Chợ truyền thống và việc phát huy hiệu quả

PTĐT - Người xưa có câu 'Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ' khẳng định đây là 3 yếu tố 'vàng' để lựa chọn mảnh đất sinh sống, lập nghiệp của mỗi con người, gia đình, trong đó gần chợ được xếp lên yếu tố hàng đầu bởi sự tiện lợi, dễ dàng tiếp cận với các tiện nghi của cuộc sống.

Kỳ I: Trong “vòng xoáy” cạnh tranh

Chợ truyền thống là kênh gắn kết người sản xuất và người tiêu dùng, góp phần đảm bảo cung cầu thị trường.

Chợ truyền thống là kênh gắn kết người sản xuất và người tiêu dùng, góp phần đảm bảo cung cầu thị trường.

PTĐT - Người xưa có câu “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” khẳng định đây là 3 yếu tố “vàng” để lựa chọn mảnh đất sinh sống, lập nghiệp của mỗi con người, gia đình, trong đó gần chợ được xếp lên yếu tố hàng đầu bởi sự tiện lợi, dễ dàng tiếp cận với các tiện nghi của cuộc sống.
Đến nay, chợ truyền thống vẫn mang đậm bản sắc văn hóa riêng, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của mỗi địa phương. Tuy nhiên, với nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng trước sự phát triển nhanh chóng của các kênh bán lẻ hiện đại thì chợ truyền thống đang đứng trước sự cạnh tranh rất lớn, cần được nâng tầm để tạo môi trường kinh doanh hiện đại, văn minh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Từ xưa đến nay, chợ đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội bởi vừa là nơi tiêu thụ nông sản hàng hóa, vừa là nơi cung ứng hàng công nghiệp tiêu dùng cho nông dân và một số loại vật tư cho sản xuất nông nghiệp ở nông thôn. Hơn hết, hoạt động mua bán, trao đổi ở các chợ làm tăng nhận thức cho người dân về việc sản xuất hàng hóa; từ đó thúc đẩy sản xuất phát triển góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nông thôn, miền núi. Các phiên chợ, buổi chợ tạo cơ hội cho người dân giao lưu trao đổi, mua bán, lưu thông hàng hóa của mình, cập nhật thông tin, kiến thức xã hội, tăng khả năng thích ứng của người dân với thị trường.Các hoạt động mua bán ở chợ cũng thúc đẩy giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương và vùng lân cận. Quan trọng hơn, việc hoạt động của các phiên chợ truyền thống còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện cho người dân địa phương được tiếp cận với đa dạng các loại hàng hóa phục vụ cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giữa vùng xuôi, vùng ngược, thành thị với nông thôn.Bà Đinh Thị Nhẫn, người dân khu Tu Chạn, xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn cho biết: “Ngày xưa, hàng hóa khan hiếm lắm, muốn mua gì cũng khó, phần không có tiền cũng phần có tiền không biết mua ở đâu. Sau này, nhờ những chuyến hàng của người buôn dưới xuôi mang lên bán ở các buổi chợ phiên nên chúng tôi được mua những thực phẩm tươi, đồ dùng trong gia đình và bán những nông sản như: Rau rừng, măng, khoai…, con giống lấy thêm thu nhập cải thiện cuộc sống”. Chị Phạm Thị Lan, một trong những tiểu thương có thâm niên hơn 20 năm rong ruổi tại các buổi chợ phiên thuộc khu vực Tam Cửu (3 xã: Đông Cửu, Khả Cửu, Thượng Cửu) thuộc huyện miền núi Thanh Sơn khẳng định: Hiện tại chợ phiên vẫn đóng vai trò quan trọng đối với người dân khu vực nông thôn, miền núi, một phần do đây là hình thức thương mại chiếm ưu thế gần như “độc quyền” bởi không có nhiều sự lựa chọn cho các hoạt động mua bán; một phần do thói quen, tập quán trao đổi, mua sắm đã ăn sâu vào tiềm thức của đại đa số người dân bản địa, cộng với việc chợ được họp theo phiên mang tính ổn định, đáp ứng nhu cầu của người dân.Bên cạnh đó, chợ còn được xem là bộ mặt kinh tế - xã hội của một địa phương và là nơi phản ánh trình độ phát triển kinh tế - xã hội, phong tục tập quán của một vùng dân cư. Những năm qua, một số chợ truyền thống trên địa bàn cũng được sử dụng, khai thác, trở thành địa điểm thu hút khách du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh con người, quê hương ở các địa phương; từ đó xúc tiến thương mại, lưu thông hàng hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì chia sẻ: Hùng Lô là mảnh đất cổ được biết đến với mái đình cổ kính, những mái ngói rêu phong và nhiều nghề truyền thống cùng những sản phẩm đặc trưng được bày bán tại chợ truyền thống tạo nên những yếu tố quan trọng, quyết định để địa phương trở thành điểm du lịch thú vị, hấp dẫn, níu chân nhiều du khách trong nước cũng như quốc tế, góp phần quảng bá các sản phẩm du lịch của địa phương, thúc đẩy các dịch vụ phát triển, tăng thu nhập cho người dân.Những năm gần đây các hình thức thương mại hiện đại được hình thành đa dạng trên địa bàn cùng sự phát triển nhanh, mạnh của thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến được nhiều người dân lựa chọn. Do hình thành từ lâu đời nên chợ truyền thống vẫn tồn tại một số hạn chế. Ngoài công tác quản lý kém hiệu quả, hạ tầng của hầu hết các chợ đã xuống cấp, hư hỏng, ô nhiễm, thiếu an toàn khiến khách hàng bất tiện khi mua sắm. Tình trạng bán không đúng giá niêm yết; hàng nhái, hàng giả, hàng không có nguồn gốc rõ ràng, thói quen tiêu dùng thay đổi cũng ảnh hưởng mạnh đến sự tồn tại của chợ truyền thống. Do đó, các cửa hàng tiện lợi và siêu thị càng thêm sức hút đã khiến người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn mua sắm. Chợ truyền thống thường có không gian hẹp, nhiều địa phương quy hoạch gần đường nên nguy cơ mất an toàn giao thông cao…Chợ thị trấn Đoan Hùng, huyện Đoan Hùng được xây dựng từ những năm 1996, đến năm 1999 nâng cấp nhằm phục vụ nhu cầu mua bán của người dân thị trấn và các xã lân cận. Chợ có 160 gian hàng nhưng khối nhà chợ chính đã xuống cấp và các hộ kinh doanh tại chợ không có khách hàng đến mua, nhiều gian hàng bỏ không. Ông Đỗ Tiến Đạt - người đã kinh doanh 20 năm tại chợ cho biết: Những năm gần đây, một số siêu thị lớn, nhỏ xuất hiện cùng nhiều cửa hàng tạp hóa dọc quốc lộ 2 nên người dân không mặn mà đến với chợ, mặc dù chợ nằm ngay trung tâm của thị trấn. Bà Phạm Thị Vinh, tiểu thương tại chợ cho biết: Trước đây, khi các siêu thị lớn nhỏ chưa hoạt động rất đông người mua kẻ bán, nhưng sau một thời gian thì người mua ít dần. Tôi bán hàng khô 10 năm nay nhưng chưa bao giờ lại thấy cảnh tượng ế ẩm hàng hóa như hiện nay. Buôn bán ngày càng khó khăn thì không có tiền để nộp lệ phí, thuế môn bài, nên tôi cũng chưa biết xoay sở thế nào.Theo ông Vũ Tiến Chung - Trưởng Ban quản lý các công trình công cộng huyện Đoan Hùng cho biết: “Là đơn vị trực tiếp quản lý chợ thị trấn, đến nay hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ chỉ cầm chừng. Do đó, trong thời gian tới mong muốn có nguồn vốn để đầu tư nâng cấp chợ khang trang hơn và cũng cần có các cơ chế phù hợp để phát huy hiệu quả hoạt động của chợ. Qua đó để người dân được hưởng lợi nhiều hơn từ hoạt động của chợ này”.Thực tế cho thấy, thu nhập của người tiêu dùng ngày càng nâng cao, thói quen mua sắm của họ cũng dần thay đổi. Các kênh bán lẻ hiện đại, cao cấp hơn với những hàng hóa đảm bảo chất lượng đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, song vẫn không phủ nhận được thói quen tiêu dùng của người dân Việt Nam nhất là vùng nông thôn thiên về mua sắm ở chợ truyền thống với nhiều tiện lợi gần nhà, thuận mua vừa bán… Chính vì vậy, chợ truyền thống vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển đổi mới cho phù hợp xu hướng hội nhập mà vẫn giữ gìn được những nét đẹp văn hóa vốn có.

Kỳ II: Tìm hướng đi mới

Nhóm PV Kinh tế

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202009/cho-truyen-thong-va-viec-phat-huy-hieu-qua-173170