Chợ sớm vùng sơn cước...

Mỗi lần đi công tác các huyện miền núi của xứ Quảng, tôi luôn háo hức và chờ đợi để được đi những buổi chợ sớm nơi này.

Mỗi lần đi công tác các huyện miền núi của xứ Quảng, tôi luôn háo hức và chờ đợi để được đi những buổi chợ sớm nơi này.

Hàng đến chợ thông thường là cây nhà lá vườn.

Hàng đến chợ thông thường là cây nhà lá vườn.

Những ngày giữa tháng năm, núi đồi xanh thẳm màu trong sương mai lành lạnh, khắp các tuyến đường đổ về thị trấn Prao (H. Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) đã có nhiều bà con gùi hàng về. Đa phần bà con dậy sớm, những đôi chân thoăn thoắt bước nhanh và trên vai nặng trĩu gùi hàng về cho kịp buổi chợ mai. Chợ bắt đầu từ sớm tinh sương kéo dài đến hết buổi sáng. Người dân đi chợ rất đông, từ các xã của Đông Giang như xã Ba, xã Tư, Za Hung, Jơ Ngây, Tà Lu... Người dân các xã vùng thấp, vùng cao cùng đến chợ sớm ở thị trấn Prao, trung tâm H. Đông Giang. Chợ sáng sớm họp tại một khoảng đất rộng, không che bạt, không phân lô, không có bán các hàng hóa đa dụng từ dưới xuôi chở lên như các đồ quạt điện, quần áo, vật dụng trong nhà… Mà ở chợ sớm tự phát này, chỉ có các mặt hàng nông sản địa phương thu hoạch được từ vườn nhà, nương rẫy của bà con đem tới bán. Đó là con gà, con vịt, chục trứng, măng khô, măng tươi, các loại rau củ quả như tiêu rừng, ớt, quýt, chanh, chuối, quả bí, ngọn bí, đậu đen, đậu xanh... thấm đẫm hương vị của núi rừng. Nhìn một lượt khắp chợ, như thấy cả bức tranh thu nhỏ sinh động nhiều sắc màu về cuộc sống dân dã đời thường, phong tục tập quán, nếp sống nếp nghĩ của đồng bào Cơ Tu. Những mặt hàng ấy, là những sản phẩm chứa đựng nhiều nét văn hóa đặc sắc riêng có, kết tinh của sự lao động cần cù, sáng tạo, một nắng hai sương của người dân ở vùng cao này.

Tôi quan sát, người đến chợ chủ yếu là những người phụ nữ đồng bào Cơ Tu đủ lứa tuổi. Mặc dù nơi đây có chợ trung tâm huyện được xây dựng khang trang, nhưng người Cơ Tu vẫn thích họp chợ ngoài trời, trên những vạt đất trống và thoáng. Như một nếp sống quen thuộc thường nhật, người ta gùi hàng về đây, nhà có gì thì bán thứ đó. Chị A Lăng Líp (xã Jơ Ngây) cho hay, chợ thường họp khoảng bốn năm giờ sáng đến chừng "già nửa buổi sáng", rồi mới tan. Mùa mưa hay mùa nắng cũng đi chợ như vậy. Chị bảo Jơ Ngây là xã vùng thấp của huyện, từ nhà lên đây khoảng mười bảy cây số. Chị dọn hàng ra bán, là mấy mớ rau dớn, rau lang, ngọn bí và bông bí, cả mấy trái bí non nữa, trông thật tươi ngon và đẹp mắt. Hàng bên cạnh chị là một "A mế" cao tuổi, nhưng trông còn khỏe khoắn và rắn chắc. Tôi lân la trò chuyện, đó là bà Zơ Râm Nuôi (xã Za Hung). "Gian hàng" của bà cũng bày biện đơn sơ, dăm ba chục quả trứng gà, hai con gà một trống một mái, buồng cau nhỏ, nải chuối rừng vỏ màu tim tím... Lót đôi dép ngồi bán hàng hồn nhiên, bà nói: "Tôi thích đi chợ lắm. Nhà nuôi con gà, mong chúng mau lớn, đẻ trứng, gùi xuống bán kiếm tiền mua nước mắm, mua muối, mua dầu về ăn". Cứ vậy, mỗi người gùi hàng xuống đây, là cả những ước ao trang trải cho cuộc sống gia đình. Quanh năm làm lụng, đi nương đi rẫy, dãi nắng dầm mưa để có hàng gùi đi bán. Bán thứ này mua thứ khác...

Rồi cũng xong buổi chợ sớm, họ kéo đến chợ trung tâm, mua những thứ cần thiết trong cuộc sống thường ngày. Lúc này mặt trời đã lên cao, những bước chân của họ lại tỏa đi trên những con đường, lên dốc xuống dốc, để trở về nhà.

Tại H. Đông Giang hôm nay, ngay giữa lòng thị trấn Prao ngày nào cũng lặp lại một cảnh quen thuộc họp chợ thật sớm của người dân nơi đây, đa phần là đồng bào Cơ Tu. Ở đó, là một sự hội tụ sắc màu văn hóa độc đáo... Chợ sớm, gặp những nụ cười, những ánh mắt, những lời qua tiếng lại bán mua, hỏi thăm nhau rộn ràng và cảnh bán mua không vội vã. Tôi biết, là họ đã quen rồi, mùa nào thức nấy từ trong vườn trong rẫy. Với bà con vùng cao, đi chợ là vui, là một phần tất yếu trong đời sống thường ngày... Dù có chợ xây hiện đại, nhưng chợ sớm họp khoảng đất trống này vẫn hiện hữu trong cuộc sống thường ngày, góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa của đồng bào Cơ Tu, tạo sức hút cho du khách đến đây. Hy vọng chợ sớm kiểu như thế sẽ không chỉ là nơi trao đổi buôn bán các nông sản địa phương, lưu giữ văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, mà còn được hình thành là một "sản phẩm du lịch" để những nét đẹp ấy được biết đến, lan tỏa nhiều hơn. Về một nét phong tục tập quán, văn hóa đặc trưng riêng có của miền núi xứ Quảng...

Nếu có dịp, bạn sẽ lên đây và đi chợ sớm vùng cao...

THẢO NGUYÊN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_242725_cho-som-vung-son-cuoc.aspx