Cho vay đóng tàu đánh bắt xa bờ: Nợ xấu, nợ quá hạn gần 4 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 40%

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành xử lý dứt điểm những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản.

5 năm triển khai Nghị định 67, có gần 50% số tàu đóng mới vỏ thép

5 năm triển khai Nghị định 67, có gần 50% số tàu đóng mới vỏ thép

Chất lượng tàu cá vỏ thép chưa tốt.

Đó là một trong những nội dung tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị tổng kết đánh giá 5 năm thực hiện Nghị định số 67 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

Nghị định số 67 quy định các chính sách mang tính đột phá, đồng bộ, tạo động lực phát triển ngành thủy sản góp phần bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia trên biển.

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị định, mục tiêu hiện đại hóa tàu cá bước đầu đã đạt được, số lượng tàu khai thác gần bờ giảm (13,2%), số lượng tàu cá khai thác xa bờ tăng (20,1%).

Có gần 50% là tàu đóng mới vỏ thép, vỏ vật liệu mới, với khoảng trên 50% tàu có công suất từ 800CV trở lên được trang bị hiện đại.

Qua đó, hoạt động khai thác hải sản bắt đầu thay đổi theo hướng công nghiệp; giúp ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, nhiều mô hình liên kết sản xuất trên biển đã hình thành và phát triển, góp phần tích cực bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị định vẫn gặp nhiều vấn đề như: cơ sở hạ tầng nghề cá xuống cấp, quá tải, thiếu cơ sở hạ tầng nghề cá hiện đại; một số trường hợp chất lượng tàu cá vỏ thép chưa tốt.

Bên cạnh đó, việc duy tu, bảo dưỡng tàu cá vỏ thép còn hạn chế, lạc hậu; số lượng và chất lượng thuyền viên chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu ở mức cao (nợ quá hạn là 537,8 tỷ chiếm 4,67% tổng vốn vay, nợ xấu 3.430 chiếm tỷ lệ 33% tổng vốn vay).

Hiện đại hóa đội tàu cho phép ngư dân bám biển dài ngày, đánh bắt những loại hải sản ở gần bờ không có

Hiện đại hóa đội tàu cho phép ngư dân bám biển dài ngày, đánh bắt những loại hải sản ở gần bờ không có

Cộng hai khoản trên, tổng nợ xấu, nợ quá hạn gần 4.000 tỷ đồng, chiếm 37,67% tổng vốn vay.

Hiểu rõ trách nhiệm vay vốn

Các vấn đề, bất cập trên xuất phát từ các nguyên nhân như việc bố trí nguồn ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá thiếu, không đồng bộ; công tác phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện vay vốn còn chưa chặt chẽ.

Đồng thời, công tác thẩm định, phê duyệt phương án sản xuất kinh doanh cần được nâng cao; ngư dân thiếu hiểu biết về tàu vỏ thép, thiếu kỹ năng khai thác vận hành trang thiết bị hiện đại…

Nợ xấu, nợ quá hạn khiến ngư dân không được tiếp tục vay vốn, nhiều tàu phải nằm bờ

Nợ xấu, nợ quá hạn khiến ngư dân không được tiếp tục vay vốn, nhiều tàu phải nằm bờ

Do vậy, Phó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành trung ương tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách theo Nghị định số 67, Nghị định số 17 năm 2018 của Chính phủ.

Théo đó, tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 67.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chính sách theo Nghị định số 67 và 17 để ngư dân hiểu đúng về chính sách của Nhà nước, trong đó phải quán triệt rõ cho các chủ tàu hiểu trách nhiệm trước pháp luật về phần vốn vay của mình.

Bắc Sơn

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/cho-vay-dong-tau-danh-bat-xa-bo-no-xau-no-qua-han-gan-4-nghin-ty-dong-chiem-gan-40-67560.htm