CHƠI VỚI TRẺ NHỎ
Vụ việc YouTuber Thơ Nguyễn đăng các clip 'xin vía búp bê ma' cho trẻ học giỏi trên kênh TikTok đã và đang gây phẫn nộ đối với phụ huynh. Sự việc 'nóng' tới mức, YouTuber này trở thành một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google những ngày qua.
Dù Thơ Nguyễn đã đăng đàn khóc lóc, xin lỗi, bày tỏ hối hận và dù các cơ quan chức năng của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đã vào cuộc phối hợp giải quyết vụ việc, nhưng làn sóng phẫn nộ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Vụ việc kéo theo sự vào cuộc của truyền thông và sự quan tâm của nhiều chuyên gia tâm lý, văn hóa, giáo dục... Xét về tâm lý xã hội, phản ứng có tính dây chuyền này là điều dễ hiểu. Ai cũng thương yêu con em mình nên không một phụ huynh nào có thể chấp nhận để cho con em mình bị đầu độc bởi những sản phẩm phản giáo dục.
Thực ra, những clip “xin vía học giỏi” này chỉ là giọt nước tràn ly. Từ sự phân tích của nhiều chuyên gia, dư luận mới vỡ lẽ, những clip của YouTuber này được đăng tải trong nhiều năm qua đa phần đều là những sản phẩm giải trí tào lao, không có tác dụng giáo dục nhận thức, thẩm mỹ, lối sống cho trẻ nhỏ. Dù vậy, YouTuber Thơ Nguyễn lại thu hút một lượng “khủng”, lên đến gần 9 triệu lượt theo dõi. Lượt người tương tác càng đông thì thu nhập của chủ nhân càng lớn. Cách kiếm tiền thông qua thế giới “ảo” đang là môi trường hấp dẫn của rất nhiều bạn trẻ.
Điều dư luận quan tâm không chỉ là một clip cụ thể, mà cái chính là thông qua vụ việc này, một bộ phận phụ huynh mới giật mình hốt hoảng. Liệu có ai thống kê được trên không gian mạng có bao nhiêu sản phẩm giải trí dành cho trẻ nhỏ kiểu như Thơ Nguyễn? Nhiều lắm! Chỉ một thao tác tìm kiếm rất đơn giản trên công cụ Google cũng đã cho đến hàng vạn kết quả. Vậy là hằng ngày, nhiều người trong chúng ta đang để cho con em mình “bơi” tự do trong một cái bể mênh mông của thế giới mạng. Ở đó, thế giới tâm hồn non nớt, tinh khôi của trẻ em bị bủa vây, xâm nhập bởi vô số rác rưởi, virus độc hại. Thế nhưng, chúng ta vì nhiều lý do, lại cứ lờ đi. Cái sự nguy hiểm của những sản phẩm xấu độc trên thế giới ảo nó không cháy nhà, chết người nên phần lớn chúng ta đều ít nhiều mang tư duy của người làng Vũ Đại. Nó xấu độc với con cái nhà ai chứ chắc nó trừ con mình ra. Thế nên ngoài giờ đi làm, rất nhiều người khi trở về nhà thì mỗi người một góc, khư khư cái điện thoại. Bố bấm bấm, mẹ vuốt vuốt, con vừa bấm vừa vuốt, có khi cả buổi chả ai nói với ai câu nào. Mà cái món giải trí trên thế giới ảo nó nhanh lắm. Một cái bấm, cái vuốt ấy lập tức có đến hàng trăm, hàng nghìn sản phẩm giải trí hiện ra. Để thu hút trẻ nhỏ vào xem, không ít tổ chức, cá nhân bày ra đủ kiểu chiêu trò, sản xuất các sản phẩm giải trí tào lao, thậm chí là độc hại để kiếm tiền.
Phức tạp! Đó là câu cảm thán cửa miệng của rất nhiều phụ huynh khi bàn đến việc nuôi dạy trẻ nhỏ. Ngày xưa, ông bà ta đặt lên hàng đầu công sinh và công dưỡng. Ngày nay, cùng với việc sinh con, nuôi con, dạy con, còn phải biết cách chơi với con.
Chơi với trẻ nhỏ không chỉ là bổn phận mà là một nghệ thuật. Để con em mình không bị đầu độc bởi những trò nhảm nhí, xấu độc trên không gian mạng, không thể cứ trông chờ vào công tác quản lý nhà nước và sự can thiệp của pháp luật. Cái chính vẫn là từ mỗi ông bố, bà mẹ. Hãy dành thời gian nhiều hơn để chơi với trẻ, sống cùng trẻ, giúp trẻ trưởng thành lành mạnh. Nếu tối này qua tối khác cứ mỗi người một góc, bố bấm bấm, mẹ vuốt vuốt thì con cái thành ra cái gì, khó nói lắm!
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/dien-dan-chu-nhat/choi-voi-tre-nho-654057