Cho rằng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời chung chung, đại biểu tiếp tục ấn nút tranh luận
Trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an vào cuộc rất quyết liệt để tổ chức các hội nghị phòng, chống 'tín dụng đen', đặc biệt là vai trò của Bộ Công an trong việc phát hiện cũng như xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về vấn đề này.
Sáng 9/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng tiếp tục trả lời chất vấn trước Quốc hội. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) lần thứ hai gửi câu hỏi đến Thống đốc do chiều hôm qua câu trả lời ông nhận được còn chung chung, chưa cụ thể
Trước đó, ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc hạn chế sử dụng tiền mặt lưu thông trên thị trường đã và đang được áp dụng theo quy định của ngành Ngân hàng. Tuy nhiên, không ít tổ chức, cá nhân còn sử dụng tiền mặt với số lượng rất lớn, hàng chục tỷ đồng để giao dịch. "Ví dụ trong vụ Việt Á, có trường hợp khám xét nơi làm việc của người phạm tội có hàng chục tỷ đồng trong tủ. Thống đốc cho biết tại sao có trường hợp này? Phải chăng có sự bất cập trong sự quản lý của ngành ngân hàng?", đại biểu chất vấn.
Vấn đề thứ hai liên quan tới "tín dụng đen", mặc dù đã có đại biểu chất vấn rồi, tuy nhiên ĐBQH Phạm Văn Hòa thấy rằng, việc này thời gian qua chưa xử lý được, có những trường hợp gia đình tan nát, bị khủng bố cũng vì xã hội đen.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trên thực tế đối với lưu thông tiền mặt, quy định pháp luật hiện hành cũng có những quy định đối với những khoản chi của Nhà nước có một ngưỡng là phải thực hiện thanh toán qua tài khoản.
Hiện nay, NHNN đang trong quá trình tổng kết, đánh giá để sửa đổi các văn bản và những phần quy định về thanh toán tiền mặt sẽ được đánh giá kỹ tác động đối với nền kinh tế. "Tuy nhiên trong thực tế, đối với những giao dịch tiền mặt hay không tiền mặt mà vượt ngưỡng quy định theo Luật Phòng, chống rửa tiền thì các tổ chức, cơ quan thực hiện thanh toán đều có yêu cầu phải báo cáo cho NHNN. Trong trường hợp NHNN đánh giá, phân tích, có thể phối hợp và chuyển các cơ quan pháp luật để xác minh, điều tra", Thống đốc NHNN thông tin.
Đối với "tín dụng đen", Chính phủ rất quan tâm và có Chỉ thị 12/2019 giao cho các bộ, ngành, trong đó NHNN có nhiệm vụ phải tăng cường kênh cung cấp tín dụng ở kênh chính thức. Còn "tín dụng đen" thì trong thời gian vừa qua NHNN đã phối hợp với Bộ Công an vào cuộc rất quyết liệt để tổ chức các hội nghị phòng, chống "tín dụng đen", đặc biệt là vai trò của Bộ Công an trong việc phát hiện cũng như xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về vấn đề này.
Bấm nút tranh luận sáng nay, ĐBQH Phạm Văn Hòa cho biết, đã có quy định rạch ròi về chuyện sử dụng tiền mặt ngoài thị trường, tuy nhiên các tổ chức, cá nhân vẫn không tuân thủ. "Vụ Việt Á, Công an vô xét nhà, xét cơ quan có 10 tỷ đồng trong tủ sắt của các cá nhân đó, tiền mặt đâu mà nhiều thế? Bên cạnh đó, tình trạng một số đại gia sử dụng tiền mặt đi mua bất động sản rất nhiều, chỉ cần người bán đất cần tiền mặt thì trả tiền mặt ngay, nếu không thì chuyển khoản. Có vấn đề gì trong ngành Ngân hàng hay không?", đại biểu tiếp tục chất vấn.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, trong các quy định hiện hành, những khoản chi tiêu Ngân sách thì yêu cầu trên 20 triệu đồng phải thực hiện giao dịch chuyển khoản. Còn các giao dịch khác NHNN đang trong quá trình cùng các bộ, ngành nghiên cứu. Trong quá trình xây dựng các quy định mới sẽ xin ý kiến rộng rãi, phân tích các yếu tố tác động về việc thanh toán dùng tiền mặt.
ĐBQH Mai Khanh (Ninh Bình) đặt câu hỏi, trong các vụ đánh bạc, cá độ xuyên quốc gia, các đối tượng chuyển số tiền cực lớn, bộc lộ sự yếu kém trong kiểm soát, quản lý tổng thanh toán quốc gia. Xin Thống đốc cho biết trách nhiệm và giải pháp để chấm dứt tình trạng này? Giải pháp nào đối với tình trạng "tín dụng đen" để các doanh nghiệp, cá nhân có thể tiếp cận vốn?
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh hoạt động rửa tiền qua biên giới là hoạt động thường xuyên, liên tục, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới. Những giao dịch về thương mại, đầu tư số lượng ngày càng lớn, trong đó các giao dịch qua biên giới phân ra nhiều loại hình.
Những giao dịch về hàng hóa, dịch vụ chuyển tiền mục đích tiêu dùng vãng lai thì các tổ chức, cá nhân phải tự chịu trách nhiệm. Mỗi ngày loại hình thanh toán này có nhiều triệu giao dịch. "Các tổ chức tín dụng không thể kiểm soát trước, vì nếu kiểm soát trước sẽ ách tắc các giao dịch. Cho nên trong các quy định của pháp luật hiện hành yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện kiểm tra những chứng từ và các tổ chức, cá nhân tự chịu trách nhiệm về các chứng từ đó", Thống đốc lý giải.
Thống đốc NHNN cũng cho biết, chúng ta có các quy định về phòng, chống rửa tiền. Tất cả các giao dịch đối với ngoại tệ trên 1.000 USD sẽ cho vào giao địch đáng ngờ, chuyển cho Cơ quan điều tra điều tra, xác minh. Người dân và chủ doanh nghiệp sẽ biết đâu là giao dịch bị cấm, đâu là giao địch được thực hiện.
Vấn đề "tín dụng đen", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng một lần nữa khẳng định đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành. Về phía NHNN có nhiệm vụ tăng cường kênh cung ứng vốn chính thức, đã ban hành đầy đủ khuôn khổ pháp lý; đồng thời đã ban hành chính sách tín dụng cho vay đối với người dân...