Chờ Tết ở sân ga

Ai đó đã từng nói rằng: Muốn biết mùa xuân gõ cửa nơi nào sớm nhất, hãy đến sân ga vào một ngày cuối năm. Ở đó có những niềm khắc khoải của sự chờ đợi và nước mắt vỡ òa của hạnh phúc đoàn viên… Vậy là tôi đã đến ga tàu để chờ được chứng kiến những hân hoan khi mùa xuân bắt đầu gõ cửa.

Sân ga một chiều cuối năm. Ảnh: Nguyễn Chung.

Sân ga một chiều cuối năm. Ảnh: Nguyễn Chung.

Ngóng trông những chuyến tàu

Phải sang đến ngày 26 tháng Chạp, chuyến tàu SE7, lý trình TPHCM - Hà Nội mới về đến ga Thanh Hóa nhưng ông Ba đã vào sân ga ngồi chờ từ lúc phố còn chưa lên đèn. Ổ bánh mì ông mua để lót dạ đã nguội cùng chai nước suối treo lủng lẳng trên thành ghế đá. Trong khu hiên chờ, vài người đi tàu ra mạn phía Bắc đến sớm, ngồi tư lự đốt thuốc lá… Ga tỉnh lẻ những ngày cuối năm vẫn thưa vắng khách.

Tôi đến chào ông rồi ngồi xuống phần còn lại của chiếc ghế. Dưới ánh đèn nhà ga vàng vọt, ánh mắt màu bàng bạc của ông đang đau đáu hướng về phía cuối đường ray đã chìm vào màn sương đêm hư ảo. Nghe tiếng người lạ, ông quay hẳn khuôn mặt cháy nắng và đầy vết thời gian về phía tôi gật đầu.

“Nghe các con gọi điện báo tối nay sẽ về nên tôi bắt xe buýt lên đây từ trưa. Ở nhà cũng xốn xang, chả làm được việc gì. Phải hơn 3 năm rồi gia đình chúng nó lại mới về ăn Tết với tôi đấy!”- ông Ba cười móm mém, rồi kể thêm, làng ông thuộc xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa nằm nép mình trên một mom đất chìa ra biển, nhìn xa như cổ con rùa đang vươn mình đón bình minh.

Không như nhiều gia đình vùng biển đông con khác, vợ chồng ông cố mãi mới có được một mụn con trai. Làng biển nghèo, ông định bụng chỉ cho con học cho biết mặt chữ rồi dạy con cách ra khơi tìm sinh kế như bao đời người ở dải đất hẹp này. Nhưng không! Nó chê nghề biển cực mà nghèo rồi theo đám thanh niên trong xã, lên tàu vào Nam tìm việc khi chỉ mới học xong lớp 12, mặc cho mẹ nó vật vã khóc than, ngăn trở.

Ít năm sau do bệnh tật nên vợ ông đã về miền cực lạc trước khi anh con trai tha hương kịp lấy vợ. Ông Ba cũng không còn sức để theo nghề biển, ngày ngày vào ra với căn nhà tróc lở và bám víu vào mảnh vườn nhỏ sinh nhai. Anh con trai đưa vợ về quê chào ông và họ mạc, xong vợ chồng anh lại dắt díu nhau vào Nam ngay vì công ty không cho nghỉ dài ngày.

“Hôm đi, vợ chồng nó hứa cuối năm sẽ về ăn Tết với tôi cho vui nhưng rồi dịch dã liên miên… đến giờ đã là năm thứ 3, cũng là ngần ấy năm tôi “không có” Tết. Nhiều khi nhớ chúng nó quá, tôi lại sang hàng xóm mượn điện thoại gọi video để được thấy con, thấy cháu… lần nào gọi về cả nhà cũng khóc.

Nhiều hôm tủi thân định gọi trách cứ vài câu nhưng thương quá lại phải giấu những ốm đau tuổi già để động viên con” - giọng ông Ba nghẹn ngào.

Hai vợ chồng cậu con trai ông Ba cõng theo hai đứa trẻ, lương công nhân ba cọc, ba đồng, trong khi phải chi tiêu đủ thứ. Chuyến này về được quê, chắc đôi vợ chồng cũng phải tính toán, tằn tiện lắm. Ăn Tết xong, ông Ba định bụng sẽ bàn với vợ chồng con trai không đi nữa. Ở quê giờ nông thôn mới cả rồi, đời sống đang khấm khá lên từng ngày, nhiều khu công nghiệp, nhà máy cần tuyển người làm, lương thấp tí nhưng có bố, có con và không còn phải ly hương.

Rời câu chuyện với ông Ba, tôi đứng dậy kéo cao cổ áo, thả bước dọc đường đường tàu. 23 giờ khuya, gió lạnh đem theo sương mù và hơi mưa phùn đậu đầy xuống tóc.

Phía đường ray số 2, bóng 3 mẹ con người phụ nữ chờ tàu, đứng co ro trong màn sương lạnh. Dưới chân ghế đá là lỉnh kỉnh những va li, ba lô quần áo và có cả một chiếc làn nhựa đỏ đựng những chiếc bánh chưng vuông vắn. Hai đứa trẻ gầy nhẳng trong những chiếc áo phao lớn, nép sau vai mẹ. “Anh cũng đón tàu vào Nam ạ? Các con chào chú đi chứ, phải để mẹ nhắc nữa à?”. Hai đứa bé lí nhí chào tôi không rõ tiếng sau lời hối thúc của mẹ chúng.

Có lẽ, 3 mẹ con chị là số ít những hành khách bắt tàu ngược vào Nam trong những ngày áp Tết này. “Mẹ con chị về ga nào?”- tôi bắt chuyện. “Mẹ con cháu vào Bình Dương ăn Tết với bố đấy”- người đàn bà chưa kịp trả lời thì đứa bé lớn đã nhanh nhảu khoe với tôi. Chị cười phúc hậu đưa những ngón tay gầy lên xoa đầu con. “Tôi đưa chúng nó vào thăm bố rồi ở lại ăn Tết luôn. Bố cháu bị tai nạn lao động nên không thể về quê như dự định anh ạ! Với lại cho chúng nó ăn Tết một lần trong Nam cho biết" - chị từ tốn trả lời.

Người phụ nữ ấy tên Ngân Thị Sương, nhà ở tận xã Mường Mìn, huyện vùng biên Quan Sơn tỉnh Thanh Hóa.

Chồng chị là một người đàn ông hiền lành, siêng năng nhưng đất rừng không đủ nuôi sống gia đình có đến 6 miệng ăn. 2 năm trước, anh theo nhóm thợ xây vào Bình Dương để phụ hồ.

Ngày công không cao lắm nhưng hàng tháng cũng gửi về cho chị đủ tiền trang trải ăn học cho đám trẻ và thuốc men cho người mẹ đã ở tuổi thất thập. Cuối năm ngoái, chị gọi điện hối anh về ăn Tết nhưng anh bảo thôi không về, cố gắng để tiết kiệm tiền tàu xe cho năm nay.

Tết đoàn viên

Năm nay, ngay khi trời trở rét, mấy đứa nhỏ đã bắt đầu háo hức bàn chuyện sắm Tết khi bố về thì tai họa ập đến. Khi đang tất bật hoàn thành công trình để bàn giao, chồng chị bị ngã giàn giáo gãy chân, rạn 2 xương sườn. Nhập viện điều trị, bác sĩ nói phải nằm viện điều trị hơn 1 tháng mới lành.

Chị đành giấu mẹ chồng, cắt cử đứa con trai lớn đang học lớp 11 ở nhà trông nom bà rồi dắt díu 2 đứa bé vào thăm bố. “Can ngăn mẹ con em mãi không được, trước khi đi bố nó dặn bằng giá nào cũng phải cố gắng đem ít bánh chưng và thịt xông khói, hạt dổi vào để ăn Tết cho đúng vị quê. Giá không lỉnh kỉnh thì mấy đứa nhỏ còn định đem thêm 1 cành đào cho bố đỡ nhớ nhà. Lần này vào ăn Tết xong, anh ấy lành hẳn thì em cũng khuyên về quê thôi.

Mấy đứa nhỏ cần phải có bóng bố ở bên, bà thì cũng đã ở vào tuổi “gần đất, xa trời”, mình em lo không xuể. Về xin vào làm công tại các cơ sở chế biến lâm sản, nhận thầu thêm vài ha rừng trồng keo, trồng luồng… chăm chỉ rồi cũng ổn cả thôi mà!”- chị Sương cười, mắt ánh lên niềm hy vọng mới.

Bất chợt tiếng loa “Đoàn tàu SE7, hướng TPHCM - Hà Nội sắp vào ga, đề nghị hành khách giữ khoảng cách an toàn…” vang lên, tạm kết câu chuyện với gia đình chị Sương.

Nhìn về phía toa số 9, ông Ba đã đứng bật dậy hướng ánh mắt đau đáu của mình về phía tiếng còi tàu. “Chúng nó ngồi ở toa số 9, mà toa số 9 nằm ở đâu nhỉ?”- ông thảng thốt như sợ đoàn tàu sẽ đi mất khi ông còn chưa kịp tìm thấy con. Những toa xe chầm chậm lướt qua, từ các ô cửa sổ, những bàn tay đưa ra vẫy gọi người thân.

Trước cửa toa số 9, nhiều hành khách chen bước xuống sân ga. Ông Ba đứng như bất động, giang rộng đôi tay gầy guộc, mắt nhòa đi khi gia đình con trai ông xuất hiện. Mặc kệ mớ hành lý, người con trai cao lớn, rắn rỏi bế trên tay đứa bé trai hơn 3 tuổi ào đến, siết chặt ông vào khuôn ngực vuông vức. Sau phút xúc động, anh con trai như mới sực nhớ, buông bố ra rồi bế đứa bé đang tròn mắt ngơ ngác đưa đến trước mặt ông: “Chào ông nội đi con!”.

Ông Ba đón lấy đứa cháu nhỏ trong niềm hạnh phúc vô bờ, để mặc hai dòng nước mắt đang lăn dài trên khuôn mặt nhăn nheo, ông quay lại trìu mến nói với cô con dâu cũng đang đưa tay lau những giọt nước mắt: “Về nhà ta thôi các con!”.

Ở bên phía đường ray số 2, đoàn tàu SE2 cũng đã vào ga. Nhân viên đường sắt giúp mẹ con chị Sương xếp gọn hành lý lên kệ. Hai đứa trẻ đã yên vị ngồi vào ghế, ánh mắt chúng sáng lên háo hức chờ đón cái Tết ở miền Nam xa xôi…

NGUYỄN CHUNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/cho-tet-o-san-ga-10272822.html