Chọn huấn luyện viên cho tuyển Việt Nam

Công việc của những tân lãnh đạo VFF nhiệm kỳ 9 là tìm kiếm huấn luyện viên cho tuyển Việt Nam. Thế nhưng, giữa câu chuyện tầm nhìn và thành tích lại khiến họ đứng trước những lựa chọn.

Ngay sau khi đắc cử Chủ tịch VFF nhiệm kỳ 9, ông Trần Quốc Tuấn đã nói rằng: “Lựa chọn huấn luyện viên là vấn đề quan trọng, nếu chúng ta chọn đúng huấn luyện viên phù hợp thì phát huy được sức mạnh tối đa. Với sự cống hiến của thầy Park, bóng đá Việt Nam có nhiều sự phát triển và thay đổi.

Sau khi VFF hoàn thiện bộ máy, các thành viên phụ trách chuyên môn và quan hệ quốc tế sẽ bắt đầu nhiệm vụ tìm kiếm, lựa chọn huấn luyện viên hướng tới SEA Games 32, vòng loại Asian Cup và World Cup”.

Huấn luyện viên Park Hang-seo sẽ chia tay tuyển Việt Nam sau AFF Cup 2022. Ảnh: VFF.

Huấn luyện viên Park Hang-seo sẽ chia tay tuyển Việt Nam sau AFF Cup 2022. Ảnh: VFF.

Sau AFF Cup 2022, huấn luyện viên Park Hang-seo sẽ chia tay đội tuyển Việt Nam. Đấy cũng là thời điểm mà VFF đã phải chọn xong huấn luyện viên mới.

Trong nhiệm kỳ 9, VFF hướng đến mục tiêu đưa đội tuyển Việt Nam lọt vào vòng loại cuối cùng World Cup 2026 và vòng chung kết World Cup 2030. Với mục tiêu này, VFF không cần đến một huấn luyện viên có tầm.

Thậm chí, VFF cần hướng đến việc lựa chọn một huấn luyện viên từng dự World Cup. Đây là câu chuyện mà trường hợp huấn luyện viên Shin Tae-yong của Indonesia. Ông đến với đội bóng xứ vạn đảo với một lộ trình dài hơi mà không phải liên đoàn nào cũng đủ kiên nhẫn.

Chia sẻ với báo chí Việt Nam, huấn luyện viên Shin Tae-yong chia sẻ: “Đừng nghĩ chỉ thay huấn luyện viên mới là một đội bóng sẽ gặt hái thành công ngay lập tức. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thành công của đội bóng. Với nền bóng đá Indonesia, tôi chọn cách thay đội tuyển bằng lứa cầu thủ mới, trẻ trung để uốn nắn họ phát triển theo cách mà tôi muốn.

Đương nhiên, chuyện đó không hề dễ dàng và không thể mang lại kết quả ngay lập tức vì phương pháp của tôi cần thời gian. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng đó là hướng đi đúng đắn nhất. Thà rằng chọn con đường chậm để phát triển bền vững còn hơn giành được thành công tức thì nhưng không duy trì được trong dài hạn”.

Với VFF khóa 9, nhiệm kỳ kéo dài 5 năm, thế nhưng lộ trình World Cup kéo dài đến tận năm 2030. Đây là một bài toán khó với VFF. Liệu họ có đủ kiên nhẫn cho tân huấn luyện viên trưởng tuyển Việt Nam? Và liệu rằng, khán giả Việt Nam có kiên nhẫn với quãng thời gian chấp nhận không danh hiệu cùng tuyển Việt Nam?

Đây là điều không dễ dàng. Thực tế, nhiệm kỳ 7 của VFF từng chịu chỉ trích rất nhiều sau quãng thời gian bóng đá Việt Nam không có thành tích. Đấy cũng là nhiệm kỳ mà nội bộ VFF đã xảy ra chuyện “đoàn kết chưa cao”. Điều này cũng dẫn đến hệ lụy của câu chuyện đấu đá nội bộ trước thềm đại hội khóa 9.

Huấn luyện viên Park Hang-seo mang đến thành công cho bóng đá Việt Nam trong suốt 5 năm. Điều này cũng khiến cho bóng đá Việt Nam khởi sắc trên mọi mặt trận. Nhưng chu kỳ thành công của ông Park cũng đã dần khép lại với những vấn đề cần thay đổi. Trong đó không chỉ là câu chuyện tầm nhìn mà còn là những chiến lược cho lộ trình phát triển của VFF.

Tuy nhiên, đấy cũng là giai đoạn mà VFF sẽ phải chấp nhận một thực tế không có danh hiệu ngay khoảng thời gian đầu. Đó sẽ là rủi ro cho những lãnh đạo VFF. Còn nếu lựa chọn một huấn luyện viên an toàn như ông Park Hang-seo, sẽ kéo bóng đá Việt Nam giậm chân tại chỗ với những mục tiêu lớn.

Lãnh đạo VFF từng chia sẻ rằng, nhiệm kỳ mới sẽ có nguồn lực trả lương cho tân huấn luyện viên trưởng. Nhưng câu chuyện hiện tại bây giờ là lựa chọn thế nào cho hợp lý để giúp bóng đá Việt Nam hoàn thành mục tiêu vươn tầm.

Hưng Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-thao/chon-huan-luyen-vien-cho-tuyen-viet-nam-i674017/