Chờ 'sóng' đầu tư 'xanh' từ EU vào Việt Nam

Nhiều nhà đầu tư châu Âu đánh giá cao triển vọng kinh doanh tại Việt Nam, bất kể bất ổn toàn cầu đang diễn ra. Có lợi thế từ Hiệp định EVFTA, nhất là Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam (EVIPA) sắp được phê chuẩn, nhưng Việt Nam cần sớm xây dựng khung pháp lý minh bạch, nhất quán và thuận lợi cho nhà đầu tư. Đây là tiền đề để đón làn sóng FDI mới từ EU vào Việt Nam.

Hiện, EU là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký lũy kế đến hiện nay hơn 27 tỷ USD. Quy mô vốn trung bình của các dự án đăng ký mới từ EU đã có xu hướng tăng, đạt trên dưới 12 triệu USD/dự án là mức cao hơn so với bình quân chung và so với giai đoạn trước khi có EVFTA hiệu lực. Các nhà đầu tư châu Âu hiện diện trên mọi lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế Việt Nam cũng như trên khắp chiều dài và chiều rộng của đất nước.

Lo chính sách thiếu nhất quán

Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) – tập đoàn quản lý quỹ năng lượng tái tạo lớn nhất toàn cầu có trụ sở tại Đan Mạch, hiện đang quản lý tổng nguồn vốn 20 tỷ USD và danh mục dự án năng lượng tái tạo lên đến 90GW. Với tư cách là một trong những nhà phát triển điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới, đại diện Tập đoàn CIP đang nghiên cứu phát triển quản lý trên 38GW điện gió ngoài khơi tại nhiều thị trường trên toàn cầu, bao gồm Hoa Kỳ, Vương Quốc Anh, Đức, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.

Những ngành kinh tế xanh đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư châu Âu.

Những ngành kinh tế xanh đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư châu Âu.

Đối với Việt Nam, lãnh đạo Tập đoàn CIP cho biết hiện đang phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn 3.500 MW tại tỉnh Bình Thuận, song song với đó đang nghiên cứu phát triển trên 10 GW dự án điện gió ngoài khơi tại cả miền Bắc và miền Nam Việt Nam.

Theo đó, lãnh đạo Tập đoàn này đề xuất Việt Nam cần ưu tiên khởi tạo ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, thông qua việc xây dựng cơ sở pháp lý cũng như khởi tạo thị trường, góp phần tạo động lực cho các nhà phát triển dự án nhanh chóng đầu tư xây dựng chuỗi cung ứng và tạo công ăn việc làm.

“Việc xây dựng khuôn khổ chính sách hoàn chỉnh là tiền đề quan trọng giúp Việt Nam nhanh chóng tận dụng được tiềm năng to lớn của điện gió ngoài khơi và cần bắt đầu từ Quy hoạch điện 8, văn bản định hướng chính sách phát triển năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi cũng như ngành năng lượng và điện lực nói chung trong giai đoạn sắp tới”, vị đại diện này khuyến nghị.

Theo lãnh đạo Tập đoàn CIP, Việt Nam cần sớm xây dựng khung pháp lý minh bạch, nhất quán và thuận lợi cho nhà đầu tư. Tương tự các ngành công nghiệp khác, ngành điện gió ngoài khơi cần vượt qua các trở ngại ban đầu về kỹ thuật, vận hành và pháp lý. Do đó, cần nhanh chóng ban hành khuôn khổ pháp lý minh bạch, nhất quán và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư để giúp khởi tạo ngành.

“Chính sách cần thiết bao gồm quy hoạch không gian biển, quy trình cấp phép rõ ràng và nhất quán cho các dự án điện gió ngoài khơi, quy trình lựa chọn nhà đầu tư minh bạch và công bằng; hợp đồng mua bán điện phù hợp và các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi đầu tư”, vị này cho biết.

Trong khi đó, ông Tom McClelland, Chủ tịch Tiểu ban Thuế và Chuyển gia thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam - EuroCham, nêu chính sách ưu đãi để khắc phục tác động của mức thuế suất tối thiểu toàn cầu (GTM) 15%. Do GMT dự kiến sẽ được thực hiện từ đầu năm 2024 và có thể tác động tiêu cực đến việc duy trì và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam do các chính sách ưu đãi thuế địa phương có thể không còn là lợi thế cạnh tranh chính.

Do đó, ông Tom McClelland cho rằng để giữ chân và thu hút thêm vốn FDI trong năm tới, Chính phủ Việt Nam cần xem xét nhanh chóng cải cách chính sách thuế để đảm bảo các lợi ích ưu đãi thuế dành cho các nhà đầu tư hiện tại cũng như đưa ra các ưu đãi thay thế như ưu đãi dựa trên chi phí, thuế nhập khẩu miễn thuế, thời gian miễn thuế đất dài hơn, chi phí nghiên cứu và phát triển.

Mặt khác, liên quan tới các phương pháp định giá chuyển nhượng thuế doanh nghiệp, được sử dụng để xác định giá hàng hóa khi giao dịch giữa các thực thể hoặc công ty liên kết trong một Tập đoàn, có thể yêu cầu các nhà nhập khẩu hoặc xuất khẩu tại Việt Nam thực hiện các điều chỉnh hàng năm đối với giá trị khai báo trước đây hoặc giá trị được lập hóa đơn - dựa trên các tiêu chí được xác định trước. Tuy nhiên, các quy định Hải quan hiện hành không đưa ra hướng dẫn về việc liệu những điều chỉnh đó có cần phải sửa đổi tờ khai hải quan hay không.

Điều này gây khó khăn trong việc xác định giá trị thực của hàng hóa mà pháp nhân Việt Nam và pháp nhân nước ngoài đã thỏa thuận về mặt thương mại với cơ quan thuế Việt Nam để tính thuế. Do đó, Tiểu ban Thuế và chuyên gia thuộc EuroCham đề nghị sửa đổi các quy định về hải quan để hướng dẫn chi tiết việc sửa đổi tờ khai hải quan trong trường hợp điều chỉnh giá đã được thỏa thuận giữa các tổ chức Việt Nam và nước ngoài.

Để trở thành ‘thỏi nam châm’ hút FDI từ châu Âu

Liên quan đến vấn đề Hải quan, Tiểu ban Vận tải và Hậu cần của EuroCham cũng muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định trị giá Hải quan. Doanh nghiệp châu Âu vẫn lo ngại về việc thiếu các quy tắc giải thích việc phân loại cũng như trích dẫn pháp luật hiện hành khi ban hành quyết định phân loại mã HS.

“Chúng tôi khuyến nghị quy định mốc thời gian hợp lý hơn giữa ngày ban hành quyết định và ngày có hiệu lực, và mong có hướng dẫn, chỉ đạo rõ ràng hơn. Ngoài ra, khi Hải quan từ chối cung cấp lý do đưa ra giá tham chiếu trong quá trình tham vấn giá, điều này sẽ tạo ra những tranh chấp không cần thiết và dẫn đến sự thiếu tin tưởng vào tính khách quan của quy trình”, vị này cho biết.

Theo ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham, với gần 20 hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực đang được ký kết hoặc đang chờ phê duyệt, Việt Nam đang được định vị là trung tâm của nền kinh tế toàn cầu. Theo đó, EuroCham khuyến nghị Việt Nam tăng cường khung pháp lý xanh để đảm bảo nền kinh tế xanh của Việt Nam vẫn là "xương sống" trong khả năng cạnh tranh quốc tế. Qua đó thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đảm bảo tính bền vững và hỗ trợ đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng.

Ngoài ra, Việt Nam cũng nên có một quy trình đơn giản hóa đối với giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài. Các công ty trong nước và quốc tế hiện đang gặp khó khăn trong việc thu hút nhân tài nước ngoài do chính sách hiện hành. Điều này rất quan trọng vì FDI không chỉ bao hàm dòng vốn mà còn là khả năng tiếp cận những nhân tài tốt nhất. Với sự linh hoạt trong việc tuyển dụng những nhân tài hàng đầu, Việt Nam sẽ tiếp tục dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế trong khu vực.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - ông Nguyễn Quang Vinh, cho biết, hợp tác giữa EU và Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều từ EVFTA. "Chúng tôi vẫn kỳ vọng rằng EVIPA sẽ sớm được phê chuẩn trong thời gian tới", ông Vinh đánh giá cùng với EVFTA, EVIPA sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ, khơi mào làn sóng FDI mới từ EU vào Việt Nam. Việt Nam sẽ có thể khuyến khích tăng trưởng kinh tế, tạo cơ hội việc làm và đảm bảo phát triển bền vững nhờ các khoản đầu tư của châu Âu chất lượng cao vào kỹ thuật quản lý và công nghệ tiên tiến.

Lê Thúy

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/cho-song-dau-tu-xanh-tu-eu-vao-viet-nam-1090839.html