Chơi hoa lan: Thú chơi công phu của người xưa
Người xưa có câu nói: 'Vua chơi lan, quan chơi trà' có nghĩa là: Bậc vua chúa mới dám chơi hoa lan.
Lan là loại hoa vương giả, đẹp đến mê hồn và không ở đâu có sự kết hợp hài hòa giữa cái đẹp trong tự nhiên và bản tính hướng thiện của người đời như giới chơi lan…
Lan - Thú chơi lâu đời
Ngày xưa ở các nước Á Đông, trong đó có Việt Nam do ảnh hưởng của triết học phương Đông và lễ giáo phong kiến, thưởng lan đã đi vào chiều sâu tinh túy, tìm đến cái thần trong cốt cách của trang quân tử trong xã hội quân tử lan chi.
Với những loại lan rừng ẩn mình dưới tán lá cây hay những giò lan treo mình trên vách núi đá cao vời vợi đều được những người yêu lan yêu thích vô cùng. Lan có khi có vẻ ngoài mạnh mẽ, cứng cáp được coi như tượng trưng cho người quân tử như các loài: Encytias, Epidendrum, Laelia…Nhưng cũng có khi lại rất mềm mỏng, yếu đuối như loài: Phong lan Cattleya, Broughtonia….
Lan được người chơi chia làm hai dòng chính là Địa lan và Phong lan. Trong đó, Phong lan lại có hai nhánh là bản địa (Việt Nam) và Catlan (phiên âm qua tiếng Hán của lan Cattleya) được du nhập vào Việt Nam. Catlan có nguồn gốc từ những cánh rừng Nhiệt đới vùng Amazon Nam Mỹ, được những nhà thám hiểm Châu Âu đưa về Cựu lục địa. Sau này, nó theo chân những người Pháp đến Việt Nam cuối thể kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Catlan tuy hơn hẳn lan bản địa vì nhiều màu sắc nhưng thực sự không thể so sánh được về mùi hương. Bởi lan bản địa là lan vừa có hương vừa có sắc, hương thì ngọt ngào quyến rũ, sắc thanh tao ấn tượng.
Những người chơi lan cho biết, lan rừng chủ yếu được lấy từ các cánh rừng Tây Bắc của Việt Nam, sau này được du nhập từ Lào, Campuchia, Đài Loan, Thái Lan... Tính sơ bộ có khoảng hàng chục nghìn loài lan khác nhau, bao gồm các loài lan rừng tự nhiên và lan lai ghép, đa dạng về chủng loại, hình dáng, màu sắc, hương thơm. Lan rừng phổ biến là phi điệp, hạc vĩ, quế lan hương, đai châu...; lan lai ghép phổ biến là cattleya, giả hạc Pháp, Hawaii...
Người chơi lan miền Bắc chủ yếu chú trọng sưu tầm lan Việt. Họ thưởng hoa theo lối truyền thống tao nhã và luôn tôn trọng niêm luật khắt khe đã đề ra. Với họ, màng hoa, giò hoa, thân lá phải được chau chuốt đến chỉn chu, tỉ mẩn để bất cứ giò lan nào cũng là một tác phẩm nghệ thuật.
Cuộc sống có nhiều thú chơi tao nhã, bổ ích và công phu. “Chơi cá dưỡng tâm, chơi cây dưỡng trí, chơi chim dưỡng thần”. Mỗi người đều có thú chơi riêng để cái tâm, cái trí, cái thần của mình luôn đạt độ ổn định, giúp cho việc giải quyết công việc, các vấn đề trong cuộc sống, tư tưởng cá nhân và gia đình luôn được tốt đẹp, hài hòa. Đó là điều ai cũng mong muốn. Thú chơi phong lan không nằm ngoài quy luật và ý nghĩa trên.
Câu chuyện huyền thoại về 7 khóm lan hài đỏ Việt Nam
Những năm 90 của thế kỷ 20, giới săn lùng lan lưu truyền câu chuyện về 7 khóm lan hài đỏ duy nhất của Việt Nam bị bọn buôn lậu quốc tế đánh cắp và bí mật đưa theo đường biển thoát ra nước ngoài. 7 khóm lan hài đỏ lưu lạc qua tay bọn buôn cây cảnh quốc tế, khi đến Mỹ thì thì bị hải quan cửa khẩu phát hiện và tịch thu toàn bộ số lan này. Hải quan Mỹ đã chuyển toàn bộ số lan đó về Trạm cứu hộ thuộc Vườn bách thảo Mỹ. 7 khóm lan hài đỏ này đã ở đó rất lâu và không có ai đến nhận, cuối cùng không rõ vì lý do nào mà “mô” (giống) của nó lại xuất hiện trên thị trường chợ đen Mỹ. Thực hư không ai dám chắc, nhưng chuyện về lan hài đỏ Việt Nam gây chấn động giới chơi lan Âu, Mỹ những năm đầu thế kỷ 20 thì hoàn toàn có thật.
Một câu chuyện khác, khoảng năm 1913, khi những người lính viễn chinh Pháp trở về cố quốc mang theo những giò phong lan của xứ Đông Dương nhiệt đới, thì lập tức nó trở thành sự kiện gấy chấn động giới chơi lan. Đó là những giò phong lan có tên lan hài đỏ, tên khoa học là Paphiopedilum delenatii, giới chơi lan sành điệu thì gọi là “Kỳ hoa dị thảo”. Người đầu tiên sở hữu nó tại Pháp thời đó là ông De.Lenat. Đã hơn 70 năm, không ai còn nhìn thấy loài lan hài đỏ ở rừng Việt Nam.
Cho đến một ngày, một nhà khoa học chuyên nhân giống bằng công nghệ tế bào người Séc tên là Peter Schwott đã tới Việt Nam để nghiên cứu hoa lan trong 7 năm trời. Kết quả cuối cùng ông đã tìm ra xuất xứ của lan hài đỏ nằm trong khu vực giáp ranh giữa Lâm Đồng và huyện Ninh Sơn (Khánh Hòa). Mang tiến bộ của kỹ thuật hiện đại, Peter Schwott nhân giống Lan hài đỏ bằng phương pháp vô tính, song song với phương pháp gieo hạt truyền thống. Kết quả thu được khá bất ngờ, ông lại thành công bằng phương pháp gieo hạt trong ống nghiệm, một phương pháp hữu tính. Lan hài đỏ mang quốc tịch Việt Nam là sự thật hiển nhiên và giới chơi lan thế giới không ngừng săn lùng nó bằng bất cứ giá nào.
Lan hài đỏ Việt Nam đã tạo thành một câu chuyện huyền thoại.
Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/choi-hoa-lan-thu-choi-cong-phu-cua-nguoi-xua-29789.html