Cho ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết tháo gỡ khó khăn trong triển khai Luật Địa chất và khoáng sản
Sáng 25/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị nghe và cho ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn trong triển khai Luật Địa chất và khoáng sản năm 2024.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
Dự hội nghị tại điểm cầu Chính phủ có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành chức năng.
Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại tỉnh Thanh Hóa có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường và các sở, ngành, đơn vị chức năng của tỉnh dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
Trên cơ sở Tờ trình của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Dự thảo Nghị quyết đưa ra các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn trong triển khai Luật Địa chất và khoáng sản năm 2024.
Trong đó, cho phép thực hiện việc cấp giấy phép thăm dò xuống sâu và mở rộng quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 4 của Luật Địa chất và khoáng sản không phải căn cứ vào quy hoạch khoáng sản hoặc phương án quản lý về địa chất, khoáng sản (hợp phần trong phương án bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn được tích hợp vào quy hoạch tỉnh).
Cho phép việc khai thác khoáng sản nhóm IV để phục vụ các công trình, dự án, nhiệm vụ được áp dụng theo nguyên tắc cấp giấy phép khai thác khoáng sản nhóm IV quy định tại điểm d khoản 2 Điều 73 của Luật Địa chất và khoáng sản.
Cho phép điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản để nâng công suất khai thác khoáng sản nhóm III làm vật liệu xây dựng thông thường, khoáng sản nhóm IV đối với các mỏ khoáng sản đã có giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực để phục vụ các công trình, dự án, nhiệm vụ.
Cho phép không phải thực hiện thủ tục về giấy phép thăm dò khoáng sản, công nhận kết quả thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản đối với khoáng sản nhóm III, khoáng sản nhóm IV, cấp giấy xác nhận đăng ký thu hồi khoáng sản khi ứng phó với tình huống khẩn cấp về thiên tai, dịch bệnh, an ninh, quốc phòng...

Các điểm cầu dự hội nghị (Ảnh chụp màn hình).
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng việc ban hành Nghị quyết về các cơ chế chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn trong triển khai Luật Địa chất và khoáng sản năm 2024 là phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 206/2025/QH15 của Quốc hội khóa XV về cơ chế đặc biệt xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật.
Theo các đại biểu, đây là vấn đề cấp bách, quan trọng ở địa phương, cần thiết phải giải quyết sớm để đẩy nhanh thủ tục triển khai các dự án đầu tư xây dựng, các dự án động lực cần khởi công chào mừng Đại hội Đảng lần thứ XIV. Đây cũng là hoạt động thiết thực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 8% của đất nước trong năm 2025.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa Cao Văn Cường phát biểu tại hội nghị.
Các đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung Dự thảo Nghị quyết và cho rằng, quá trình triển khai thực hiện nghị quyết phải đảm bảo tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định, yêu cầu về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để tháo gỡ thể chế, khắc phục điểm nghẽn. Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp...

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ: Việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ về việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn trong triển khai Luật Địa chất và khoáng sản năm 2024 là để giải quyết vấn đề vướng mắc, cấp bách, trước mắt. Dự kiến các nội dung của nghị quyết chỉ được thực hiện đến ngày 28/2/2027.
Phó Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ phối hợp với đơn vị chủ trì soạn thảo tiếp thu các ý kiến góp ý của đại biểu tại hội nghị, đồng thời tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện nội dung Dự thảo Nghị quyết theo yêu cầu.
Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý, quá trình thực thi nội dung nghị quyết được gắn với chủ trương phân cấp, phân quyền. Vì vậy, khi nghị quyết có hiệu lực, các địa phương phải chủ động xây dựng phương án, kế hoạch triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm khi thực thi nhiệm vụ được giao, bảo đảm an toàn môi trường sinh thái, quy hoạch, phục vụ tốt nhất mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.