Chọn đúng trọng tâm, trọng điểm

Ðể phát huy vai trò lãnh đạo của Ðảng, nhất là ở cơ sở, mỗi cấp ủy cần liên tục đổi mới phương thức hoạt động một cách linh hoạt, hiệu quả.

Do mỗi địa bàn, mỗi cơ quan, đơn vị đều có đặc thù riêng, đòi hỏi tổ chức đảng phải vận dụng cho phù hợp. Từ khi xây dựng văn kiện đại hội các cấp, từng đảng bộ phải phân tích, thảo luận kỹ để xây dựng các nghị quyết, chương trình toàn khóa cho hiệu quả. Như tại Hà Nội, Ðại hội Ðảng bộ thành phố khóa 16, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra tám chương trình công tác lớn và ba khâu đột phá với những mục tiêu, nhiệm vụ cùng các giải pháp hết sức cụ thể.

Với những "kim chỉ nam" đó, các cấp, các ngành của thành phố đã quyết tâm thực hiện hiệu quả, nên dù còn gần một năm nữa mới hết nhiệm kỳ, nhưng hầu hết các chỉ tiêu Ðại hội đề ra đều đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức.

Tại quận Ðống Ða, trên cơ sở các chương trình công tác lớn của Thành ủy, Quận ủy đã chủ động áp dụng vào thực tế địa bàn. Nổi bật là việc xây dựng, triển khai chương trình công tác về phát triển kinh tế. Từ Thường trực Quận ủy, Ban Thường vụ đến từng đồng chí Quận ủy viên không "khoán trắng" cho khối chính quyền, cùng vào cuộc, tham gia tích cực, đồng hành tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất về thủ tục hành chính, cơ chế chính sách cho doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động tốt hơn. Ðây cũng là tiêu chí quan trọng để đánh giá và nâng cao chất lượng cán bộ.

NGUYỄN ANH CƯỜNG

Phó Bí thư Quận ủy Ðống Ða, Hà Nội

Coi trọng công tác giám sát và phản biện

Trong chặng đường lịch sử 90 năm qua, Ðảng ta luôn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, được nhân dân tin tưởng, là đội tiên phong chính trị, tổ chức lãnh đạo chân chính duy nhất của cả dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, thành tựu mà đất nước và dân tộc ta đạt được đã đưa Việt Nam vững vàng bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Qua theo dõi trên các phương tiện truyền thông, tôi nhận thấy, những năm gần đây, Ðảng ta coi trọng vai trò giám sát, phản biện của MTTQ, các đoàn thể và nhân dân. Những kết quả đạt được trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với MTTQ và các đoàn thể đã góp phần khẳng định vị trí, vai trò của các tổ chức này trong giám sát, phản biện xã hội đối với hệ thống chính trị, đóng góp vào những thành tựu chung của đất nước.

Ở nhiều địa phương, việc các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền trực tiếp đối thoại, tiếp thu, giải trình, ý kiến đóng góp của nhân dân đã tạo không khí dân chủ, cởi mở, qua đó góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Ðảng và Nhà nước, người dân hiểu và chấp hành pháp luật tốt hơn, yên tâm lao động, sản xuất, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ðể hoạt động giám sát, phản biện có hiệu quả ngày càng cao, cần nâng cao nhận thức của cấp ủy các cấp về vai trò giám sát, phản biện của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Nghiên cứu, ban hành cơ chế xác định rõ hơn, cụ thể hơn trách nhiệm của tổ chức và đảng viên đối với hoạt động giám sát và cơ chế tiếp thu, thực hiện các kiến nghị, yêu cầu sau giám sát. Quy định rõ các hình thức cụ thể, tạo thuận lợi để nhân dân phản ánh, góp ý với các công việc của Ðảng và Nhà nước. Người đứng đầu phải thực hiện nghiêm túc quy chế tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, với tinh thần thật sự cầu thị.

Cấp ủy cấp trên cần giám sát cấp dưới trong thực hiện nhiệm vụ này. Chú trọng tăng cường giám sát việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, thông tin công khai những kết quả phản ánh, xử lý, giải quyết vấn đề liên quan đến đạo đức, lối sống, trách nhiệm của người đứng đầu mà dư luận và nhiều người dân quan tâm.

HUỲNH VĂN HẢI

Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Tân Thạnh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam

Tạo điều kiện để phụ nữ phát triển

Là cán bộ, công chức công tác trong một tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, bản thân tôi rất tự hào và luôn tâm niệm làm việc thật tốt, phấn đấu theo đúng lời Bác Hồ dạy: Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Bởi tôi nghĩ, mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự "hết lòng vì dân" thì mới "được dân hết lòng vì Ðảng".

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Ðảng ta luôn quan tâm đến phụ nữ và công tác cán bộ nữ. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ trong hệ thống chính trị được chú trọng. Nhiệm kỳ này, ở nhiều địa phương, tỷ lệ cán bộ nữ trong hệ thống chính trị tăng hơn các nhiệm kỳ trước.

Thực tế tại địa phương cho thấy nơi nào cấp ủy và người đứng đầu quan tâm bố trí, sử dụng cán bộ nữ, mạnh dạn phân công, giao việc, thường xuyên theo dõi, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ nữ rèn luyện đạt chuẩn của từng chức danh để bố trí, sử dụng thì nơi đó tỷ lệ cán bộ nữ tăng. Ðồng thời, đội ngũ cán bộ nữ cũng phải thể hiện bản lĩnh, có ý chí phấn đấu vươn lên khẳng định năng lực bản thân.

Hiện nay, sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động đến chất lượng, cơ cấu của lao động nữ, sự chuyển dịch lao động nữ từ khu vực sản xuất nông nghiệp sang các ngành công nghiệp, dịch vụ ngày càng tăng. Sự thay đổi này cũng tác động đến việc thực hiện chính sách cán bộ nữ và công tác phụ nữ.

Ðảng và Nhà nước cần có sự nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để tăng số lượng cán bộ nữ ở các cấp của hệ thống chính trị; phát huy tài năng của đội ngũ nữ trí thức, nữ doanh nhân, nữ lao động sản xuất giỏi để họ có thể đóng góp, cống hiến nhiều hơn nữa cho đất nước.

VÕ ÁI HÒA

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/43016202-chon-dung-trong-tam-trong-diem.html