Cho rằng bị hại yêu cầu bồi thường cao, bị cáo xin tòa xử theo quy định pháp luật
Trước yêu cầu bồi thường trách nhiệm hình sự quá cao của bị hại, bị cáo đã xin tòa xem xét để xử theo các quy định hiện hành.
Trả giá sau mâu thuẫn
Một ngày đầu tháng 8, phiên tòa xét xử đối với bị cáo Thạch Phụng, 29 tuổi, ngụ xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, về tội “Cố ý gây thương tích” được Tòa án nhân dân (TAND) huyện Bến Lức đưa ra xét xử thu hút đông người nhà của cả bị cáo lẫn bị hại. Bồng trên tay đứa con nhỏ chưa tròn 7 tháng tuổi và dắt theo đứa con gái lớn 2 tuổi, chị Ung Thị Bích Trâm lặng lẽ bước đến tòa với hy vọng chồng mình không phải chịu mức án quá nặng về tội lỗi đã gây ra. Đi cùng chị còn có một số người thân và bạn bè của bị cáo.
8 giờ, phiên tòa bắt đầu các thủ tục để xét xử. Bị cáo Thạch Phụng bị Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bến Lức truy tố vì đã gây ra thương tích đối với 2 cha con cùng xóm sau mâu thuẫn. Sự việc xảy ra vào chiều ngày 28/10/2018. Khi đang bán dừa cho khách, Thạch Phụng nhận được cuộc gọi của vợ để về rước con. Về gần đến nhà, Thạch Phụng thấy vợ và cha mẹ vợ đang cãi nhau với gia đình ông Nguyễn Hữu Phước gần đó nhưng không ghé xem chuyện. Một lúc sau, con trai ông Phước là anh Nguyễn Duy Phương đi dự tiệc về thấy sự việc nên đã lao vào tát và đạp vào bụng vợ Thạch Phụng. Thấy vợ bị đánh, Thạch Phụng đang chặt dừa tiện tay cầm theo con dao chạy sang. Cha con ông Phước chạy lại chụp con dao và khống chế Thạch Phụng. Trong lúc giằng co, Thạch Phụng dùng con dao huơ khiến ông Phước và anh Phương bị thương.
Vụ việc sau đó được lực lượng công an giải quyết. Đối với anh Phương, sau khi điều trị tại bệnh viện, được kết luận tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 25%. Còn ông Phước với vết dao tại các ngón tay ảnh hưởng đến sức khỏe với tỷ lệ 8%. Sau khi cơ quan điều tra Công an huyện Bến Lức điều tra vụ án, Thạch Phụng bị bắt giam từ ngày 21/01/2019. Trước khi vụ án được đưa ra xét xử, Thạch Phụng động viên vợ và nhờ vợ về nhà vay mượn tiền để khắc phục một phần hậu quả cho gia đình bị hại.
Phiên tòa hôm ấy diễn ra tương đối đơn giản bởi Thạch Phụng hoàn toàn thừa nhận hành vi phạm tội của mình cũng như vụ việc được thể hiện chi tiết trong hồ sơ vụ án. Kết thúc phiên xử, Hội đồng xét xử TAND huyện Bến Lức quyết định tuyên phạt bị cáo Thạch Phụng mức án 1 năm 3 tháng tù. Đây cũng là mức án phù hợp với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo và đề nghị xử phạt của Viện Kiểm sát.
Tuy nhiên, trong phiên xử, điều khiến những người dự phiên tòa không khỏi băn khoăn bởi những yêu cầu về bồi thường trách nhiệm dân sự có phần vô lý từ phía gia đình bị hại
Xin tòa xử theo quy định của pháp luật
Trở lại vụ án, ngoài hình phạt tù dành cho bị cáo, phía gia đình bị hại có rất nhiều yêu cầu để buộc bị cáo bồi thường trách nhiệm dân sự. Tại tòa, anh Phương cho rằng, hành vi của bị cáo gây ra cho anh khiến bản thân anh phải nhập viện điều trị, mất tiền công lao động trong những ngày nằm viện và nhiều chi phí khác với tổng số tiền trên 38 triệu đồng. Còn đối với ông Phước, do vết thương bị cáo gây ra ở các ngón tay, ông cho rằng, trước khi xảy ra vụ việc, ông làm công việc bốc xếp với mức thu nhập 1 ngày từ 230.000-250.000 đồng. Sau khi điều trị tại bệnh viện, các ngón tay của ông bị ảnh hưởng, không làm bốc xếp được như trước. Do đó, ông yêu cầu phía bị cáo ngoài bồi thường các chi phí trong quá trình điều trị còn phải bồi thường cho ông tiền mất thu nhập cho đến khi ông có thể làm việc lại bình thường với số tiền tạm tính đến ngày xét xử là gần 52 triệu đồng (!?).
Tuy nhiên, trong quá trình xem xét trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử TAND huyện Bến Lức cho rằng, mặc dù bản kê chi phí của 2 bị hại rất cụ thể, chi tiết nhưng những tài liệu 2 bị hại nộp tại tòa chỉ có một phần là có hóa đơn chứng từ hợp lý. Nhiều lần Hội đồng xét xử đề nghị ông Phước và anh Phương xem xét lại các yêu cầu bồi thường đối với bị cáo, nhất là đối với yêu cầu có phần quá cao của bị hại Phước. Thậm chí, vị hội thẩm tham gia phiên tòa còn đề nghị phía bị hại suy nghĩ lại: “Bị hại cũng biết phía gia đình bị cáo không có tài sản gì đáng giá, làm thuê, buôn bán sinh sống qua ngày. Bị cáo gây ra hậu quả thì chính bị cáo cũng phải trả giá cho hành vi phạm tội của mình. Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn khi vợ bị cáo đang phải nuôi 2 con còn quá nhỏ. Bị hại có thể suy nghĩ để giảm yêu cầu bồi trường trách nhiệm dân sự. Dù sao 2 gia đình cũng còn là hàng xóm, láng giềng…” - vị hội thẩm nhân dân đề nghị. Tuy nhiên, đáp lại lời của vị hội thẩm, 2 bị hại đều nhất quyết yêu cầu phía bị cáo phải bồi thường tổng số tiền khoảng 90 triệu đồng như đã liệt kê.
Về phía bị cáo Thạch Phụng, được nói lời sau cùng, bị cáo quay xuống xin lỗi gia đình bị hại. Bị cáo xin hứa sẽ cố gắng cải tạo để sớm trở về làm việc khắc phục những hậu quả đã gây ra. Đồng thời, bị cáo cũng xin Hội đồng xét xử xem xét xử theo các quy định của pháp luật về trách nhiệm dân sự.
Sau nhiều ngày nghị án, riêng phần trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử TAND huyện Bến Lức cho rằng, người bị thiệt hại về sức khỏe phải chứng minh về các khoản thiệt hại thực tế xảy ra kèm theo yêu cầu và phải cung cấp các hóa đơn, chứng từ để chứng minh cho thiệt hại thực tế xảy ra cũng như các yêu cầu hợp lý khác. Do đó, Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận một phần yêu cầu bồi thường trách nhiệm dân sự của các bị hại với tổng số tiền gần 30 triệu đồng, chỉ bằng 1/3 so với yêu cầu của 2 bị hại.
Theo Hội đồng xét xử TAND huyện Bến Lức, đối với các vụ án, phía bị hại có quyền yêu cầu bị cáo bồi thường trách nhiệm dân sự để khắc phục hậu quả do phía bị cáo gây ra. Nếu 2 bên thỏa thuận được tại phiên tòa thì tòa án sẽ công nhận sự thỏa thuận tự nguyện đó. Tuy nhiên, trường hợp 2 bên không thỏa thuận được thì mức bồi thường trách nhiệm dân sự do tòa án quyết định dựa trên hóa đơn, chứng từ chứng minh thiệt hại thực tế. Ngoài ra, những chi phí không có hóa đơn, chứng từ cũng được tòa án xem xét nếu đó là những chi phí hợp lý cần chấp nhận./.