Chốn bình yên ở trại phong Bến Sắn

Ở trại phong, những người cùng cảnh ngộ dựa vào nhau để sống cho trọn một kiếp người, cùng nhau vươn lên với khát vọng vào ngày mai tươi sáng hơn.

Tôi đến khu điều trị phong Bến Sắn (trại phong Bến Sắn) ở TP Tân Uyên, Bình Dương sau khi cơn mưa lớn đầu tháng 7 vừa ngớt. Hai bên đường cây cối xanh mướt được điểm xuyết màu tím của bằng lăng và màu vàng của hoa vạn thọ, khung cảnh thật yên bình. Thấy có người lạ tới thăm, bà Mai Thị Mì (71 tuổi, quê Thanh Hóa) niềm nở mời vào nhà chơi.

Nơi ấm áp tình người

Bà Mì đã nhiều tuổi, vóc người nhỏ bé nhưng còn rất minh mẫn, nhanh nhẹn. Cách đây 40 năm, vợ chồng bà lang bạt từ Thanh Hóa đến đây và được mọi người cưu mang, chữa bệnh. Nhờ đó, cuộc sống vơi bớt cơ cực, không còn những tháng ngày rày đây mai đó, sống nhờ tình thương của người qua đường.

Khu điều trị phong Bến Sắn hiện đang thí điểm đổi tên thành BV phong Bến Sắn để điều trị cho các bệnh nhân đặc thù.

“Tôi mắc bệnh phong từ nhỏ, phát hiện ra thì đã nặng. Mặc dù được uống thuốc nhưng tay, chân tôi cứ dần teo tóp, lâu ngày thành tật. Bị xa lánh, hắt hủi, tôi mặc cảm vô cùng” - bà Mì rơm rớm nước mắt.

Ông Nguyễn Văn Thái (chồng bà Mì) là người cùng quê, họ quen nhau trong một lần đi khám ở bệnh viện. Mắc bệnh giống nhau nên ông bà có sự đồng cảm rồi nên vợ nên chồng. Cuộc sống khó khăn, bị người đời xa lánh, ông bà rời quê Nam tiến. “Trải qua hàng ngàn cây số với nhiều cơ cực, đến đây thấy nhiều người cùng cảnh chúng tôi đỡ tủi thân hơn và gắn bó đến bây giờ” - bà Mì nói tiếp. Ngồi nghe vợ nhắc chuyện cũ, ông Thái chỉ cười hiền.

Vợ chồng bà Mì có năm người con, đều đã có công việc ổn định như giáo viên, công chức, kinh doanh... Trong căn nhà nhỏ, rất nhiều giấy khen được dán cẩn thận trên tường. Bà Mì tự hào lắm, khoe đây là giấy khen của các con. Bà tâm sự để nuôi đàn con được học hành trong hoàn cảnh thiếu thốn, nhiều năm liền ông bà thường ăn sắn (củ mì) khô, ăn cơm với muối trắng, dành dụm từng đồng gửi lên TP cho con ăn học…

Các điều dưỡng đang chăm sóc chu đáo bữa ăn cho những bệnh nhân không thể tự phục vụ. Ảnh: Khu điều trị phong Bến Sắn

Các điều dưỡng đang chăm sóc chu đáo bữa ăn cho những bệnh nhân không thể tự phục vụ. Ảnh: Khu điều trị phong Bến Sắn

“Chỉ khi đi học, có kiến thức các con tôi mới tự lo được cho bản thân lâu dài, không phải cơ cực như đời của cha mẹ chúng” - bà Mì trần tình.

Gần đó là nhà ông Mười Quang (84 tuổi, quê Bà Rịa-Vũng Tàu) bị bệnh phong từ năm 15 tuổi. Nhà nghèo, không được điều trị nên ông đành cắn răng chịu đựng. Sau đó, ông thoát ly đi chiến đấu nhưng bệnh ngày một nặng, năm 33 tuổi ông rời quân ngũ đến trại phong Bến Sắn điều trị.

“Đến chữa bệnh rồi ở luôn tới giờ vì bà nhà tôi cũng là bệnh nhân phong. Hồi còn trẻ tôi luôn ước mình hết bệnh để đi làm, còn bây giờ chỉ mong hai vợ chồng có sức khỏe, nhìn con cháu khôn lớn, thành người có ích cho xã hội là hạnh phúc rồi” - ông vui vẻ nói.

Yêu thương như một gia đình lớn

Gắn bó với nơi đây đã 26 năm, BS Phạm Mai Lôi Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (khu điều trị phong Bến Sắn), được những bệnh nhân coi như người nhà. Nói về cơ duyên đến với trại phong, BS Vũ kể khi còn là sinh viên y khoa từng có dịp tới đây phát quà từ thiện và quen các sơ. Sau khi ra trường, các sơ hỏi “Có dám vào trại phong làm việc không?”, ông không ngần ngại trả lời “Có”.

“Biết tin tôi lên tuốt trại phong làm việc, cha mẹ khóc hết nước mắt, bạn gái thì chia tay… nhưng tôi vẫn đi. Bệnh nhân ở đây họ cần những người như chúng tôi. Nhiều năm đã qua, tôi coi đây như ngôi nhà thứ hai, bệnh nhân như những người thân. Tôi luôn tâm niệm những gì ơn trên ban cho đừng giữ lại làm của riêng, mà hãy đem phục vụ mọi người. Vợ tôi cũng là điều dưỡng ở trại phong, còn con gái lớn đang là sinh viên y khoa” - BS Vũ không giấu được niềm vui khi nhắc đến con mình.

Ở khu điều trị đặc biệt của trại, BS Vũ được bệnh nhân chào đón, tâm sự như với người thân mặc dù có cả những người không nhìn thấy mà chỉ nghe tiếng của ông. Trong một gian phòng, tiếng radio phát bài “Tình anh bán chiếu” nghe da diết.

Các bác sĩ thăm khám mắt cho bệnh nhân. Ảnh: Khu điều trị phong Bến Sắn

Các bác sĩ thăm khám mắt cho bệnh nhân. Ảnh: Khu điều trị phong Bến Sắn

“Đó là radio của cụ Chấn, người lớn tuổi nhất tại đây (101 tuổi). Ông Chấn là người Hoa, rất thích đọc sách và viết nhật ký bằng chữ Hán, chữ ông rất đẹp. Dù đã cao tuổi và không nghe được nhưng ông vẫn nhớ sinh nhật của mình, thường mời mọi người dự sinh nhật mình mỗi năm” - sơ tên Vui nói.

BS Vũ chỉ sơ Vui nói nhỏ: “Sơ Vui tận tụy lắm, không có ca trực vẫn cứ lên phụ chăm sóc bệnh nhân. Ở đây có 49 người nằm liệt một chỗ, các sơ và điều dưỡng chăm như chăm trẻ từ việc tắm rửa, thay băng, thay tã đến vệ sinh, cắt móng tay, móng chân. Mỗi điều dưỡng ở đây phải chăm sóc đến tám người như vậy, thực sự rất vất vả”.

Còn BS Minh Phương (quê Tiền Giang) mới tới trại phong hơn hai năm nay cũng từ một chuyến đi phát quà thiện nguyện. “Tôi từng làm trong một bệnh viện ở Hậu Giang, tới đây tiếp xúc với bệnh nhân phong tôi thương và đồng cảm nên quyết định chuyển công việc... Bệnh nhân trại phong đa phần thiếu vắng sự quan tâm của người thân nên tôi dành nhiều tình thương và sự quan tâm cho họ” - BS Phương trải lòng.

Khu điều trị phong Bến Sắn hiện có hơn 300 bệnh nhân, đa số trên 60 tuổi và bị bệnh nặng, được hưởng chế độ của Nhà nước và được chăm sóc cho đến hết đời. Nhiều người đã được điều trị nhưng vẫn mang di chứng tàn tật, không thể hòa nhập cộng đồng, trại đã cưu mang và cấp nhà ở rải rác trong khuôn viên để họ sinh sống, bác sĩ tiện chăm sóc.

Các bệnh nhân có nghị lực sống và tinh thần vươn lên rất cao. Mặc dù được Nhà nước trợ cấp nhưng họ vẫn tự trồng trọt, chăn nuôi, có những cụ già cụt hai tay vẫn chăm chỉ cuốc đất. Con em của bệnh nhân có nhiều người theo học ngành y, sau khi tốt nghiệp là bác sĩ, điều dưỡng đã quay lại phục vụ tại đây.

BS PHẠM MAI LÔI VŨ, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp khu điều trị phong Bến Sắn

VÕ THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/chon-binh-yen-o-trai-phong-ben-san-post741535.html