Chơi tranh Tết nét đẹp văn hóa Việt
Cứ mỗi độ xuân về, tranh Tết xuất hiện làm cho không khí đón chờ năm mới càng thêm náo nức, tưng bừng. Theo quan niệm của nhiều người, việc treo tranh, chơi tranh không đơn giản là chơi cho có không khí Tết, mà bức tranh được trang trí tạo nên không gian sang trọng, mới mẻ cho căn phòng.
Đã là tranh treo Tết bao giờ cũng mang nội dung, mong ước về những điều tốt đẹp, chúc cho gia chủ một năm phát tài phát lộc, vạn sự như ý. Trước kia, tranh Tết là những bức tranh dân gian khổ nhỏ với hình ảnh các con giáp đem theo ước vọng ngày xuân như: Tranh “Mẹ con đàn gà’’, “Mẹ con đàn lợn’’ thể hiện cảnh sinh hoạt dân dã với ước vọng gia đình đông vui, hòa thuận, khát vọng sung túc cả năm; tranh “Vinh Hoa - Phú Quý’’ với cậu bé mũm mĩm ôm gà, ôm vịt tượng trưng cho điềm phúc; tranh “Tứ quý’’ thể hiện ước vọng bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông luôn tràn ngập âm thanh vui tươi... Tranh Tết giờ đây không bó hẹp ở dòng tranh dân gian truyền thống mà được đón nhận dưới góc nhìn rộng hơn, hiện đại hơn. Ngoài những bức tranh dân gian theo lối vẽ và chất liệu truyền thống đã xuất hiện tranh Tết có chất liệu đa dạng như: Khắc gỗ, sơn dầu, tranh thêu, tranh khảm trai, đá quý... được nhiều người yêu thích.
Khách hàng lựa chọn tranh treo Tết tại cửa hàng tranh sơn dầu, số 331,đường Quang Trung (TP Tuyên Quang).
Tùy vào điều kiện mỗi gia đình, song ngày nay người dân đa phần có xu hướng chọn những dòng tranh cao cấp, ngay cả chất liệu sơn dầu cũng được vẽ trên chất liệu tốt, có độ bền cao và khách chọn mua tranh theo phong thủy. Hơn 5 năm mở cửa hàng tranh, anh Vũ Long Hải, chủ cửa hàng tranh sơn dầu, số 331, đường Quang Trung (TP Tuyên Quang) chia sẻ, anh thường vẽ tranh Tết theo yêu cầu. Khách hay đặt vẽ những bức tranh về phong cảnh, tranh tứ quý, tranh về hoa đào, cá chép. Nhiều người đặt anh vẽ trước cả nửa năm bởi bức tranh khổ lớn, nhiều chi tiết khó đòi hỏi thời gian và sự kỳ công hơn, còn lại đa số khách hàng chọn mẫu và đặt vẽ trước Tết 1, 2 tháng.
Bên cạnh những bức tranh Tết mang đậm sắc thái văn hóa, lịch sử, tâm linh, nhiều người còn dành vị trí trang trọng trong không gian ngôi nhà để đón chào năm mới bằng những bức vẽ hình con giáp đại diện cho năm đó. Như vào năm Tý người ta có thể treo tranh “Đám cưới chuột”; năm Sửu treo tranh “Chăn trâu thả diều”, “Chăn trâu thổi sáo” của dòng tranh dân gian Đông Hồ...
Là người yêu thích tranh, chị Lê Thị Tuyết, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) đã chọn một bức tranh “Hoa mẫu đơn” để treo tại phòng khách chào đón năm mới Canh Tý. Chị nói, những năm trước gia đình chị treo tranh “Mã đáo thành công”, có năm thì treo bộ tranh Tứ quý, năm nay chị thay đổi nên chọn tranh “Hoa mẫu đơn” như một lời chúc cho sự phú quý, giàu sang cho gia đình trong năm mới. Chị cho rằng, Tết không chỉ là dịp mua sắm hàng hóa, dọn dẹp nhà cửa mà phải làm sống lại những giá trị tinh thần văn hóa, trong đó có các tác phẩm hội họa.
Tranh Tết dù là tranh dân gian hay tranh hiện đại đều thể hiện sự ngưỡng vọng của con người trước cái đẹp cùng những mong ước cho một năm mới an lành. Thú chơi tao nhã này là một nét đẹp văn hóa quý báu cần được tôn vinh, bảo tồn và phát huy, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân.