Choáng ngợp thị trường xe máy điện
Thị trường xe máy điện ngày càng nhiều sản phẩm đa dạng về thương hiệu, mẫu mã, phân khúc giá... giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn
Nếu như cách nay mấy năm, thị trường xe máy điện, xe đạp điện vẫn còn èo uột với vài thương hiệu xuất xứ Trung Quốc thì nay mọi việc đã khác, hàng loạt cửa hàng xe máy điện được mở mới, khách đến xem và mua ngày càng đông đúc.
Sức mua tăng mạnh
Theo ghi nhận của phóng viên, tại những khu vực vốn tập trung nhiều cửa hàng xe gắn máy như An Dương Vương, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo (quận 5), Lý Tự Trọng (quận 1), Lê Đại Hành (quận 11), Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận), Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình)..., hiện có khá nhiều cửa hàng xe máy điện được mở thêm. Trong khi đó, không ít cửa hàng xe máy trước đây từ chối nhập bán xe máy điện thì nay bày bán sản phẩm này khá nhiều để khách tham khảo và có thêm sự lựa chọn.
Xe máy điện không chỉ đa dạng về mẫu mã mà còn được thiết kế với nhiều tốc độ khác nhau như 30 km/giờ, 40 km/giờ, 50 km/giờ, 70 km/giờ và thậm chí 90-100 km/giờ để phục vụ đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng. Giá bán xe máy điện cũng khá phong phú, khoảng 20-70 triệu đồng/chiếc. Chỉ riêng hãng xe VinFast đã có đầy đủ phân khúc giá, ở mỗi phân khúc có đến 5 mẫu xe. Chẳng hạn, phân khúc phổ thông có mẫu xe Tempest, Impest, Ludo, Evo200 Lite, Evo200 với giá 12,9-22 triệu đồng/chiếc. Phân khúc trung cấp có mẫu FelizS, Feliz, KlaraS, Klara A2 với giá 24,9 - 39,9 triệu đồng/chiếc. Phân khúc cao cấp có mẫu Theon, TheonS, Vento, VentoS, giá từ 56 - 69,9 triệu đồng/chiếc.
Ông Hồ Khánh Ngọc, chủ cửa hàng xe máy điện tại quận 5, TP HCM, cho biết sức mua xe máy điện đang tăng mạnh. "Trước đây, có khi cả tháng trời không bán được chiếc xe máy điện nào thì nay hầu như ngày nào cũng bán được, ít thì một chiếc, nhiều thì được vài chiếc. Người mua xe máy điện cũng đã thay đổi quan niệm từ chỗ cho rằng chỉ nên mua dòng xe này để sử dụng tạm thời, không đòi hỏi chất lượng cao sang lựa chọn xe rất kỹ, chất lượng phải tốt để dùng lâu dài" - ông Ngọc cho hay.
Thực tế, số lượng xe máy điện tham gia giao thông hiện nay nhiều hơn đáng kể so với vài năm trước, cho thấy phương tiện này đã dần tạo được lòng tin với người tiêu dùng.
Nhiều hãng xe nhập cuộc
Từ khi hãng xe VinFast tung ra hàng loạt mẫu xe máy điện và chiếm lĩnh thị trường, các hãng xe máy khác cũng phải "chạy" theo nếu không muốn đánh mất cơ hội.
Lãnh đạo Công ty Honda Việt Nam thừa nhận xe điện sẽ là xu hướng tiêu dùng nên sớm muộn gì cũng phải đưa xe điện vào thị trường Việt Nam. Bởi vậy, công ty đã nhập về Việt Nam 2 mẫu xe máy điện để cung cấp cho các công ty thí điểm sử dụng vào mục đích dịch vụ trước khi bán ra thị trường.
Trong khi đó, cách đây một năm, Công ty Yamaha Motor Việt Nam đã sản xuất, lắp ráp mẫu xe điện Yamaha NEO’S tại Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Đầu năm nay, Yamaha chính thức thông báo khách hàng trong nước có thể đặt cọc mua mẫu xe máy điện tiêu chuẩn châu Âu này. Xe đã đến tay khách hàng trong tháng 3 vừa qua với giá 50 triệu đồng/chiếc.
Năm ngoái, hãng xe gắn máy SYM cũng lần đầu tiên đưa mẫu xe điện SYM Z1 ra thị trường với giá hơn 15 triệu đồng/chiếc. Đại diện hãng này cho biết sắp tới, hãng sẽ tiếp tục ra mắt thêm một số mẫu xe điện khác để đáp ứng nhu cầu của nhiều phân khúc khách hàng.
Đầu năm nay, hãng xe máy điện Dat Bike chính thức ra mắt phiên bản xe máy điện mới mang tên Weaver++ với nhiều trang bị đáng chú ý, sau khi đã đưa thành công ra thị trường 3 mẫu xe máy điện. Thay đổi mới nhất của Weaver++ nằm ở động cơ mid-motor mới với công suất tối đa lên tới 7.000 W, tăng 1.000 W so với phiên bản trước đó, giúp chuyển trọng lượng từ bánh sau lên giữa xe để phân bổ trọng lượng tốt hơn, xe di chuyển mượt mà hơn. Chiếc xe chỉ cần một giờ để sạc đủ pin cho 100 km đầu tiên và tổng 3 giờ sạc cho quãng đường 200 km. Người dùng có thể sạc bằng cổng sạc nhanh 80A, giúp xe đi được quãng đường 100 km chỉ trong trong 20 phút và 150 km trong vòng 30 phút.
Ông Nguyễn Bá Cảnh Sơn, nhà sáng lập kiêm CEO Dat Bike, giải thích sức mua xe máy điện tăng cao gần đây một phần do giá xăng tăng cao, biến động mạnh. Trong khi đó, chất lượng xe đã được cải thiện đáng kể, giải quyết được những vấn đề mà người tiêu dùng quan tâm là vận tốc xe, quãng đường đi được sau mỗi lần sạc và chất lượng pin. "Trước đây, xe máy điện trên thị trường đa phần là xe nhập khẩu Trung Quốc, mẫu mã đa dạng nhưng tuổi thọ pin không cao, công suất và tốc độ tương đối thấp. Chúng tôi muốn tạo ra chiếc xe điện công suất lớn, có khả năng đi xa, sạc nhanh với mức giá vừa phải. Những yếu tố này đáp ứng được đòi hỏi của người tiêu dùng nên đơn hàng tăng cao" - ông Sơn cho biết.
Sẽ bùng nổ!
Sáng 8-4, tại lễ ra mắt 4 mẫu xe hai bánh sử dụng động cơ điện của Tập đoàn Sơn Hà ở TP HCM, ông Hoàng Mạnh Tân, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà, cho biết xu thế sử dụng xe điện thay thế xe chạy xăng là tất yếu, phù hợp với định hướng, cơ chế của Chính phủ. Phân khúc xe máy điện thay thế xe 2 bánh chạy xăng dự kiến sẽ bùng nổ trong những năm tới. "Việt Nam có 100 triệu dân nhưng sức tiêu thụ xe 2 bánh cao thứ 4 thế giới. Sự chuyển đổi của thị trường 56 triệu xe máy chạy xăng sang xe máy điện sẽ mang đến những cơ hội rất lớn và cả thách thức cho các nhà sản xuất, các đơn vị kinh doanh" - ông Tân nhận định.
Nắm bắt xu hướng chuyển đổi trên, các mẫu xe hai bánh sử dụng động cơ điện mới nhất vừa được Tập đoàn Sơn Hà ra mắt hướng đến thay thế những mẫu xe xăng đang vận hành quen thuộc, thịnh hành trên thị trường. Trong đó, mẫu VS125 có thiết kế cá tính, khả năng vận hành mạnh mẽ; EX100 là mẫu xe điện có hộp số 4 cấp đầu tiên trên thị trường; EVGO A có thiết kế thời thượng, mang phong cách Ý; Ecooter EH2 mang đậm phong cách châu Âu. Có 2 mẫu xe chạy pin với vận tốc tối đa lên tới 80 km/giờ, quãng đường di chuyển tối đa lên tới 200 km/lần sạc.
T.Nhân