Cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh

Bộ GD-ĐT đang tổ chức lấy ý kiến để hoàn thiện thông tư ban hành Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo.

Theo Bộ GD-ĐT, mục tiêu của chương trình này là giúp trẻ được trải nghiệm, hứng thú với tiếng Anh; bước đầu hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh; chuẩn bị tốt cho việc học tiếng Anh ở bậc tiểu học. Cụ thể, trẻ 3-4 tuổi thì yêu cầu cần đạt là trẻ hứng thú trong các hoạt động làm quen với tiếng Anh; thích tìm hiểu, khám phá các nền văn hóa khác. Nghe và nhận diện, nhận biết được một số từ chỉ người, tên gọi đồ vật, sự vật và hành động rất đơn giản, quen thuộc với lứa tuổi. Trẻ từ 4-5 tuổi, sẽ đạt các yêu cầu như thích tìm hiểu, khám phá các nền văn hóa khác. Nghe và nhận diện, nhận biết được một số từ chỉ người, tên gọi đồ vật, sự vật, hiện tượng, hành động đơn giản, quen thuộc với lứa tuổi. Nghe và nhắc lại được từ chỉ số từ 1 đến 5, một số từ, cụm từ đơn giản, quen thuộc với lứa tuổi… Trẻ từ 5-6 tuổi sẽ đạt các yêu cầu, như: Mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp. Nghe và thực hiện được 2 đến 3 yêu cầu liên tiếp đơn giản, phù hợp với lứa tuổi. Nghe và trả lời được bằng cử chỉ, hành động hoặc 1-3 từ, một số mẫu câu rất đơn giản trong một số tình huống giao tiếp đơn giản, quen thuộc và khi được hỏi về khả năng và sở thích…

Thực tế thời gian qua cho thấy, việc dạy tiếng Anh ở các trường mầm non vẫn trong tình trạng thả nổi, mạnh ai nấy làm. Hình thức chủ yếu là các trường thuê giáo viên về dạy. Không ít trường hoặc nhóm lớp tư thục đưa tiếng Anh vào giảng dạy như một cách để khẳng định mô hình trường chất lượng cao, song ngữ, quốc tế,... và thu học phí cao. Như vậy, việc Bộ GD-ĐT xây dựng Chương trình cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh được xem là căn cứ pháp lý để quản lý việc dạy và học tiếng Anh trong trường mầm non vốn lâu nay bị xem là thả nổi.

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Thị Ngọc Ái, việc triển khai cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh thì quá tốt trong xu thế hội nhập. Tuy nhiên, để triển khai việc dạy tiếng Anh này đòi hỏi cơ sở vật chất và lực lượng giáo viên của các trường phải đáp ứng tốt nhưng đây lại là hạn chế của các trường mầm non hiện nay.

“Trước khi áp dụng chính thức việc cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh, tôi cho rằng Bộ GD-ĐT hãy nghiên cứu đến vấn đề giáo viên của mình hiện tại có đủ không, đã đáp ứng việc dạy tiếng Anh chưa… Nếu thực hiện việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh thì nên làm từng bước, có thể bắt đầu từ những trường có điều kiện thuận lợi trước, sau đó mới mở rộng dần”.

MẠNH THÚY

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/248311/cho-tre-mau-giao-lam-quen-voi-tieng-anh.html