Chọn kênh đầu tư - có tiền cũng khó trăm bề
Lãi suất ngân hàng xuống mức rất thấp, thị trường chứng khoán trồi sụt, bất động sản đóng băng, giá vàng cao chót vót… Việc lựa chọn kênh đầu tư sinh lời của người dân thời điểm này là một bài toán không dễ.
Các kênh đầu tư chưa khởi sắc
Dù nền kinh tế đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất kể từ đại dịch Covid-19, song, xét về khía cạnh đầu tư của người dân thì thời điểm này dường như câu hỏi lựa chọn kênh nào lại không hề dễ trả lời.
Nếu như trong phần lớn thời gian của đại dịch, thị trường chứng khoán bùng nổ khiến nhiều người ngồi nhà cũng kiếm tiền tỷ, thì hiện tại thị trường này lại đang chứng kiến những phiên điều chỉnh mạnh sau quãng thời gian khoảng 8 tháng phục hồi trước đó.
Kể từ giữa tháng 10, với những phiên giảm sâu lên tới gần 20 điểm của VN-Index, đặc biệt là phiên giảm hơn 46 điểm vào thứ năm vừa qua, tài khoản không ít nhà đầu tư đã mất đến trên dưới 30%. Sự ảm đạm của thị trường cổ phiếu cũng thể hiện qua thanh khoản èo uột, chỉ trên 10.000 tỷ đồng mỗi phiên.
Tương tự, thị trường bất động sản càng phản ánh rõ nét những khó khăn trong đầu tư vào thời điểm này. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, dù thị trường có phần ấm lên trong quý III nhưng mối quan tâm chỉ tập trung vào phân khúc chung cư bình dân, phục vụ nhu cầu để ở, trong khi phân khúc cao cấp, đất nền vẫn đóng băng.
Đối với vàng, đã từ lâu nhà đầu tư trong nước không còn mặn mà khi giá vàng trong nước “một mình một chợ”, không theo sát diễn biến thị trường thế giới, chênh lệch mua - bán cao khiến rủi ro gia tăng. Đặc biệt những tháng gần đây, vàng trong nước có diễn biến tăng khá “nóng” so với đà tăng của vàng thế giới.
Nếu như cách đây khoảng 5 tháng, giá vàng thế giới giao dịch trên 2.000 USD/ounce thì vàng trong nước cũng chỉ khoảng 67 triệu đồng/lượng. Nhưng hiện tại vàng SJC đã lên tới xấp xỉ 71 triệu đồng/lượng, dù vàng thế giới chỉ giao dịch quanh 1.980 USD/ounce.
Ở mức giá cao này, kim loại quý đã không còn hấp dẫn nhà đầu tư. Tương tự, USD với chính sách bình ổn tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước thì dự kiến cũng sẽ không có biến động quá lớn trong năm nay, cơ hội sinh lời là rất ít.
Lãi suất thấp, tiền vẫn “cố thủ” ngân hàng
Khó khăn trong sản xuất kinh doanh và việc thiếu kênh đầu tư hiệu quả khiến nhiều nhà đầu tư có xu hướng ưu tiên cầm tiền, trong đó 2 kênh trong tài khoản công ty chứng khoán hoặc gửi tiền ngân hàng.
Thống kê trên báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán, vào cuối quý III, số dư tiền gửi khách hàng tại các công ty này đạt tới khoảng 77.000 tỷ đồng, tăng thêm khoảng 10.000 tỷ đồng so với cuối quý II. Điều này cho thấy tiền của nhà đầu tư vẫn chờ cơ hội, chưa giải ngân trong bối cảnh thị trường nhiều rủi ro điều chỉnh.
Đối với các ngân hàng, theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 8, tổng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng đã đạt trên 12,446 triệu tỷ đồng, vẫn tiếp tục tăng thêm 147.500 tỷ đồng so với tháng liền trước. Trong số này, tiền gửi của khu vực dân cư tiếp tục duy trì đà tăng và đạt mức cao nhất từ trước đến nay với hơn 6,433 triệu tỷ đồng, tăng 44.000 tỷ đồng so với tháng 7. Tính từ đầu năm tiền gửi dân cư tăng mạnh mẽ với mức tăng lên đến 9,68%, tương đương tăng 567.000 tỷ đồng.
Đối với khu vực doanh nghiệp, sau khi suy giảm trong tháng 7, các doanh nghiệp đã tăng gửi tiền trở lại trong tháng 8. Tính đến hết tháng 8, tiền gửi của các tổ chức đạt 6,013 triệu tỷ đồng, tăng tới 103.500 tỷ đồng so với tháng trước. Việc tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng vẫn miệt mài tăng trong bối cảnh lãi suất huy động xuống rất thấp cho thấy thực tế khó khăn trong sản xuất kinh doanh cũng như các kênh đầu tư.
Hiện nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước (chiếm gần 50%) thị phần tiền gửi đang niêm yết mức lãi suất ở mức thấp nhất thị trường. Trong đó, Vietcombank vừa giảm thêm 0,2% lãi suất, chỉ còn tối đa 5,1%/năm áp dụng với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Còn các ngân hàng có vốn Nhà nước khác là Agribank, VietinBank, BIDV vẫn giữ mức lãi suất tối đa 5,3%/năm cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Tại các ngân hàng thương mại cổ phần, mức lãi suất 7%/năm gần như rất hiếm và thường chỉ dành cho các khoản tiền gửi lớn, khách hàng VIP.
Cầm tiền là vua
Trao đổi với An ninh Thủ đô, chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank cho rằng, thời điểm này, các nhà đầu tư ưu tiên “cầm tiền” để sẵn sàng giải ngân cho các cơ hội đầu tư.
- Phóng viên: Thưa ông, trước đây chúng ta thường thấy một logic là tiền sẽ chảy từ kênh đầu tư này sang kênh đầu tư khác. Ví dụ như trong đại dịch, sản xuất, kinh doanh khó khăn thì tiền sẽ vào chứng khoán, bất động sản… Nhưng thời điểm này thì dòng tiền vào tất cả các kênh đầu tư đều “mất hút”, theo ông, tiền đang ở đâu?
- Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank: Qua những số liệu từ các ngân hàng thương mại và các công ty chứng khoán thì có thể thấy tiền nằm tại các kênh này đang rất lớn. Ví dụ các công ty chứng khoán đang có 77.000 tỷ đồng trong tài khoản nhà đầu tư, ngân hàng thì tiền gửi dân cư cũng ở mức kỷ lục. Điều đó cho thấy người dân đang cầm tiền mặt rất lớn và chờ cơ hội để đầu tư vào các kênh khác nhau, để nếu có cơ hội thì sẽ mua được liền. Tôi nghĩ điều này là đúng trong bối cảnh hiện nay. Nhà đầu tư nên giữ tiền mặt càng nhiều càng tốt, “tiền mặt là vua”, những người cầm tiền là người có quyền. Tức là người cầm tiền sẽ có vị thế tốt hơn, họ có quyền lựa chọn, thương lượng, trả giá, được mua giá rẻ hơn… Ví dụ như thị trường chứng khoán những phiên vừa rồi, nếu nhà đầu tư có tiền thì có rất nhiều lựa chọn vì nhiều cổ phiếu tốt đã giảm rất sâu. Hay bất động sản cũng vậy, nhiều môi giới nói với tôi là bây giờ kiếm được một khách hàng là “mừng muốn chết”.
- Thị trường chứng khoán những phiên vừa qua đã điều chỉnh rất sâu, ông nghĩ đây đã là cơ hội giải ngân cho nhà đầu tư hay chưa?
- Câu hỏi này rất khó, vì không ai có thể đưa ra một công thức chung cho tất cả mọi người. Việc giải ngân hay chưa còn tùy thuộc bạn ở vị thế nào, bạn đầu tư ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn, bạn có tiền sẵn hay không, dùng đòn bẩy hay không, sức chịu đựng rủi ro ra sao… Nhưng về cơ bản thì có thể chia ra một số trường hợp như sau: Với người đầu tư ngắn hạn, ít nhất chia ra 2 trường hợp là còn tiền và không còn tiền. Nếu nhà đầu tư còn tiền thì tôi nghĩ thời điểm này có thể mua lướt sóng được, nhưng ưu tiên hàng có sẵn trong danh mục, không dùng đòn bẩy và phải có kinh nghiệm. Còn với người không còn tiền, tài khoản “full” cổ phiếu chỉ có cách chờ những nhịp hồi để bán ra, thu tiền mặt và chờ cơ hội ở những phiên đi xuống. Còn những người còn tiền và kiên nhẫn đầu tư trong trung và dài hạn thì tôi nghĩ đã có thể tích lũy dần cổ phiếu ngay từ bây giờ. Tôi nhấn mạnh là những người kiên nhẫn, vì thị trường chưa thể bật tăng luôn được, vì nó cũng chỉ mới điều chỉnh sau khoảng 8 tháng tăng liên tục.
- Vậy còn những kênh đầu tư khác thì sao, ông có nhận định gì không?
- Tôi nghĩ ngoài chứng khoán thì thời điểm này chưa có kênh đầu tư nào thực sự khởi sắc. Bất động sản tôi nghĩ chưa phải lúc mua, có thể là phải đến năm sau. Vì có thể giá bất động sản bây giờ là đáy rồi, nhưng đó không phải cái đáy có thể bật lên luôn, có thể sẽ phải giữ ở đây một thời gian dài nữa. Vì bất động sản thường là kênh “chạy” cuối cùng, tiền phải đổ vào sản xuất, kinh doanh, rồi chứng khoán lên thì bất động sản mới lên được. Mà dân mình mua đất thì chủ yếu chỉ mong giá lên là bán liền. Do đó, nhà đầu tư nên đợi thị trường tốt lên một chút thì mới mua. Với vàng thì nhà đầu tư Việt Nam không còn hào hứng với kênh này. Mua vàng giữ trong nhà thì lo, gửi ngân hàng thì mất phí. Quan trọng là giá vàng SJC Việt Nam không đi theo giá thế giới, chênh lệch mua - bán lớn, lướt sóng rất rủi ro, nhà đầu tư buộc phải có kinh nghiệm… Vì vậy, nhà đầu tư không nên nắm giữ vàng, chỉ những người muốn đa dạng danh mục thì phân bổ một chút thôi. Giữ USD thì càng không nên vì tỷ giá những năm gần đây đều khá ổn định. Ngay cả giai đoạn vừa qua USD tăng, nhưng tính theo tỷ lệ lãi suất gửi tiết kiệm vẫn không bằng.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chon-kenh-dau-tu-co-tien-cung-kho-tram-be-post556231.antd