Chợ xuân nông thôn mới

Sắp vào Tết Nguyên đán Canh Tý, mấy anh bạn rủ tôi đi chợ Hợp Thành - Tả Phời thuộc thành phố Lào Cai để thưởng thức không khí chợ ở vùng quê đang bước vào 'hàng ghế' nông thôn mới nâng cao. Đến lối rẽ vào xã Tả Phời đã thấy những cây mận nở tung hoa như chiếc ô trắng lung linh vẫy gọi xuân về. Trên con đường nhựa loáng thoáng sương bay, tiếng còi ô tô, xe máy hối hả, từng tốp người thồ xe đạp, gồng gánh, địu gùi trên lưng vừa đi vừa chuyện trò vui vẻ.

Cách đây hơn chục năm, chợ Hợp Thành - Tả Phời được xây dựng nhưng chỉ được mỗi hôm khai trương là đông người, sau đó thưa dần và không có người đến họp. Ngôi nhà cột bê tông, mái lợp tôn rộng hàng trăm mét vuông nằm trong khu đất bằng phẳng trở thành nơi trẻ chơi đùa, rồi gia súc thả rông trú ngụ nên trẻ con cũng không đến chơi nữa. Nhiều ý kiến bàn ra tán vào rằng nguồn hàng trong dân vùng này đáng là bao mà phải dựng chợ để tốn tiền, phí đất. Vả lại, từ Hợp Thành ra tới các chợ trong phố mỏ Cam Đường có bao xa, mà dân làm ra sản phẩm thì muốn bán tận gốc để có thêm đồng tiền...

Nhộn nhịp chợ văn hóa Hợp Thành - Tả Phời.

Nhộn nhịp chợ văn hóa Hợp Thành - Tả Phời.

Cái chợ hơn 4.000 m2 đất lại nằm giáp ranh giữa hai xã có chừng gần một vạn dân là hai điều rất thuận lợi mà không có người lai vãng đã làm cho chính quyền từ thành phố xuống đến xã đau đầu. Ai cũng muốn có chợ để bà con mua bán hàng hóa dễ dàng, để thúc đẩy sản xuất phát triển và nâng cao đời sống. Trong khi đó, hằng ngày một số người dân vẫn mang rau quả, gà vịt ra ngồi quanh mấy quán bên phía xã Tả Phời, cách chợ chỉ một cây cầu chừng vài chục mét. Từ cán bộ đến người dân ai cũng nghĩ chẳng lẽ số tiền hàng tỷ đồng đầu tư vào đây lại “đi tong”.

Nhưng rồi, như cây khô cằn gặp được mùa xuân mới để đâm chồi nảy lộc khi cả xã Hợp Thành “xoay thế cờ” bước vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Được thành phố đồng ý, xã Hợp Thành cấp đất ở quanh chợ cho một số hộ để giãn dân trong các thôn xóm chật chội, nhưng là điểm thuận lợi cho các gia đình mở quầy hàng bán một số thứ lặt vặt. Từ đó, dù chỉ vài ba sạp hàng nhưng chính là cái kích đẩy chợ Hợp Thành - Tả Phời trở nên nhộn nhịp như ngày nay.

Xe chúng tôi đến cách cầu qua suối từ xã Tả Phời sang xã Hợp Thành chừng hai trăm mét phải đỗ lại vì ô tô đã xếp hàng dài, xe máy và người đến chợ đông nghịt, lách nhau nhích dần sang chợ. Qua đầu cầu sang phía Hợp Thành, hai bên đường ô tô thấy hàng hóa bày la liệt. Anh nhân viên ban quản lý chợ nói: “Khó khăn cho chúng em quá, chợ ngày Tết đông người nên trong khuôn viên chợ không còn chỗ, đành để cho bà con ngồi ngoài này”.

Đến chợ Hợp Thành - Tả Phời mới thấy sức sống của nông thôn mới miền núi đang trên đà phát triển bởi hàng nông sản bày ngồn ngộn. Chị Hoàng Thị Dín, người Giáy thôn Kíp Tước ngồi bán hàng tươi cười khoe: “Hôm qua em vừa bán mười con lợn tạ để thêm tiền ra giêng xây nhà, hôm nay bán hai chục con gà trống choai và ba mươi cân gạo nếp, thế là cũng dư tiền tiêu Tết rồi”. Ngồi bên những túm củ su hào lá còn non bỡn, bà Ma Thị Liên người Tày bên xã Tả Phời hể hả: “Tôi có năm sào ruộng lúa nhưng từ ngày có chợ Hợp Thành - Tả Phời, tôi chuyển sang trồng rau xanh, mùa nào trồng thứ ấy, bán ở đây chỉ một vài tiếng là hết, không phải thồ ra tận phố Cam Đường”.

Ở dãy hàng thịt, người mua quây kín các bàn, dù bị dịch tả lợn châu Phi hoành hành nhưng ở đây không bị ảnh hưởng, vẫn có tới chục bàn thịt lợn siêu nạc, bày kề bên thịt lợn bản địa mỡ dày nhưng thơm ngon. Mấy bàn thịt trâu, thịt bò và cả thịt dê, bàn nào cũng đầy thịt tươi ngon bắt mắt, cũng tíu tít người mua vì muốn có thêm nhiều món ăn trong ngày Tết. Dạo theo dãy hàng cá, tôi đếm có mười cái bể di động bằng ni lông đựng cá, có máy sục khí để cá thở. Anh bạn đi cùng tôi vốn thường xuyên vào Hợp Thành cho biết, từ ngày thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cần đạt giá trị thu nhập cao trên một diện tích canh tác nên bà con ở đây đưa hơn 20 héc ta ruộng lúa không năng suất sang làm ao nuôi cá.

Rực rỡ sắc màu tại chợ phiên vùng cao.

Rực rỡ sắc màu tại chợ phiên vùng cao.

Kinh tế phát triển, nhu cầu đời sống nâng lên nên các loại cây cảnh, hoa tươi bày Tết cũng kéo nhau về họp chợ nông thôn xa vắng này. Những cây quất lá xanh thẫm, trĩu quả chín vàng. Hoa hồng, hoa ly, hoa phăng, hoa đỗ quyên chở từ ngoài thành phố vào làm cho chợ thêm rực rỡ sắc màu. Hoa đào là thứ hàng đặc biệt làm thành chợ Tết nên chiếm một khu đất rộng. Thương lái đưa vào đây những cây đào bích loáng thoáng khoe hoa tươi đỏ. Đào phai hay gọi là đào ta từ trên núi Phìn Hồ về, cành nào cành ấy khoe những nụ mập mạp như hạt đậu đen, nhú chấm hồng như cô gái dậy thì nở nụ cười e thẹn.

Đứng bên những cành đào phai bám đầy rêu mốc, anh Giàng A Dua, người Mông trên bản Phìn Hồ Thầu kể: “Hơn chục năm trước nghe đồn làm chợ Hợp Thành - Tả Phời, mình trồng ở vườn rừng nhà mình hơn ba trăm cây đào. Gần đến chợ Tết, chặt tỉa mỗi cây một vài cành đi bán, thế là Tết nào mình cũng có vài chục triệu đồng”.

Không riêng anh Dua, nhiều người trên các thôn bản vùng cao cũng mang sản phẩm riêng có của thôn về góp vào cho chợ Tết thêm phong phú. Chị Lò Thị Mẩy, người Dao trên Ú Sì Sung mang về chợ cả măng vầu tươi và măng khô. Chị cho biết: Từ ngày nhận đất trồng rừng, vợ chồng chị đã dành một khu đồi trồng tre bát độ, tre mai. Đến mùa măng làm măng khô, đựng trong bao ni lông để dành đến mấy ngày chợ Tết mới bán. Chồng chị còn đi tận Văn Bàn mua giống vầu ngọt về trồng nên gần đến Tết nhà chị có thêm măng tươi đi chợ bán. Chị khoe một năm đưa các thứ của vườn rừng như măng, mộc nhĩ, lá dong và cả cây, củ làm thuốc nam… xuống bán ở chợ này cũng thu được khoảng hơn chục triệu đồng.

Cũng là sản phẩm vùng cao về góp vào làm nên chợ Tết là thảo quả được người Dao, người Mông trồng trên rừng già. Đưa cho tôi xem chùm thảo quả khô thơm lừng, ông Lò Phù Vản nói: Nhà mình trồng một héc ta nương thảo quả, từ ngày có chợ Hợp Thành - Tả Phời, năm nào cũng để lại vài chục cân bán chợ Tết. Bánh chưng của người “đồng bào” mình phải có thảo quả mới thành bánh vùng cao được.

Góp vào làm nên chợ Tết là những bó hương của đồng bào Giáy. Tuy giá thành rẻ hơn so với hương của người Kinh làm nhưng nhiều người vẫn tận tâm với nghề thủ công này. Nhiên liệu đều là những vỏ cây dễ cháy, có hương thơm và có nhựa dẻo để khi nhúng que vào quyện thành nén hương. Bà Vi Thị Sẻn, người Giáy ngoài 70 tuổi cười với tôi: Ông bà tôi ngày còn sống vẫn dặn phải cúng bằng hương người trong làng thì hồn các cụ mới về ăn tết với con cháu.

Không khí Tết trong dãy hàng quần áo thật nhộn nhịp. Mấy chị người Giáy bảo nhau gọi điện cho các ông chồng đến ướm thử bộ com lê màu tím than, loại màu người Giáy ưa thích nhất. Một cậu bé người Dao đỏ chừng mười tuổi chỉ cho mẹ chiếc áo rét màu cờ là màu của người Dao vẫn thường dùng trong trang phục. Người Tày vốn chuộng màu xanh chàm dân dã, điểm loáng thoáng màu đỏ nên mấy bà cụ làng Cáng chọn mua khăn len vuông trùm đầu màu xanh kẻ ô màu đỏ để ngày Tết gặp nhiều may mắn. Tập tục săn bắt, hái nhặt dựa vào tự nhiên vốn ăn sâu vào tiềm thức của dân tộc Xá Phó, nhưng từ ngày có chợ, bà con hai bản Nậm Rịa và Bắc Công cũng trồng rau, nuôi gà vịt đem ra chợ bán lấy tiền mua sắm Tết. Bán xong mấy chục trứng gà, hai cô gái Xá Phó rủ nhau chọn mua chỉ màu về thêu váy áo thổ cẩm theo mẫu thêu truyền thống để kịp ngày hội xuân của xã...

Cũng như các chợ vùng cao, chợ Hợp Thành - Tả Phời chính là nơi hò hẹn của già trẻ trai gái trong vùng. Thời buổi công nghệ thông tin, ngày ngày vẫn hỏi han nhau qua cái điện thoại “cục gạch” nhưng ông già trên bản Mông vẫn xuống chợ Tết bán mấy chiếc chổi chít để nhân thể gặp người bạn Tày ngày xưa cùng đi chiến trường miền Nam. Chỉ cần bấm nút cái máy alô cầm tay thì dù chợ đông người đến mấy, họ cũng hẹn được nhau. Bây giờ xe máy đến tận mọi nhà nhưng chàng trai Tày ra chợ lấy cớ đi mua tranh Tết để tìm gặp cô gái làng bên hẹn nhau qua Tết đi hội lồng tồng ngoài đình Cam Đường.

Kim đồng hồ đã chỉ mười hai giờ trưa nhưng chợ Hợp Thành - Tả Phời vẫn nhộn nhịp kẻ bán người mua. Hình như ai cũng muốn nán lại để không khí chợ Tết của vùng quê nông thôn mới vui tươi đầm ấm.

Nguyễn Xuân Mẫn

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nong-thon-moi/cho-xuan-nong-thon-moi-z36n20200109114705601.htm