Cho vay tiêu dùng, ranh giới tư duy 'quản' và 'siết' (Bài 3): Kiểm soát cho vay của CTTC, cần thực hiện từ 'gốc'

Dưới góc nhìn chuyên gia, việc hạn chế giải ngân bằng tiền mặt và dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp của các công ty tài chính sẽ gây nhiều bất lợi cho thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam nói chung và các công ty tài chính tiêu dùng nói riêng.

Bài 3: Kiểm soát cho vay của CTTC, cần thực hiện từ “gốc”

Một trong những điểm mấu chốt tại Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 43/2016/TT-NHNN (Thông tư 43) là hạn chế việc giải ngân bằng tiền mặt và dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp của các công ty tài chính (CTTC). Tuy nhiên, dưới góc nhìn chuyên gia, các quy định này sẽ gây nhiều bất lợi cho thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam nói chung và các CTTC tiêu dùng nói riêng nên cần được sửa đổi...

Thay vì can thiệp vào quyết định giải ngân, cần chặt chẽ hơn trong khâu xét duyệt hồ sơ tín dụng của CTTC

TS. Nguyễn Trí Hiếu Chuyên gia kinh tế.

TS. Nguyễn Trí Hiếu Chuyên gia kinh tế.

Một trong những điểm mấu chốt tại Dự thảo Thông tư là hạn chế việc giải ngân bằng tiền mặt và dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp của CTTC. Nhìn ở góc độ tích cực, có lẽ NHNN muốn hạn chế rủi ro cho các tổ chức tín dụng nói chung, CTTC nói riêng và song song với đó là tạo hệ sinh thái nhằm thực hiện đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đã được Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, một ngân hàng hay CTTC khi đã duyệt xét một hồ sơ tín dụng đã phải xem xét các khía cạnh để bảo đảm người đi vay tiền có khả năng trả nợ. Người vay đã có khả năng trả nợ sẽ không thể khống chế hạn mức giải ngân. Ngược lại, nếu khách hàng đã không có khả năng trả nợ thì việc giải ngân 30% hay giải ngân toàn bộ khoản tiền cũng không khác gì nhau. Do đó, đứng ở quan điểm rủi ro tín dụng, điều này là không hợp lý.

Tôi cho rằng, NHNN không nên can thiệp vào quyết định giải ngân, mà nên để các CTTC tự thỏa thuận với khách hàng. Ðiểm quan trọng ở đây là NHNN cần quản lý rủi ro từ "gốc", chứ không phải từ "ngọn", tức là nên có quy định chặt chẽ hơn trong khâu xét duyệt hồ sơ tín dụng của CTTC.

Mặt khác, nếu cho rằng, mục đích của việc hạn chế giải ngân cho khách hàng bằng tiền mặt đối với các CTTC là thực hiện theo đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam nhằm giảm tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào cuối năm 2020 thì cũng không hợp lý. Ở khía cạnh này, chính sách của Chính phủ và NHNN cần phải bao quát hơn.

Ðể lựa chọn hướng đi phù hợp cho thị trường trong nước, chúng ta có thể tham khảo quá trình phát triển tài chính tiêu dùng tại một số quốc gia trong khu vực.

Chẳng hạn, tại Thái Lan, năm 2004, các giới hạn đối với thẻ tín dụng: Tăng số tiền thanh toán tối thiểu hàng tháng từ 5% lên 10%; quy định thu nhập tối thiểu hàng tháng đối với chủ thẻ ít nhất là 15.000 THB (tương đương 11 triệu đồng); quy định tổng dư nợ cấp tín dụng tín chấp cho một khách hàng không được phép nhiều hơn 5 lần thu nhập trung bình hàng tháng của khách hàng đó; quy định việc hủy bỏ thẻ tín dụng sau khi khách hàng vi phạm nghĩa vụ thanh toán 3 tháng.

Ðến năm 2005, các giới hạn đối với khoản vay tiêu dùng tín chấp như sau: Tổng dư nợ các khoản vay tín chấp không được phép nhiều hơn 5 lần thu nhập trung bình hàng tháng của cá nhân đó.

Tới năm 2017, các giới hạn đối với thẻ tín dụng đã có sự thay đổi: Ðối với các khách hàng có thu nhập hàng tháng thấp hơn 50.000 THB (tương đương 36 triệu đồng), tổng hạn mức cấp tín dụng đối với khách hàng đó giảm từ 5 lần xuống còn 1,5 lần thu nhập hàng tháng của họ (nếu khách hàng có thu nhập hàng tháng ít hơn 30.000 THB, tương đương 22 triệu đồng); 3 lần thu nhập hàng tháng của khách hàng đó (nếu khách hàng có thu nhập hàng tháng từ 30.000 THB đến 50.000 THB, tương đương 22 - 36 triệu đồng).

Các giới hạn đối với khoản vay tiêu dùng tín chấp như sau: Ðối với các khách hàng có thu nhập hàng tháng thấp hơn 30.000 THB, tổng dư nợ cấp tín dụng cho các khoản vay tiêu dùng tín chấp của khách hàng không vượt quá 1,5 lần thu nhập hàng tháng của khách hàng đó và khách hàng không được cấp tín dụng bởi nhiều hơn 3 công ty.

Hay tại Indonesia, khách hàng có thu nhập dưới 3 triệu RP/tháng (khoảng 4,2 triệu đồng/tháng) thì không được cấp thẻ tín dụng; thu nhập từ 3 - 10 triệu RP/tháng (khoảng 4,8 - 16 triệu đồng/tháng) được sở hữu tối đa 2 thẻ tín dụng, với hạn mức tối đa gấp 3 lần thu nhập hàng tháng; thu nhập trên 10 triệu RP/tháng thì không bị giới hạn sở hữu thẻ tín dụng.

Với Malaysia, khách hàng có thu nhập dưới 36.000 RM (khoảng 200 triệu đồng)/năm chỉ được sở hữu tối đa 2 thẻ tín dụng và tổng hạn mức tín dụng không vượt quá 2 lần thu nhập hàng tháng, khoản thanh toán tối thiểu hàng tháng không được lớn hơn 5% tổng dư nợ...

Nên bỏ trần hạn mức giải ngân trực tiếp đối với các CTTC

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico.

Các quy định tại Khoản 3 và Khoản 4, Ðiều 4a - Dự thảo Thông tư về việc CTTC chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay và tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của CTTC là những nội dung mới hoàn toàn. Tôi cho rằng, các quy định này sẽ gây nhiều bất lợi cho thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam nói chung và các CTTC tiêu dùng nói riêng, cụ thể:

Thứ nhất, bó hẹp hoạt động kinh doanh của các CTTC. Một thực tế khó phủ nhận là tỷ lệ dư nợ giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay trên tổng dư nợ của các CTTC rất cao, thậm chí có thể đạt tới gần 100%. Vậy nên, con số 30% mà Dự thảo đặt ra chắc chắn sẽ bó hẹp hoạt động cho vay của các CTTC. Từ điều kiện mới về giới hạn giải ngân trực tiếp, có thể suy ra CTTC bắt buộc phải giải ngân thông qua bên thụ hưởng trong 70% tổng dư nợ còn lại, đó là nhà bán hàng, nhà cung cấp dịch vụ cho khách hàng vay.

Nếu giải ngân cho bên thụ hưởng, khách hàng vay phải cung cấp hồ sơ, chứng từ chứng minh mục đích vay vốn để phục vụ cho quan hệ thanh toán với đối tượng này. Từ đó, CTTC phải kiểm soát để đảm bảo đảm khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích qua các hồ sơ, chứng từ cung cấp...

Ðiều này hoàn toàn không phù hợp với đặc điểm kinh doanh của các CTTC nói riêng và ngay cả hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung, bởi yếu tố quyết định ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng trong hoạt động cho vay chủ yếu là năng lực trả nợ, hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của khách hàng.

Việc khách hàng có sử dụng vốn vay đúng mục đích hay không chỉ là vấn đề thứ yếu trong quản trị tín dụng. Các định chế tài chính lớn tại những thị trường ngân hàng lớn trên thế giới đã từ lâu không đặt ra yêu cầu phải kiểm soát mục đích vay vốn.

Do đó, nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục duy trì hướng quy định quản lý hoạt động cho vay trên mục đích vay vốn sẽ khiến khách hàng và tổ chức cho vay phải tạo lập chứng từ chỉ để đáp ứng yêu cầu quy định, mà không đúng với thực tế sử dụng vốn. Hơn nữa, với hoạt động cho vay tiêu dùng - vốn được quản lý rủi ro chủ yếu dựa trên năng lực trả nợ của khách hàng, thì việc quản lý hoạt động cho vay dựa trên mục đích vay vốn càng bất hợp lý hơn.

Thứ hai, gây khó khăn trong triển khai kinh doanh của các CTTC mới, sản phẩm tín dụng tiêu dùng mới. Với các điều kiện được Dự thảo Thông tư bổ sung, hệ quả có thể thấy rõ là các CTTC mới được thành lập hoặc vừa hoàn tất quá trình tái cấu trúc theo hướng phát triển tín dụng tiêu dùng sẽ gặp khó khăn trong hoạt động cho vay tiêu dùng.

Các công ty này sẽ gần như không được cho vay giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay, bởi hầu hết đang trong quá trình xây dựng cơ sở khách hàng mới và tổng dư nợ còn rất nhỏ để tính tỷ lệ 30% cho vay giải ngân trực tiếp đến khách hàng.

Ðối với các sản phẩm tín dụng tiêu dùng mới, đây là những sản phẩm được thiết kế đa dạng bằng nhiều hình thức, ngay cả khâu áp dụng công nghệ cao, cho vay qua thẻ tín dụng đều có đặc điểm hướng đến việc giải ngân trực tiếp, nhanh chóng tới chính khách hàng vay. Theo đó, việc hạn chế cho vay trực tiếp sẽ khiến các CTTC gặp khó khăn, trở ngại trong triển khai các sản phẩm tín dụng tiêu dùng mới này.

Thứ ba, dòng tiền giải ngân cho thị trường sẽ bị giảm thiểu vì giới hạn pháp lý. Từ 2 lý do trên sẽ dẫn đến hệ lụy là dòng vốn giải ngân cho thị trường tín dụng tiêu dùng suy giảm. Ðiều này tác động xấu đến sự phát triển thị trường, đến cơ hội được tiếp cận nguồn vốn từ các CTTC của người có nhu cầu vay.

Ðây cũng là "điểm tối" trong nỗ lực chống lại tình trạng "tín dụng đen" đang hoành hành, khi mà sự dễ dàng tiếp cận, dễ dàng giải ngân đang là "vũ khí" để loại hình tín dụng bất hợp pháp này cạnh tranh với tín dụng chính thống.

Tóm lại, với những bất cập nêu trên, cơ quan quản lý cần xem xét áp dụng quy định mới theo lộ trình, thay đổi từng bước cho phù hợp với thực tế hoạt động của các CTTC.

Tôi cho rằng, phương án hợp lý nhất là không áp trần hạn mức giải ngân trực tiếp đối với các CTTC. Trong trường hợp NHNN vẫn giữ quan điểm cần có một hạn mức nhất định, có thể xem xét nâng mức giải ngân trực tiếp lên tối đa khoảng 70% trong một số năm, thay vì 30% như dự kiến.

Bên cạnh đó, cần sửa đổi quy định phù hợp hơn đối với các trường hợp khách hàng vay lần đầu theo hướng không căn cứ vào lịch sử trả nợ tại chính công ty cho vay.

Nhuệ Mẫn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tu-van-tai-chinh/cho-vay-tieu-dung-ranh-gioi-tu-duy-quan-va-siet-bai-3-kiem-soat-cho-vay-cua-cttc-can-thuc-hien-tu-goc-270892.html