Chớ tắt tivi khi chưa có tiếng còi kết thúc

Phút 90+1 Hwang Hee-chan có bàn thắng ngàn vàng vào lưới Bồ Đào Nha và trận đấu tại Education City kết thúc với thắng lợi ngược 2-1 cho Hàn Quốc. Nhưng các tuyển thủ và CĐV xứ Kim chi có mặt trên sân cũng như hàng triệu người ở quê nhà vẫn chưa dám ăn mừng.

World Cup 2022 mang lại rất nhiều cảm xúc

World Cup 2022 mang lại rất nhiều cảm xúc

Lần đầu tiên trong lịch sử World Cup, 1 đội tuyển phải cùng nhau dán mắt vào smartphone, nín thở ngóng kết quả trận đấu cùng giờ có thời gian đá bù tổng cộng đến 19 phút, bởi trên sân Al-Janoub chỉ cần thêm 1 bàn thắng tấm vé đi tiếp sẽ chuyển sang Uruguay.

10 phút như dài hơn thế kỷ. Và… sau đó là rất, rất nhiều nước mắt. Son Heung-min lại khóc nhưng lần này là những giọt nước mắt sung sướng, hạnh phúc tột cùng của người chết đi sống lại. Ở bên kia Doha là Suarez trùm đầu giấu khóe lệ, ngậm ngùi chia tay với kỳ World Cup cuối cùng. Ca khúc Dreamers của chính ca sỹ người Hàn Quốc Jungkook rộn ràng trên sân Education để chúc mừng những người (dám) mộng mơ.

Vòng bảng World Cup ở xứ Ả-rập khép lại bằng cái kết thần thoại không thể ấn tượng, giàu cảm xúc hơn. Nó cũng hệt như câu chuyện “Samurai” vùng lên “chém” “Bò tót”, tước luôn ngôi đầu và đá văng “xe tăng” về nước được kể vào đêm trước. Như nàng Scheherazade mỗi đêm với vị vua Shahryar, hầu như mỗi lượt trận Qatar 2022 lại mang đến một câu chuyện kỳ thú. Đầu tiên là 2 cơn địa chấn mang tên Saudi Arabia, Nhật Bản; “hiện tượng” châu Á tiếp tục với Hàn Quốc cầm hòa Uruguay, Iran quất sụm Xứ Wales, Australia tiễn “những chú lính chì” Đan Mạch. Bối cảnh được chuyển sang châu Phi huyền bí với Morocco diệt trừ “Quỷ Đỏ”, Cameroon khiến “Đại bàng” Serbia xếp cánh, đặc biệt Tuinisia buộc nhà ĐKVĐ Pháp nếm mùi thất bại. Và lại trở về châu Á như đã biết…

Không chỉ là những cái kết bất ngờ - vốn là vẻ đẹp làm nên sức quyến rũ của bóng đá, World Cup 2022 còn chứng kiến những cuộc quật khởi khó tin. Như trận Argentina - Saudi Arabia, sau khi Messi sớm mở tỷ số trên chấm 11m cùng với thế trận quá chênh lệch trong hiệp 1, nhiều người đã đinh ninh cửa trên ăn chắc, lên giường đi ngủ lấy sức xem trận sau. Và tất cả đã “việt vị”, bỏ lỡ, không được chứng kiến chiến thắng lịch sử của đoàn cầu Tây Á ở hiệp 2 với cú đúp vùng lên chỉ trong vòng 5 phút. Tương tự là 3 cuộc ngược dòng thần thánh của 2 đại diện Đông Á Nhật Bản, Hàn Quốc trước 2 nhà cựu vô địch châu Âu là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha.

Không thay đổi kết quả nhưng những ai rời màn hình từ phút 70 trận Bồ Đào Nha - Ghana (khi ấy Bồ vẫn dẫn 1-0 bởi bàn thắng của Ronaldo từ quả penalty) cũng phải hối tiếc. Bởi 1/3 thời gian còn lại mới là phần hay nhất của cuộc thư hùng với cuộc rượt đuổi tỷ số điên rồ thêm 4 bàn thắng, mà cứ sau 5, 10 phút lưới một trong 2 đội lại rung.

Ngoài ra, với cách tính thời gian bù giờ mới, sự kịch tính phút cuối càng được đẩy cao. Trong 127 bàn thắng cho đến sau 2 trận vòng 1/8 đầu tiên có 10 bàn được ghi từ sau phút 90 trở đi, đặc biệt trong đó có 2 bàn làm thay đổi, quyết định số phận trận đấu. Phút 90+2, Aboubakar ghi bàn duy nhất mang về chiến thắng lịch sử cho Cameroon trước Brasil và đặc biệt là pha lập công ở phút 90+1 của Hwang Hee-chan vào lưới Bồ Đào Nha thực sự là bàn thắng vàng 10 khi đưa tuyển Hàn Quốc trở về từ cõi chết. Trong 10 pha lập công ở thời gian bù giờ cuối trận này, Iran đang nắm giữ kỷ lục về cả 2 bàn thắng muộn màng nhất (bàn gỡ 2-6 vào lưới tuyển Anh ở phút 90+13 và bàn ấn định chiến thắng 2-0 trước Xứ Wales phút 90+11).

Thay cho cảm giác kéo dài lê thê, nhàm chán, vòng bảng World Cup 2022 mang lại rất nhiều cảm xúc, đến mức FIFA phải suy nghĩ lại thể thức chia bảng ở World Cup 2026 khi tăng lên 48 đội (sẽ là 12 bảng nhưng mỗi bảng vẫn 4 đội thay vì 3 như đã được thông qua). Kịch tính sẽ càng tăng cao khi bước vào giai đoạn knock-out. Chớ nhìn vào sự chênh lệch tên tuổi trên lý thuyết mà “nhìn mặt bắt hình dong”, sớm tắt tivi.

Minh Chung

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/thethao/202212/cho-tat-tivi-khi-chua-co-tieng-coi-ket-thuc-3147463/