Chợ Thành Tâm nhiều năm không hoạt động
Những năm qua, nhiều xã, phường triển khai xã hội hóa xây dựng chợ, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ, từng bước phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, đồng thời giảm khó khăn cho ngân sách nhà nước trong đầu tư về lĩnh vực này. Tuy nhiên, bên cạnh những chợ xã hội hóa hoạt động hiệu quả, vẫn còn chợ bỏ hoang. Trong đó, chợ Thành Tâm, thị xã Chơn Thành là một điển hình, bỏ hoang hơn 9 năm chưa hoạt động.
Không họp chợ vì… dải phân cách
Mỗi ngày, chị Trần Thị Hường ở khu phố Hòa Vinh 1 thường đến chợ tự phát ở khu phố Mỹ Hưng, phường Thành Tâm để mua thực phẩm cho gia đình. Chợ ở mặt tiền quốc lộ 13, dọc tuyến có dải phân cách cứng phân chia hai làn đường. Đi chợ bên phía đối diện, để về nhà, thay vì đi cùng chiều mất 2km, chị Hường chọn đi ngược chiều khoảng 200m thì có đường băng ngang. Vì tiện đường đi làm nên nhiều người thường mua hàng hóa, thực phẩm tại đây. Vào những ngày cuối tuần thì chị đi chợ xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương giáp ranh phường Thành Tâm.
Chị Hường cho biết: “Từ nhà tôi đến chợ xã Trừ Văn Thố khoảng 2 phút. Nếu đi chợ Thành Tâm, đi - về vòng qua dải phân cách khoảng 6km. Quốc lộ 13 xe chạy liên tục nên tôi ngại băng qua đường. Nếu chợ tự phát giải tán thì tôi đi chợ xã Trừ Văn Thố”.
Chợ tự phát hay còn gọi là chợ ông Trần Văn Thiện có diện tích hơn 500m2. Chợ hình thành hơn 10 năm nay. Ban đầu người dân đem hàng hóa đến trao đổi, mua bán tại khu đất của gia đình ông Thiện. Lâu dần chợ họp ngày càng đông. Năm 2014, ông Thiện được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với ngành nghề cho thuê mặt bằng, sạp, ki-ốt. Các tiểu thương khi bán hàng ở đây phải đóng tiền cho chủ đất, giá thuê theo thỏa thuận. Vì là chợ tự phát nên không có hệ thống phòng cháy, chữa cháy, tiểu thương tự quản lý hàng hóa. Chợ chỉ họp vào sáng sớm, chiều tối và tan tầm trong khoảng 3-4 giờ.
Chị Trương Thị Thanh Hương, tiểu thương bán cá ở chợ tự phát cho hay: “Tôi bán ở chợ này mấy năm rồi, chợ họp đến 9 giờ 30 phút là không còn người mua. Mỗi buổi sáng, tôi đóng tiền phí vệ sinh rác thải cho chủ đất khoảng 15.000 đồng. Chợ ở đây chỉ bán sáng sớm rồi về nên tiểu thương tự giữ hàng hóa, không phải phòng cháy, chữa cháy”.
Tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường thường xuyên diễn ra tại khu chợ tự phát. Người mua, kẻ bán để hàng hóa tràn ra đường mặc cho các phương tiện giao thông qua lại. Mật độ giao thông đoạn qua khu vực chợ thường xuyên đông đúc. Một số người vì muốn rút ngắn đoạn đường đến chợ đã trèo qua dải phân cách. Sau khi mua thực phẩm, họ trở về bằng con đường cũ.
Chị Nguyễn Thị Thu Hạnh ở khu phố Hữu Chánh, phường Thành Tâm cho biết: “Chợ tự phát không có bãi giữ xe nên tôi phải gửi ở nhà đối diện rồi đi tắt băng qua dải phân cách vào chợ. Biết như vậy là nguy hiểm nhưng đi đường vòng thì bất tiện”.
Do sự thiếu ý thức của người dân nên không ít vụ tai nạn giao thông đã xảy ra, vì trèo qua dải phân cách, không chấp hành luật giao thông. Thời gian qua, phường Thành Tâm đã nhiều lần cử lực lượng ra quân dẹp nạn buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường ở chợ tự phát, nhưng chỉ như “bắt cóc bỏ dĩa”.
Vận động nhiều lần không thành
Cuối năm 2013, UBND tỉnh thuận chủ trương cho Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Tân Bình thực hiện dự án xây dựng chợ và khu dân cư trên diện tích 1,5 ha tại khu phố Mỹ Hưng, phường Thành Tâm. Công trình có tổng vốn đầu tư khoảng 30 tỷ đồng. Năm 2015, chợ Thành Tâm hoàn thành. Trong quá trình đưa công trình vào sử dụng, chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn do tiểu thương không vào họp chợ. Từ năm 2015 đến khi xảy ra dịch Covid-19, chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức vận động tiểu thương vào chợ đều không thành.
Bà Trần Thị Thiện kinh doanh thịt bò ở chợ tự phát hơn 10 năm. Sau hai lần chuyển đến chợ Thành Tâm, do buôn bán ế ẩm, bà phải trở về chợ cũ tiếp tục mưu sinh. Bà Thiện chia sẻ: “Người dân, công nhân lao động ở khu công nghiệp thường mua thực phẩm, hàng hóa ở chợ tự phát hoặc chợ xã Trừ Văn Thố giáp ranh phường Thành Tâm. So với những chợ khác, chợ Thành Tâm xây dựng sau và không tiện đường nên tiểu thương không vào họp chợ. Tôi cũng muốn vào đây bán cho sạch sẽ, nhưng chợ không có người mua thì bán cho ai”. Cùng tâm trạng với bà Thiện, chị Hương đã dọn đến chợ mới 2 lần, vì không bán được cá nên trở về chợ cũ.
Thời gian qua, để thu hút tiểu thương vào chợ, chủ đầu tư đã áp dụng chính sách ưu đãi miễn tiền thuê mặt bằng lô sạp trong 6 tháng. Tuy nhiên, những chính sách này vẫn không thể thu hút được tiểu thương, vì buôn bán quá ế ẩm. Theo các tiểu thương, muốn chợ Thành Tâm hoạt động phải dỡ bỏ dải phân cách cứng trên quốc lộ 13 để người dân tiện đi lại vào chợ.
Thực tế dọc quốc lộ 13, trong khoảng 6km có 3 chợ dân sinh. Đó là, chợ Chơn Thành thuộc phường Hưng Long, chợ ông Thiện và chợ xã Trừ Văn Thố thuộc huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, trên địa bàn còn có trung tâm thương mại - chợ đêm gần khu công nghiệp. Các chợ đã hoạt động nhiều năm, có nhiều mặt hàng phong phú, đa dạng, thu hút nhiều người đến mua.
Ông Phan Xuân Quế, Chủ tịch UBND phường Thành Tâm cho biết: Nguyên nhân khiến chợ Thành Tâm bỏ hoang là do người dân có thói quen mua hàng hóa ở những chợ có đường đi thuận tiện. Trước đây, quá trình khảo sát vị trí xây dựng chợ chưa được sự đồng tình ủng hộ của người dân. Về phía phường đã tổ chức họp, vận động tiểu thương nhiều lần nhưng không ai vào chợ. Đây là khó khăn của phường kéo dài nhiều năm qua. Vì vậy, phường kiến nghị ngành chức năng xem xét dỡ bỏ dải phân cách cứng phía trước chợ, mở đường băng ngang thì có thể người dân sẽ vào họp chợ.
Thời gian qua, chủ đầu tư đã kiến nghị các sở, ngành, nhất là Sở Giao thông vận tải tạo điều kiện mở dải phân cách phía trước chợ Thành Tâm để người dân trên địa bàn thuận tiện đi chợ. Tuy nhiên đến nay, Sở Giao thông vận tải vẫn chưa đồng ý vì mở dải phân cách sẽ không đảm bảo an toàn giao thông khu vực này”.
Ông ĐẶNG QUỐC HÙNG
Trưởng phòng Quản lý đô thị thị xã Chơn Thành
Về kết cấu, chợ Thành Tâm được xây dựng khu nhà lồng khang trang, các khu nhà liền kề, ki-ốt và cây xanh. Ngoài ra, chợ còn được bố trí bãi giữ xe để thuận tiện cho việc kinh doanh, buôn bán. Sau nhiều lần vận động tiểu thương không thành, tháng 4-2023, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Tân Bình tiến hành thủ tục xin chuyển đổi công năng khu nhà lồng chợ sang nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn còn bỏ ngỏ.
Chợ Thành Tâm xây dựng theo hình thức xã hội hóa nhằm giảm bớt gánh nặng đầu tư công. Nhờ có chợ khang trang, hoàn thành tiêu chí chợ, Thành Tâm đã về đích nông thôn mới cuối năm 2017. Sau nhiều năm xây dựng, công trình nhà lồng, các dãy ki-ốt vẫn bỏ hoang, không được đưa vào sử dụng đúng công năng. Thực tế cho thấy, ngoài chợ Thành Tâm còn có một số chợ khác trên địa bàn tỉnh cũng bỏ hoang không hoạt động, không chỉ gây lãng phí về tài nguyên đất mà còn lãng phí nguồn vốn đầu tư.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/158068/cho-thanh-tam-nhieu-nam-khong-hoat-dong