Cho rằng cụ ông 'làm xấu hình ảnh người Hội An', quản lý đô thị nói gì?
Ông Phong khẳng định: 'Bác Tô hoàn toàn không sai trong việc này. Vì dịch bệnh nên việc người dân linh động giá cả để phù hợp là điều dễ hiểu'.
Những ngày qua, cộng đồng mạng xã hội Facebook chia sẻ rầm rộ về một dòng trạng thái trên tài khoản có tên T.P.N.Đ. với tiêu đề: “Hội An ơi - Xin giúp đỡ”. Dòng trạng thái này được dẫn lại từ tài khoản T.T.
Nội dung bài viết thuật lại câu chuyện diễn ra tại TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) vào giữa tháng 2 vừa qua. Người viết bài kể, khi đang dạo phố ở Hội An thì bắt gặp một ông cụ đến mời đi thuyền chụp ảnh trên sông với giá 15.000 đồng/lượt.
Sau đó, cô gái này đã xin số điện thoại ông cụ, 15 phút sau quay lại đi thuyền của ông.
Chủ dòng trạng thái viết tiếp: “15 phút sau mình quay lại tìm ông, ông đang ngồi trên lề đợi khách trong vô vọng. Mình quay lại ông vui lắm. Rồi ông kể: "Thuyền tui không đủ đẹp giống mấy thuyền kia, nên người ta không cho tui đậu gần, mấy người trẻ giờ người ta đi chụp hình nên chọn thuyền đẹp đi thôi, mà thuyền đẹp 300 triệu tui không có tiền mua, ai thương thì đi dùm tui thôi cô”.
Ông nay 89 tuổi rồi, con gái lớn của ông cũng đã 60 tuổi, ai cũng nghèo khổ nên ông phải tự đi mưu sinh, sống qua ngày, bữa được bữa không. Bữa nào được thì vui, không thì cũng không biết làm gì khác”.
Cô gái thêm thông tin rằng, mỗi tháng, ông cụ phải đóng 300.000 đồng tiền thuế. Đến cuối chiều, cô gửi thêm ông cụ một ít tiền để đóng tiền thuế cho 2 tháng tiếp theo và ông cụ đã nhận.
Sau khi đăng tải, dòng trạng thái đã được nhiều người quan tâm với hơn 16 nghìn lượt bày tỏ cảm xúc, hơn 1,1 nghìn bình luận và hơn 4,6 nghìn lượt chia sẻ.
Nhiều bạn chia sẻ, gửi lời thăm hỏi và hứa đến đi thuyền giúp ông cụ. Tài khoản Nhung Đỗ bình luận: “Đọc mà thương ông quá, rơi nước mắt, nhất định có dịp mình đi Hội An chơi mình sẽ tìm tới ông”.
Hay bạn có tài khoản Trúc July viết: “Em đang đi Hội An chơi, thấy bài chị T.P. đăng cái ra tìm ông, em mới đi chiều nay ông vui lắm. Mọi người với khách cũng gọi nhờ ông chở nhiều, em đi xíu là thấy khách gọi”.
Ngay sau đó ít hôm, vào ngày 3/3, tài khoản T.P.N.Đ tiếp tục đăng một dòng trạng thái khác với tiêu đề: “Làm xấu hình ảnh người Hội An?”.
Nội dung bài đăng bày tỏ sự buồn bực của chủ tài khoản khi cụ ông đã bị phê phán vì đưa ra mức giá không đúng với giá của TP ban hành.
Tài khoản này viết: “Ông chỉ là một người lớn tuổi thấp cổ bé họng thôi, sao lại bị ăn hiếp như vậy.
Sao mọi người không nghĩ khi bài viết về ông nổi lên, nhiều khách sẽ đến Hội An du lịch, đi thuyền hơn. Một mình ông làm sao chở hết, ông chắc chắn sẽ giới thiệu thêm mọi người đi đò xung quanh để mọi người đều có thu nhập.
Sao mọi người lại nghĩ ông làm xấu hổ? Sao không nghĩ tới mặt tích cực mà vấn đề này sẽ đem tới cho tất cả mọi người ở bến đò?
Mọi người đừng đẩy chuyện đi xa quá được không. Xin trả bình yên về cho ông và gia đình”. Kèm theo đó là hình ảnh nội dung về việc chủ tịch nghiệp đoàn ghe bơi TP Hội An làm việc với ông cụ về mức giá ông cụ đưa ra rẻ hơn mức giá TP ban hành.
Trao đổi với VietNamNet, ông Võ Đăng Phong, Phó trưởng Phòng quản lý đô thị TP Hội An cho biết, phòng và nghiệp đoàn ghe bơi TP Hội An đã có buổi làm việc với cụ ông vào trưa ngày 4/3.
“Thông tin chúng tôi xác nhận được, bác tên Nguyễn Tô năm nay 79 tuổi ở phường Minh An, TP Hội An chứ không phải 89 tuổi như dòng trạng thái đăng trên mạng xã hội Facebook. Bác thuộc nghiệp đoàn ghe bơi của TP Hội An, được phép hoạt động chở khách du lịch”, ông Phong nói.
Cũng theo ông Phong, việc mỗi tháng bác phải nộp thuế 300.000 đồng là không chính xác. “Bác xác nhận bác không có nói câu trên, và thực tế TP Hội An không thu khoản nào về thuế này. Đây là người dân lao động tự do nên chủ trương của TP tạo điều kiện cho họ và không thu một đồng nào từ trước đến nay”, ông Phong thông tin thêm.
Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Hội An cho hay, vừa qua, chính quyền đã giao cho nghiệp đoàn ghe bơi TP thống nhất với tất cả các hộ ghe bơi, xây dựng quy chế chi tiêu cụ thể về việc tham gia phí tự nguyện đóng góp cho nghiệp đoàn để thực hiện ma chay, hiếu hỉ. Sau đó, quy chế này gửi lên TP xem xét và thống nhất, nhưng việc này vẫn chưa triển khai thu.
Về việc cụ ông phá giá, ông Phong khẳng định bác Tô hoàn toàn không sai trong việc này.
“Trước đây, nghiệp đoàn có hiệp thương một giá chuẩn ở mức tương đối để tất cả các thành viên tuân theo. Mỗi thuyền như vậy sẽ có giá 150.000 đồng/15 phút. Số tiền trên sẽ được chia đều trên đầu người. Về bác Tô, bác có hạ giá nhưng hơi thấp, cùng với hiệu ứng mạng xã hội đã dẫn đến việc nhiều người chưa đồng ý.
Nhưng vì dịch bệnh nên việc người dân linh động giá cả để phù hợp là điều dễ hiểu”, ông Phong nói.
Tới đây, TP sẽ giao nghiệp đoàn tự thống nhất với nhau, xác lập biên bản về giá cả báo cáo TP theo tình hình và nhu cầu của khách hiện nay. Hiện giá quá chung chung, không cụ thể dẫn đến việc mỗi người một giá, không đưa vào khuôn khổ.
“Chúng tôi yêu cầu nghiệp đoàn cụ thể giá hơn như: 1-3 người/thuyền là giá bao nhiêu, 3-5 người/thuyền là giá bao nhiêu cho 15 phút… Từ đó, chính quyền Hội An dựng bảng niêm yết giá tại các bến đón, đổ khách nhằm đảm bảo giá cả” - ông Phong nói.