Choáng váng 'thủy quái bọc thép' 10 triệu tuổi xuất hiện giữa sa mạc
Ở sa mạc Tatacoa thuộc Colombia, được mệnh danh nghĩa địa của các thủy quái tiền sử, các nhà khoa học vừa khai quật được con rùa to nhất thế giới với 2 chiếc sừng nhọn trên mai.
Một nhóm nghiên cứu đa quốc gia vừa công bố nghiên cứu về cá thể rùa Stupendemys geographicus lớn nhất mọi thời đại. Chiếc mai vĩ đại của thủy quái 10 triệu tuổi này dài hơn 2,4 m; tổng chiều dài thân hình khi còn sống lên đến hơn 3 m. Với kích thước đó, nó không kém cạnh các con khủng long cỡ trung.
Các bước nghiên cứu cũng cho thấy loài rùa này có thể phát triển đến kích thước tối đa là 4 mét chiều dài và nặng đến 1,25 tấn.
Cho dù được phát hiện lần đầu từ những năm 1970, nhưng những hóa thạch không đầy đủ khiến các nhà khoa học khó lòng dựng nên bức tranh hoàn hảo về loài thủy quái đáng sợ này. Hóa thạch vừa mới phát hiện ở trong tình trạng tốt và là mẫu vật vô cùng giá trị, nó cũng lớn hơn các mẫu vật khác từng được khai quật ở Brazil, Venezuela và Colombia.
Theo nhà cổ sinh vật học Edwin Cadena từ Đại học Rosario (Bogota, Colonbia), điểm đáng chú ý trên chiếc mai rùa khổng lồ là 2 chiếc sừng nhọn nhô ra từ 2 cạnh mai, gần cổ con vật. Những vết "sẹo" sâu trên chiếc mai cứng như xe bọc thép này cho thấy những con rùa tiền sử thực sự là những thủy quái hung dữ. Với 2 chiếc sừng, chúng đã có những trận chiến khốc liệt.
Cho đến ngày nay, kiểu chiến đấu này vẫn tồn tại trong một số số loài rùa. Những trận chiếc ác liệt nhất xảy ra khi các con đực tranh giành bạn tình.
Con Stypendemys geographicus cổ xưa nhất từng lang thang lên trái đất có thể lên tới 70 triệu năm tuổi, tức khi loài khủng long vẫn còn tồn tại trên trái đất. Tuy nhiên sau thảm họa tiểu hành tinh 66 triệu năm về trước, khủng long bị tiêu diệt còn chúng thì vẫn tồn tại.
Kích thước và hai chiếc sừng đáng sợ đã giúp các con rùa tiền sử này được an toàn trước các sinh vật đáng sợ khác sống cùng thời. Là loài lưỡng cư, nó phải chia sẻ môi trường với các loài cá sấu khổng lồ như Purimanaurus dài đến 11 m hay Gryposeuchus dài 10 m. Trước đây, một hóa thạch rùa Stupendemys từng được tìm thấy với một chiếc răng dài đến 5 cm cắm trên lưng, được cho là răng cá sấu.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Science Advances.