Cho Tây Nguyên thêm xanh
Tháng 12, Tây Nguyên nắng hanh, gió lạnh và hoa dã quỳ đã vàng rực các triền đồi báo hiệu Tết đang về. Nhưng với các nhà khoa học của Chương trình Tây Nguyên (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), đây là thời điểm của những chuyến đi dài ngày, thậm chí hàng tháng trời để tranh thủ mùa khô khảo sát số liệu, đánh giá lại các mô hình. Những vạt nương, ngọn đồi thêm xanh là thước đo thời gian của các nhà khoa học.
Tiến sĩ Nguyễn Ðình Kỳ, Phó Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên cho biết, chương trình bắt đầu từ năm 2016 và đã bước vào năm cuối. Ðây là nhiệm vụ nối tiếp ba Chương trình Tây Nguyên trước đây, thể hiện chủ trương nhất quán của Ðảng và Chính phủ trong việc đưa khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội của Tây Nguyên. Dấu ấn của chương trình lần này là những công trình nghiên cứu liên ngành, những giải pháp công nghệ giúp Tây Nguyên phát triển bền vững.
Vấn đề bức thiết của Tây Nguyên là khủng hoảng thừa và thiếu nước. Dù có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế với nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, các khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ, nhưng Tây Nguyên đối mặt với tình trạng hạn hán và lũ đe dọa. Theo tính toán cân bằng tài nguyên nước mặt vùng Tây Nguyên trong điều kiện biến đổi khí hậu và phát triển các ngành kinh tế, đến năm 2050, Tây Nguyên thiếu 4,8 tỷ m3 nước vào mùa khô. Trong khi đó, tiềm năng nước mặt của Tây Nguyên rất lớn, lượng nước dùng cho các ngành chỉ chiếm 29 đến 32%. Ðiều đó chứng tỏ Tây Nguyên không thiếu nước, chỉ thiếu các giải pháp lưu trữ và sử dụng hợp lý tài nguyên nước mặt.
Trở lại Tây Nguyên lần này, PGS, TS Nguyễn Vũ Việt (Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam) công bố kết quả nghiên cứu về giải pháp lấy nước của mùa lũ để cất trữ cho mùa khô, chuyển nước từ hồ chứa của vùng dồi dào nước sang hồ chứa tại vùng sinh thủy kém. Giải pháp cụ thể tại tỉnh Kon Tum cho thấy sự đồ sộ, tầm cỡ của nghiên cứu. PGS, TS Nguyễn Vũ Việt cho biết, tại Kon Tum, sẽ đào đường hầm dài 692 m và dùng công nghệ bơm cột nước cao để chuyển nước các tháng mùa lũ từ hồ thủy điện Pleirông sang hồ Ðăk Sa Men còn khan hiếm nước; nâng sức chứa của hồ Ðăk Sa Men để nhận thêm nước; đồng thời xây dựng thêm hai hồ chứa thông nhau tại nơi có nhiều nguồn nước suối để trữ nước và dẫn lượng nước thừa từ hồ Ðăk Sa Men sang hai hồ này qua đường hầm dài 6.340 m. Với giải pháp này, tổng lượng nước của ba hồ sẽ bảo đảm đủ nước cho diện tích cây trồng nông nghiệp và cấp đủ nước sinh hoạt cho TP Kon Tum. Các nhà khoa học của chương trình đánh giá, đó là đề tài "rường cột" của chương trình, thể hiện trí tuệ khoa học Việt Nam quyết tâm không để Tây Nguyên "khát". Giải pháp này có thể được áp dụng với nhiều hồ chứa hiện có trên địa bàn năm tỉnh Tây Nguyên, tránh lãng phí tài nguyên nước vào mùa mưa, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước cho Tây Nguyên.
Bước vào mùa khô này, công việc tưới cây cà-phê trở nên dễ dàng hơn với một số hộ dân tại huyện Ðăk Tô (Kon Tum) khi cụm công trình thử nghiệm lưu giữ và khai thác nước tại thị trấn Ðăk Tô được vận hành. 15 ha cà-phê được tưới nhỏ giọt, tự động theo công nghệ của I-xra-en. Dẫn chúng tôi tham quan mô hình lưu giữ và khai thác nước xây dựng bên bờ suối Ðăk Rui, kỹ sư Trần Hùng, (Viện Nước tưới tiêu và Môi trường) cho biết, cụm công trình có đập ngầm như một bấc thấm để thu nước ngầm và nước mặt mùa mưa lũ từ con suối để chuyển vào giếng chứa, mùa khô bơm lên rẫy, tưới tự động cho cây cà-phê. Ðây là giải pháp chống hạn cho những khu vực địa chất không cho phép xây dựng các công trình hồ chứa và phù hợp tưới các diện tích rẫy dọc bờ suối bị cạn nước vào mùa khô. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðăk Tô Tưởng Văn Khanh vui mừng khoe với chúng tôi, cụm công trình là một kỳ tích mà các nhà khoa học của Chương trình Tây Nguyên đem lại cho địa phương với hiệu quả rõ rệt. Rồi đây sẽ sớm nhân rộng mô hình, phù hợp chủ trương phát triển thủy lợi nhỏ của Nhà nước, hạn chế được tình trạng người dân đào ao bên suối, ảnh hưởng môi trường và thủy văn nước ngầm. Một người dân được chính quyền giao vận hành cụm công trình khoe với chúng tôi, so với tưới truyền thống, cụm công trình thử nghiệm đã tiết kiệm được 60% chi phí nhân công, giảm 40 đến 50% lượng nước tưới, 60% chi phí năng lượng, 25 đến 30% lượng phân bón, 25 đến 30% công chăm sóc. Từ khi vận hành mô hình này, nhiều gia đình đến tham quan, muốn đầu tư phát triển cây cà-phê, cây ăn quả vì đã có giải pháp về nguồn nước bền vững.
Cũng thời điểm này, những người nông dân ở các xã Ea Wer, Ea Hour, huyện Buôn Ðôn, tỉnh Ðắk Lắk trút bỏ được gánh nặng thiếu cỏ cho bò trong 6 tháng mùa khô. Những vườn cỏ trồng do các nhà khoa học hướng dẫn quy trình đã lên xanh, cao quá đầu người. Ông Vũ Tuấn Thức, người dân tham gia mô hình cải tạo đồng cỏ thâm canh ở xã Ea Wer cho biết, vào mùa khô thiếu nước khiến thực vật chết, cỏ tự nhiên không cung cấp đủ dinh dưỡng cho đàn gia súc, người dân tự trồng cỏ cũng không năng suất. Nhờ giống cỏ tốt, quy trình trồng đúng kỹ thuật của các nhà khoa học, cho nên năng suất, dinh dưỡng của cỏ tăng hơn nhiều lần. TS Vũ Anh Tài (Viện Ðịa lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, các giống cỏ phù hợp Tây Nguyên là Mulato II, Mombasa Ghi-nê và Ruzi, đáng nói là có giống cỏ chịu được cháy, khả năng mọc lại và sinh trưởng rất tốt. Mô hình cũng được xây dựng cho trang trại bò, đã cải thiện được 50% sản lượng cỏ phục vụ nhu cầu chăn thả. Ðể chủ động hơn, các nhà khoa học xây dựng mô hình chế biến, ủ thức ăn thô để chủ động hơn nguồn thức ăn cho bò trong mùa khô, giảm chi phí chăn nuôi. Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ðắk Lắk đang có kế hoạch cải tạo các trang trại trên địa bàn để áp dụng mô hình.
Vấn đề bức bách của Tây Nguyên là cải tạo bãi thải sau khai thác khoáng sản cũng đã có giải pháp, với ứng dụng sản phẩm khoa học - công nghệ cải tạo đất, lựa chọn các loại cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp phù hợp để trồng tại các bãi thải sau khai thác quặng bô-xít, vật liệu xây dựng và trên bùn thải sau xử lý quặng bô-xít... TS Nguyễn Mạnh Hà (Viện Ðịa lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, hiện, cây trồng trên các bãi thải của mô hình đã khép tán, phát huy tác dụng phòng hộ môi trường, che phủ đất. Diện tích bãi thải sau khai thác khoáng sản tại Tây Nguyên còn rất lớn, cho nên, kết quả nghiên cứu là giải pháp hữu ích để cải tạo bãi thải, ngăn ngừa thoái hóa đất và hoang mạc hóa.
Những kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ của Chương trình Tây Nguyên sẽ giúp kết nối các nguồn lực để đưa Tây Nguyên phát triển, liên kết với các vùng trong cả nước và hội nhập. Bởi vậy, mong muốn lớn nhất của các nhà khoa học là các mô hình sớm được ứng dụng rộng rãi để góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân; các số liệu, báo cáo khoa học được các địa phương sử dụng làm cơ sở cho lập quy hoạch, kế hoạch phát triển cho từng địa phương ở Tây Nguyên.
Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/42772402-cho-tay-nguyen-them-xanh.html