Chọn cho mình một định nghĩa tết

Vẫn là khoảng thời gian của mùa xuân, của khoảnh khắc đầu năm mới nhưng với nhiều bạn trẻ, nó mang các định nghĩa khác nhau như ăn tết, chơi tết hay nghỉ tết. Tết xưa - tết nay và câu chuyện văn hóa truyền thống ngày đầu năm mới của thế hệ gen Z, gen Y cũng có những góc nhìn khác hơn.

Tết của công việc

Lịch làm việc chia theo ca từ nay đến tết của Trương Ngọc Diễm H. (23 tuổi, nhân viên phục vụ một cửa hàng tại quận Tân Bình, TPHCM) đã được quản lý quán sắp xếp cụ thể. Hỏi chuyện về quê đón tết, kế hoạch trong 3 ngày xuân, H. chia sẻ: “Quê tôi ở Tiền Giang, chạy xe máy từ đây về nhà chỉ hơn 2 tiếng, nhưng tôi thích đi làm vào dịp tết hơn. Đi chơi thì nên lựa ngày thường, các điểm vui chơi sẽ đỡ đông người, chất lượng dịch vụ sẽ tốt hơn vì không bị quá tải khách. Còn dịp tết, mình tranh thủ đi làm để tăng thêm thu nhập vì tiền lương trong mấy ngày tết thường cao gấp đôi, gấp ba ngày thường”.

Cũng chọn ở lại TPHCM dịp tết này, Quý C. (22 tuổi, sinh viên năm 4, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TPHCM) nhẩm tính, giá vé máy bay từ TPHCM về Thừa Thiên Huế khoảng 8-10 triệu đồng cho 2 người. Nhưng hơn hết là khoảng thời gian nghỉ không nhiều, trở lại với công việc ngay sau tết, nên C. ưu tiên ở lại thành phố. C. kể: “Chuyện ăn tết ở TPHCM tôi cũng đã quen rồi. Năm nay, tôi đã có công việc như mong muốn, thời gian nghỉ tết không nhiều, tôi dành mấy ngày đó nghỉ ngơi, chuẩn bị cho công việc và các dự án ngay sau tết. Chuyện về quê có thể tính lại vào dịp khác, sẽ thoải mái hơn”.

Nếu như không phải là những chuyến du lịch, ngày nghỉ tết của Hoàng Thị Phương Quyên (28 tuổi, chuyên viên phát triển thương hiệu, ngụ quận 7, TPHCM) cũng luôn bận rộn với công việc. “Thực ra trong năm tôi đã về quê nhiều lần, cái tết xa nhà đầu tiên ba mẹ còn trông, nhưng giờ mọi người đã quen và thoải mái hơn. Tết cũng là thời gian nghỉ trong năm, hãy tận dụng để làm việc mình thấy thoải mái nhất”, Quyên chia sẻ.

 Bạn trẻ tranh thủ tìm việc thời vụ trong dịp tết như nhân viên phục vụ tại các nhà hàng, quán cà phê mở cửa xuyên tết. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bạn trẻ tranh thủ tìm việc thời vụ trong dịp tết như nhân viên phục vụ tại các nhà hàng, quán cà phê mở cửa xuyên tết. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Khoảng nghỉ cho riêng mình

Năm hết tết đến, mạng xã hội trở thành nơi để nhiều người phơi bày cảm xúc, suy nghĩ. Có người chia sẻ hình ảnh gia đình sum vầy, mâm cơm nhà ngày tết, nhưng cũng có bạn tâm sự gặp “áp lực” trước những câu hỏi riêng tư như: chuyện có người yêu, lập gia đình, lương thưởng bao nhiêu… Không ít bạn trẻ lựa chọn tết xa nhà để tránh những câu hỏi dễ làm tổn thương nhau.

Và câu chuyện đón tết xa nhà, với nhiều bạn trẻ khác, đôi khi đơn giản là khoảng nghỉ để chăm sóc chính mình. Lên kế hoạch du lịch và tham gia khóa học truyền thông ngắn hạn tại Singapore từ nửa năm trước, lịch nghỉ tết của Phan Thị Mai Trâm (26 tuổi, nhân viên truyền thông đa phương tiện, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) là chuẩn bị hành trang vi vu theo kiểu vừa du lịch vừa học tập. Mai Trâm kể: “Tôi sắp xếp về thăm nhà trước tết, các dịp lễ trong năm tôi cũng về nhà và nghỉ phép thêm vài ngày để ở quê trọn vẹn hơn. Nhiều năm trước, ba mẹ không quen với chuyện tôi vắng nhà ngày tết đâu, nhưng tôi thuyết phục dần. Mỗi dịp tết, tôi chọn ngắt kết nối hoàn toàn với công việc và áp lực, dành thời gian chăm sóc sức khỏe tinh thần cho chính mình để khởi động một năm mới hào hứng”.

Giống như Mai Trâm, kế hoạch nghỉ tết của Hoài An (30 tuổi, nhân viên điện lạnh, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) là lộ trình đi qua những cung đường ven biển các tỉnh miền Trung. Hoài An kể: “Tôi và nhóm bạn thích du lịch trải nghiệm, mỗi năm cả nhóm hội ý chọn một cung đường đẹp đi du lịch và tìm hiểu văn hóa địa phương. Năm nay, cả nhóm chọn cung đường miền Trung, kể ra đi du lịch ngày tết thú vị lắm, mình tìm hiểu cách đón tết ở mỗi vùng miền, có gì đặc biệt, khác biệt so với quê mình”.

Khoảng cách thế hệ cùng nhịp sống xã hội không ngừng thay đổi qua từng ngày, góc nhìn tết của người trẻ hôm nay cũng có khác biệt so với thế hệ trước. Và lựa chọn khác biệt với truyền thống trong ngày tết cũng không có gì là sai hay xấu, bởi giá trị tốt đẹp vẫn sẽ ở đó. Linh hoạt để ứng xử, mùa xuân trong mỗi người trọn vẹn nhất là một định nghĩa về cách đón tết phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của bản thân.

* TS BÙI VIỆT THÀNH, Giảng viên Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM: Khuyến khích bạn trẻ có tính tự lập, sáng tạo

Giới trẻ hiện nay có điều kiện kinh tế nhờ công việc ổn định, thu nhập cao thường dành thời gian để đi du lịch, tranh thủ nghỉ ngơi sau 1 năm làm việc; người chưa có điều kiện thì ở lại tìm kiếm công việc thời vụ để tích cóp cho năm mới. Đây hoàn toàn là các hoạt động mang lý tính của thị dân trẻ, xu thế của thời hiện đại, dù đi đâu cũng kết nối với gia đình nhờ mạng xã hội. Người trẻ không né tết cổ truyền mà sắp xếp ổn thỏa để có thể nghỉ ngơi đón tết với gia đình, nhưng cũng đáp ứng được nhu cầu du lịch của cá nhân. Chúng ta nên khuyến khích bạn trẻ có tính tự lập, sáng tạo bằng các trải nghiệm thực tế của bản thân, khi trưởng thành họ sống có trách nhiệm hơn; nên tin vào lớp trẻ hơn là đánh giá hay ngăn cấm việc đi du lịch, làm thêm dịp tết.

THANH TRÚC - THIÊN BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chon-cho-minh-mot-dinh-nghia-tet-post724756.html