Chó robot bảo vệ ngôi chùa gần 1.000 năm tuổi ở Trung Quốc

Một chú chó robot sáu chân đã được triển khai để hỗ trợ bảo vệ Chùa gỗ Ngân Hiến, di sản gần 1.000 năm tuổi ở tỉnh Sơn Tây, miền Bắc Trung Quốc.

Theo tờ Global Times, đây là một phần của sáng kiến “Chùa thông minh 2.0” được khởi động bởi công ty Lenovo và khoa Kiến trúc của Đại học Thanh Hoa.

Dự án này không chỉ đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác bảo tồn di sản văn hóa mà còn mở ra tiềm năng ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo trong việc bảo vệ di tích lịch sử.

Chú chó robot sáu chân đang kiểm tra Chùa gỗ Ngân Hiến. Ảnh: Global Times

Chú chó robot sáu chân đang kiểm tra Chùa gỗ Ngân Hiến. Ảnh: Global Times

Chùa gỗ Ngân Hiến ở Sơn Tây, Trung Quốc được UNESCO công nhận là công trình gỗ nhiều tầng cao nhất và lâu đời nhất thế giới, với chiều cao 67,31 mét và gồm 9 tầng.

Vào những ngày cao điểm, ngôi chùa có thể đón tới 50.000 du khách, góp phần làm nổi bật giá trị văn hóa và thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Ứng dụng AI trong bảo tồn di sản

Lenovo đã phát triển và triển khai chú chó robot sáu chân hỗ trợ các nhiệm vụ bảo tồn tại Chùa gỗ Ngân Hiến. Chú robot này được trang bị các công nghệ tiên tiến như quét 3D thông minh, lập mô hình và tuần tra an toàn.

Một trong những thành công lớn nhất là việc tái tạo kỹ thuật số chính xác trần nhà phức tạp của ngôi chùa, tạo nền tảng vững chắc cho việc phân tích cấu trúc và lên kế hoạch bảo tồn di sản.

Chú chó robot còn sở hữu hệ thống thị giác 3D, có thể tái tạo chi tiết của di sản ở cấp độ milimet mà không cần tiếp xúc vật lý.

Hệ thống AI của robot giúp nhận thức và đưa ra quyết định tự động, hỗ trợ điều hướng ổn định trên địa hình phức tạp và thu thập dữ liệu từ các khu vực khó tiếp cận.

Tăng cường hiệu quả bảo tồn bằng công nghệ

Ông Mao Thế Kiệt, Phó Chủ tịch Lenovo và Giám đốc Lenovo Research Thượng Hải, cho biết: “Chú robot có thể tự động di chuyển theo các tuyến đường đã được lập sẵn để kiểm tra các khu vực nguy hiểm như hành lang hẹp, hoặc chuyển sang chế độ theo dõi để hợp tác với các kỹ thuật viên là con người.”

Ngoài ra, việc so sánh dữ liệu quét theo thời gian cho phép các nhà nghiên cứu sử dụng thuật toán AI để phát hiện các thay đổi nhỏ như biến dạng gỗ hoặc mất sơn, từ đó đưa ra các biện pháp bảo tồn phòng ngừa.

“Mục tiêu của chúng tôi là mở rộng ranh giới của trí thông minh hiện thân bằng cách áp dụng nó vào các tình huống thực tế có giá trị cao như bảo vệ di sản văn hóa,” ông Mao cho biết thêm.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã không ngừng ứng dụng công nghệ để phục hồi và bảo tồn các di tích văn hóa, đồng thời làm phong phú thêm đời sống văn hóa công cộng và tăng cường giao lưu quốc tế.

Ông Triệu Bằng, Phó Giám đốc khoa Kiến trúc cổ tại Bảo tàng Cố cung, chia sẻ: “Ứng dụng trí thông minh hiện thân trong bảo tồn kiến trúc cổ đại đại diện cho một ranh giới mới và là xu hướng nổi bật trong việc sử dụng AI.”

Trung Quốc hiện đang chú trọng tích hợp công nghệ tiên tiến trong công tác bảo vệ di sản văn hóa.

Luật Bảo vệ Di tích Văn hóa, được sửa đổi và cập nhật vào năm 2024, nhấn mạnh sự hỗ trợ của quốc gia đối với nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới trong bảo vệ di tích, đồng thời kêu gọi đẩy mạnh quá trình số hóa và khai thác nguồn tài nguyên văn hóa.

NGHIÊM THANH

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/the-gioi/cho-robot-bao-ve-ngoi-chua-gan-1000-nam-tuoi-o-trung-quoc-129313.html