Cho vay ngang hàng: Làm sao để không đi 'chệch đường ray'?

Cho vay ngang hàng được đánh giá sẽ mang lại giải pháp tài chính bổ sung hữu hiệu cho hệ thống ngân hàng truyền thống. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có khung khổ pháp lý để quản lý mô hình này hoạt động đúng hướng và phát huy lợi ích, đồng thời ngăn chặn rủi ro, biến tướng.

NHNN đang lấy ý kiến dự thảo bộ hồ sơ lập đề nghị xây dựng nghị định về cơ chế thử nghiệm Fintech, trong đó có P2P Lending để trình Thủ tướng.

NHNN đang lấy ý kiến dự thảo bộ hồ sơ lập đề nghị xây dựng nghị định về cơ chế thử nghiệm Fintech, trong đó có P2P Lending để trình Thủ tướng.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất triển khai giải pháp thử nghiệm cho vay ngang hàng (P2P Lending) để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn vay.

Nhu cầu vay “dưới chuẩn” của DNNVV rất lớn

Cho vay ngang hàng (P2P Lending) là loại hình dịch vụ trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay mà không thông qua trung gian tài chính như tổ chức tín dụng...

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, ở Việt Nam P2P Lending mới chỉ ở giai đoạn phát triển sơ khai, nhưng trong thời gian nền kinh tế gặp nhiều khó khăn sau dịch Covid-19, cho vay ngang hàng có tác dụng rất lớn trong việc cung ứng vốn cho người dân và doanh nghiệp, tăng khả năng tiêu dùng nội địa.

Thống kê cho thấy, có 98% doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó, số lượng doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng rất thấp do hệ thống tài chính kế toán chưa chuẩn mực, thiếu tài sản thế chấp, ngại thủ tục nên khó có thể vay vốn “đúng chuẩn”. Chính vì thế, nhu cầu được vay vốn “dưới chuẩn” của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất lớn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank nói rằng, ngân hàng là một loại hình doanh nghiệp đặc biệt, ngân hàng cũng đi vay vốn từ dân cư và doanh nghiệp, nên phải đảm bảo an toàn nguồn vốn vay của mình, đảm bảo khả năng trả nợ cả gốc và lãi nên không thể hạ chuẩn tín dụng.

Còn Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, với tình hình nền kinh tế còn nhiều khó khăn do dịch Covid-19, việc hạ chuẩn cho vay sẽ khiến tổ chức tín dụng đối mặt nguy cơ bất ổn trở lại như trước đây. Vì vậy, ngân hàng sẽ không hạ chuẩn vay tín dụng.

Tuy nhiên, với mô hình P2P Lending có thể đáp ứng số vốn nhanh chóng lên đến 1 tỷ đồng mà không yêu cầu tài sản thế chấp, thủ tục đơn giản, thời gian giải ngân vốn nhanh do được sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại sẽ giúp các doanh nghiệp vay vốn dễ dàng kết nối với bên cho vay.

Vì thế, các chuyên gia đều nhận định, P2P Lending được quản lý tốt sẽ trở thành địa chỉ vay vốn bổ sung cho hệ thống ngân hàng và các kênh dẫn vốn khác tại Việt Nam, càng quan trọng hơn trong bối cảnh nguồn vốn đang quá lệ thuộc vào hệ thống ngân hàng.

Quản lý cách nào?

Xét về cơ chế hoạt động, cho vay ngang hàng hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nhờ đặc tính dễ dàng, chỉ yêu cầu số vốn tối thiểu thông thường từ 10 triệu đồng, lãi suất linh hoạt tùy kỳ hạn và có thể lên đến 15-20%/năm.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có khung khổ pháp lý để quản lý mô hình này, nên thời gian qua đã xuất hiện những doanh nghiệp triển khai cho vay theo hình thức "tín dụng đen".

Chẳng hạn như gần đây, Công an TP HCM đã tiến hành điều tra đường dây cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” và đòi nợ thuê liên quan đến Công ty TNHH Cashwagon và Công ty THHH Lendtech. Theo điều tra, Công ty TNHH Cashwagon tiếp nhận, thẩm định hồ sơ vay qua trang web www.cashwagon.vn hoặc ứng dụng Cashwagon trên các ứng dụng của điện thoại di động và chấp thuận cho khách hàng vay với các khoản tiền từ 500.000 đến 10 triệu đồng, nhưng lại đưa ra lãi suất cao cùng hành vi “khủng bố” khi khách hàng chưa trả nợ đúng hạn.

Theo NHNN, các cơ quan quản lý đang gặp phải nhiều thách thức mới trong công tác quản lý do chưa có quy định pháp lý cụ thể, rủi ro phát sinh chưa được kiểm soát đầy đủ. Vì vậy, cần sớm có một khuôn khổ cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho hoạt động Fintech, P2P Lending, các mô hình thanh toán mới, chuyển tiền xuyên biên giới… nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật.

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, do hạ tầng công nghệ còn yếu, hoạt động lừa đảo, gian lẫn vẫn hoành hành chưa kiểm soát triệt để nên chúng ta không thể “vội vã”. Do đó, phương án thí điểm cho vay ngang hàng với dự kiến đưa loại hình kinh doanh này vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần sớm được ban hành.

Theo các chuyên gia, để hoạt động này được triển khai đúng hướng, trước mắt, các công ty P2P Lending cần mở rộng dịch vụ tư vấn khách hàng, trở thành một kênh kết nối trong các trường hợp giải quyết tranh chấp, bao gồm hỗ trợ việc thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ và những biện pháp pháp lý như kiện tụng.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về các quy định của Nhà nước về vay và cho vay, những nguy cơ tiềm ẩn từ mô hình cho vay P2P Lending.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/cho-vay-ngang-hang-lam-sao-de-khong-di-chech-duong-ray-1070436.html