Chọn hướng tuyến cho cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành

Bộ GTVT đề nghị TP.HCM sớm nghiên cứu và thống nhất chọn hướng tuyến, triển khai cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành trên cơ sở 2 phương án đã đề xuất.

Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) vừa có công văn đề nghị UBND TP.HCM phối hợp chính quyền tỉnh Bình Phước sớm nghiên cứu, thống nhất quy mô và phương án hướng tuyến cho dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

Đối với đoạn qua TP.HCM, đơn vị tư vấn đề xuất 2 phương án.

Phương án 1, hướng tuyến có điểm đầu từ nút giao Gò Dưa (Km0+00) đi dọc 800 m theo tỉnh lộ 43 (TP Thủ Đức), sau đó rẽ phải theo đường tỉnh 743B. Phương án này nếu thực hiện cần điều chỉnh quy hoạch đất tại TP Thủ Đức, gồm 400 m xây mới và 500 m mở rộng đường Bình Chiểu từ 30 m lên 60 m.

Phương án 2, điểm đầu giao với đường Xuyên Á tại giao lộ ngã tư Gò Dưa, đi theo tỉnh lộ 43 khoảng 2,2 km (đến hết địa phận TP.HCM) rồi rẽ phải để kết nối đường tỉnh 743B.

 Một phần nút giao tuyến cao tốc với quốc lộ 51 hướng đi TP.HCM. Ảnh: Lê Quân.

Một phần nút giao tuyến cao tốc với quốc lộ 51 hướng đi TP.HCM. Ảnh: Lê Quân.

Do đó, địa phận TP Thuận An (Bình Dương) cần điều chỉnh quy hoạch trên chiều dài tuyến 2,5 km và tuyến cắt một phần vào Khu công nghiệp Đồng An, đặc biệt tuyến cắt qua Trường quân sự Quân đoàn 4.

Giữa 2 phương án nêu trên, Bộ GTVT đề xuất chọn phương án 1 nhằm giảm phạm vi điều chỉnh quy hoạch.

Về quy mô, tuyến cao tốc có điểm đầu tại nút giao Gò Dưa (nằm trên đường vành đai 2, TP.HCM). Điểm cuối giao quốc lộ 14 (Chơn Thành, Bình Phước). Tổng chiều dài tuyến khoảng 69 km, gồm đoạn qua TP.HCM (2 km), tỉnh Bình Dương (60 km) và tỉnh Bình Phước (7 km). Công trình có 4 làn xe và các cầu trên tuyến cũng được xây dựng đồng bộ bề rộng mặt đường.

Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành sẽ làm theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Kinh phí dự kiến hơn 36.000 tỷ đồng, đầu tư giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Đây là tuyến huyết mạch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế liên vùng. Dự án hoàn thành sẽ tạo động lực lớn cho toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, rút ngắn thời gian và lộ trình từ TP.HCM đi Bình Dương, Bình Phước.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước vào giữa tháng 1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý giao UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền triển khai đầu tư xây dựng dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Thư Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chon-huong-tuyen-cho-cao-toc-tphcm-thu-dau-mot-chon-thanh-post1224977.html