hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng…

Với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng của người Mường, người Dao nơi đây, chợ phiên Xuân Đài luôn là điểm đến hấp dẫn mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Trong tiết trời se lạnh sương giăng mờ các triền núi, đến chợ và cảm nhận những sắc màu văn hóa, tình cảm chân chất, nồng hậu của người dân miền sơn cước, những ký ức tuổi thơ như ùa về. Chợt nhận ra, Tết đã đến rất gần…

Vĩnh Hà

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/cho-phien-ngay-tet/190345.htm