Chọn lọc con giống – Yếu tố quyết định thành bại trong chăn nuôi

Nhờ chương trình hỗ trợ nhân giống vật nuôi nhập ngoại của tỉnh, nhiều giống bò, lợn cao sản có nguồn gốc, cho năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất tại các địa phương, giúp nông dân cải thiện thu nhập, tạo tiền đề phát triển ngành chăn nuôi trở thành ngành hàng hóa chính trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025.

Nhờ được hỗ trợ nhân giống bò sữa nhập ngoại, năng suất và chất lượng đàn bò sữa của gia đình chị Lương Thị Đoan, thôn Khách Nhi Xuôi, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường được nâng lên. Ảnh: Nguyễn Lượng

Nhờ được hỗ trợ nhân giống bò sữa nhập ngoại, năng suất và chất lượng đàn bò sữa của gia đình chị Lương Thị Đoan, thôn Khách Nhi Xuôi, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường được nâng lên. Ảnh: Nguyễn Lượng

Thực hiện Quyết định số 50 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ, giai đoạn 2015 – 2020, toàn tỉnh đã hỗ trợ hơn 400 nghìn liều tinh lợn ngoại, gần 160 nghìn liều tinh bò sữa, bò thịt, xây dựng mới 13 nghìn hầm Biogas, triển khai 6 nghìn đệm lót sinh học chăn nuôi gà, đào tạo kỹ thuật thụ tinh nhân tạo bò cho 60 người với tổng kinh phí hơn 110 tỷ đồng.

Việc hỗ trợ tinh lợn ngoại để thụ tinh nhân tạo cho đàn lợn nái trong tỉnh giúp các hộ chăn nuôi tiết kiệm chi phí, góp phần giảm giá thành sản xuất, tăng chất lượng đàn lợn thương phẩm; trong đó, trọng lượng lợn thịt xuất chuồng tăng trung bình từ 80,5 kg/con (năm 2015) lên 98,5 kg/con (năm 2020); công tác lai tạo giống bò thịt, bò sữa chất lượng cao phát huy ưu thế, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập của người chăn nuôi tăng từ 5% - 10%.

Năm 2021, Trung tâm Giống nông nghiệp (Sở NN&PTNT) tỉnh đã sản xuất được gần 100.000 liều tinh lợn ngoại từ 52 con giống các loại như Yorkshire, Du 75, Du 100, Pidu..., hỗ trợ cho người chăn nuôi hơn 74.000 liều, được đánh giá cao về chất lượng với tỷ lệ thụ thai đạt 80%; nhập 42.600 liều tinh bò ngoại gồm các giống: Brahman, B.B.B, HF hỗ trợ cho người chăn nuôi, trong đó, tỷ lệ thụ thai đối với bò thịt đạt hơn 70%, bò sữa đạt 45%.

Là hộ dân được nhân giống lợn ngoại theo chương trình hỗ trợ của tỉnh, ông Phạm Tiến Chinh, thôn Dội, xã Đạo Tú, huyện Tam Dương cho biết: “Gia đình tôi đang nuôi 2 giống lợn ngoại là Yorkshire và Du 75 với quy mô 5 lợn nái, 50 lợn bột.

Sau thời gian nuôi 2 giống lợn này, tôi nhận thấy có 4 ưu điểm vượt trội so với nuôi lợn thông thường là: Thức ăn tiêu tốn cho 1 con lợn/ngày giảm từ 3kg xuống 2,5kg, đàn lợn có sức đề kháng tốt, lợn thịt xuất chuồng đạt tỷ lệ nạc cao hơn và giá bán thịt lợn tăng từ 10.000 đồng – 15.000 đồng/kg tùy từng thời điểm”.

Là dẫn tinh viên cho các hộ chăn nuôi bò ở thôn Nam, xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường, ông Nguyễn Văn Hòa cho biết: “Gần 10 năm làm công việc dẫn tinh viên cho bò, tôi nhận thấy chất lượng con giống ngày càng được cải thiện theo hướng tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Điều này thể hiện qua sự hài lòng của hàng trăm hộ dân mà tôi đã giúp đỡ nhân giống, hướng dẫn phương pháp nhân giống. Như gia đình tôi, sau khi chuyển từ chăn nuôi bò đỏ thông thường sang giống bò B.B.B, thời gian xuất chuồng giảm, cân nặng và tỷ lệ thịt xẻ tăng lên rõ rệt.

Hơn nữa, giống bò này có sức đề kháng rất tốt, tỷ lệ bò bệnh ít, thức ăn cho bò cũng đơn giản, dễ chế biến, có thể tận dụng nhiều loại cỏ trong tự nhiên, giúp tiết kiệm chi phí chăn nuôi.

Gia đình tôi hiện đang nuôi 10 bò nái, 10 bò thịt, sau khi xuất chuồng cho thấy, nếu bò đỏ thường nuôi 7 tháng lãi được khoảng 10 triệu đồng/con, thì bò B.B.B nuôi trong 5 tháng có thể lãi được 25 triệu đồng/con. Lợi ích kinh tế là rất rõ”.

Giai đoạn 2021 – 2025, với mục tiêu đưa ngành chăn nuôi trở thành ngành hàng hóa chính trong sản xuất nông nghiệp, phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, tập trung chuyên môn hóa trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến, gắn bảo quản, chế biến sản phẩm chăn nuôi với thị trường, tỉnh tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ nông dân nhân giống vật nuôi chất lượng cao.

Chỉ đạo Sở NN&PTNT đẩy mạnh liên kết với các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài tỉnh triển khai biện pháp nâng cao chất lượng giống vật nuôi, từ đó chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi cho nông dân.

Tăng cường công tác quản lý giống, thức ăn chăn nuôi, công tác kiểm soát giết mổ và kinh doanh sản phẩm từ chăn nuôi; hướng dẫn các hộ chăn nuôi chế biến thức ăn chăn nuôi, xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đồng thời, hướng người chăn nuôi sản xuất theo tiêu chuẩn của các sản phẩm nhập khẩu.

Hoàng Sơn

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/75717/chon-loc-con-giong--yeu-to-quyet-dinh-thanh-bai-trong-chan-nuoi.html