Cho thuê vỉa hè để kinh doanh tại TP HCM: Phải có sự đồng thuận của chủ nhà

Trường hợp người dân không đồng thuận thì quận huyện không triển khai. Tính đồng thuận của người dân phải được đặt lên cao để tránh sự xung đột lợi ích khi thực hiện thu phí vỉa hè.

Chiều 21-9, UBND TP HCM họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Liên quan đến việc thu phí lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP HCM từ ngày 1-1-2024, ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ - Sở Giao thông vận tải đã giải đáp các thắc mắc của phóng viên.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc làm sao triển khai thu phí tránh mâu thuẫn giữa các bên liên quan (người sử dụng mặt bằng, chủ nhà…), ông Đường khẳng định trước khi triển khai cho thuê vỉa hè, quận, huyện phải lấy ý kiến của chủ nhà.

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ - Sở Giao thông vận tải, TP HCM trả lời báo chí chiều 21-9

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ - Sở Giao thông vận tải, TP HCM trả lời báo chí chiều 21-9

Ông Đường cho biết không phải tuyến đường nào cũng đưa ra kinh doanh, cho thuê để kinh doanh mà phải đủ điều kiện. Khi tuyến đường đó đủ điều kiện thì quận, huyện phải lên phương án khảo sát, đưa ra lộ trình, biện pháp triển khai thực hiện.

"Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất trong việc xây dựng phương án là phải đảm bảo sự đồng thuận của người dân" - ông Đường nhấn mạnh.

Do đó, khi triển khai, để tránh phát sinh mâu thuẫn giữa người dân và người khai thác, Sở sẽ hướng dẫn các quận, huyện khi xây dựng phương án, nhất là về kinh doanh, buôn bán phải có cam kết của người sử dụng vỉa hè cũng như trách nhiệm của các bên liên quan như quận, huyện, phường, xã trong quá trình triển tra, giám sát công tác này.

"Trường hợp người dân không đồng thuận thì quận huyện không triển khai. Tính đồng thuận của người dân phải được đặt lên cao để tránh sự xung đột lợi ích. Do đó, trách nhiệm của quận, huyện rất lớn trong việc lên khảo sát, đánh giá, xây dựng phương án, lộ trình thực hiện"- ông Đường khẳng định lần nữa.

Trước băn khoăn của phóng viên về việc người dân (chủ nhà) có được chia khoản phí từ việc cho thuê vỉa hè không, ông Đường khẳng định việc thu phí này 100% nộp vào ngân sách nhà nước.

Mức phí được chia theo 2 nhóm: hoạt động trông giữ xe mức phí từ 50.000 – 350.000 đồng/m2/tháng tùy khu vực và các hoạt động khác (trừ hoạt động đỗ xe và trông giữ xe) từ 20.000 – 100.000 đồng tùy khu vực.

Mức phí cụ thể

Mức phí cụ thể

Nếu số ngày sử dụng lòng đường, hè phố dưới 15 ngày trong một tháng thì tính nửa tháng. Nếu số ngày sử dụng lòng đường, hè phố từ 15 ngày trở lên trong một tháng thì tính một tháng.

Ông Đường cho biết sắp tới UBND thành phố sẽ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết. Sở Giao thông vận tải và UBND cấp huyện sẽ tiến hành rà soát, ban hành danh mục các tuyến đường đủ điều kiện sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố với các chức năng, hoạt động cụ thể.

Đối với các hoạt động tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa; điểm trông giữ xe có thu tiền dịch vụ trông giữ xe, các địa phương có trách nhiệm rà soát trên địa bàn được giao quản lý các hè phố đủ điều kiện để tổ chức, xác định phạm vi, lựa chọn và công bố danh mục các vị trí hè phố được phép tổ chức các hoạt động tạm thời để xây dựng phương án tổ chức thực hiện, có lộ trình phù hợp với thực tế, đặc thù đô thị của từng khu vực trên địa bàn quản lý.

Sở Giao thông vận tải sẽ chủ trì xây dựng công cụ, phần mềm quản lý và công khai việc cấp phép về việc sử dụng tạm thời lòng lề đường trên toàn thành phố để người dân có thể giám sát, theo dõi, phản ánh đến cơ quan chức năng.

Theo đó, người dân, hoặc cơ quan có chức năng có thể vào phần mềm để kiểm tra thông tin các vị trí lòng đường, hè phố được phép sử dụng, phương án sử dụng, mức phí và phản ánh đến cơ quan quản lý (cấp phép, thu phí) các nội dung liên quan đến hoạt động sử dụng lòng đường, hè phố... Thông qua công cụ này sẽ giúp cho người dân tiếp cận, giám sát một cách minh bạch về quản lý trật tự đô thị.

Việc thu phí phải đảm bảo thuận tiện và minh bạch, không phát sinh tăng biên chế, nhân sự thực hiện công tác này.

Việc sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố phải đảm bảo nguyên tắc chung:

Lòng đường, hè phố phải được ưu tiên cho mục đích giao thông.

Trường hợp sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố cho các trường hợp nêu trên phải bảo đảm các nguyên tắc:

- Không gây mất trật tự an toàn giao thông;

- Phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ tối thiểu từ 1,5 mét;

- Phần lòng đường còn lại đủ bố trí tối thiểu 2 làn xe ô tô cho một chiều lưu thông;

- Phải được phân định cụ thể với phần dành cho giao thông;

- Phù hợp công năng và kết cấu chịu lực của lòng đường, hè phố;

- Phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép hoặc chấp thuận.

PHAN ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/cho-thue-via-he-de-kinh-doanh-tai-tp-hcm-phai-co-su-dong-thuan-cua-chu-nha-20230921172806057.htm