Chọn lọc giống lúa cho vụ thu đông 2021

So với vụ đông xuân và hè thu, vụ thu đông dù diện tích xuống giống ít hơn nhưng nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, cây trồng thường có năng suất tốt. Do vậy, cần chọn lựa những giống lúa chất lượng cao cho vụ này, tận dụng lợi thế về giá bán dịp cuối năm.

Hạn chế nhóm giống trung bình

Đối với những tỉnh có điều kiện kiểm soát lũ tốt như An Giang, vụ thu đông ngày càng có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Do yêu cầu xả lũ định kỳ đối với các vùng đê bao, trong khi nhiều vùng ở ĐBSCL ngập lũ tự nhiên hoặc điều kiện đặc thù không canh tác được nên diện tích xuống giống vụ thu đông bị hạn chế. Do sản lượng ít nên giá lúa gạo, rau màu, cây ăn trái vụ thu đông thường giá bán cao, mang lại lợi nhuận tốt hơn cho nông dân.

Trong công văn gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố về triển khai một số giải pháp chỉ đạo hoạt động sản xuất trồng trọt năm 2021 (ban hành ngày 25-5), Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm dành nhiều lưu ý cho vụ thu đông 2021. Theo đó, thời vụ xuống giống của vụ lúa này cần thực hiện theo kế hoạch khuyến cáo chung của tỉnh.

Trong cơ cấu giống, cần ưu tiên nhóm giống lúa chất lượng cao chủ lực xuất khẩu (OM5451, OM6976, OM18, OM 7347, OM4900…) với tỷ lệ 50-60%; nhóm giống lúa thơm, đặc sản (ST20, ST24, ST25, RVT, Nàng Hoa 9, VD 20, Jasmine 85...) chiếm tỷ lệ 30%. Nông dân cần hạn chế xuống giống lúa nếp và nhóm giống chất lượng trung bình, như: IR50404, OM576.

Các địa phương cần theo dõi diễn biến của lũ, bão và tăng cường kiểm soát tình hình sản xuất lúa hè thu 2021 để có kế hoạch cụ thể cho vụ thu đông. Thời vụ lúa thu đông 2021 lưu ý thời điểm gieo trồng chính vụ đông xuân 2021-2022, dự báo khả năng di trú của rầy nâu và khả năng xâm nhập mặn sớm (vụ lúa đông xuân 2021-2022 chính vụ xuống giống vào 2 thời điểm tập trung là: từ ngày 15-11 đến 30-11-2021 và từ ngày 15-12 đến 30-12-2021).

Trong đó, ưu tiên sử dụng giống lúa chống chịu với rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá, bệnh cháy lá, cháy bìa lá và giống có độ cứng cây để hạn chế đổ ngã. Từ vụ hè thu sang thu đông 2021, cần có thời gian giãn cách và làm đất, vệ sinh đồng ruộng thật tốt, tiêu hủy nguồn bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, tiêu hủy rơm rạ hoặc sử dụng các hoạt chất phân hủy rơm rạ để hạn chế ngộ độc hữu cơ.

Quan tâm rau màu, cây ăn trái

Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, đối với cây rau màu, biện pháp canh tác tùy thuộc vào điều kiện đất đai, mùa vụ, hệ thống tưới tiêu, đối tượng cây trồng để xác định biện pháp kỹ thuật thâm canh hợp lý mới có hiệu quả cao. Trên đất chuyên màu, cần chú trọng biện pháp luân canh mùa vụ, thiết kế hệ thống tưới hợp lý và bón phân cân đối. Đối với đất chuyển đổi trồng lúa sang trồng màu, cần chú trọng hệ thống tưới, tiêu nội đồng, tuyệt đối không để úng cục bộ; thiết kế liếp trồng thông thoáng, liên vùng, không có hiện tượng lúa màu đan xen. Tùy theo thành phần và độ màu mỡ của đất để bón cân đối NPK, không để thừa đạm dẫn đến gia tăng sâu bệnh, giảm năng suất cây trồng.

Tùy thuộc điều kiện cụ thể của từng vùng sinh thái, ngành chuyên môn có khuyến cáo thời vụ xuống giống cho từng loại cây trồng. Trên cơ sở điều kiện đất đai của mỗi địa phương, định hướng theo nhu cầu thị trường, cần chọn giống phù hợp và hướng dẫn quy trình thâm canh để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, chú ý biện pháp phòng trừ hiệu quả một số đối tượng sinh vật gây hại trên cây trồng chủ yếu.

Đối với khoai mì, cần quản lý tốt nguồn giống sạch bệnh cho sản xuất và theo dõi phòng, chống hiệu quả bọ phấn trắng, tác nhân gây bệnh virus khảm lá trên cây khoai mì. Đối với cây bắp, cần theo dõi và phòng trừ hiệu quả sâu keo mùa thu đang có chiều hướng phát triển và lây lan trên các vùng trồng bắp.

Đối với cây ăn trái, cần tập trung đầu tư thâm canh tăng năng suất và chất lượng cây ăn trái. Cán bộ nông nghiệp khuyến cáo và hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật, như: tỉa cành, tạo tán, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, sản xuất an toàn, có chứng nhận để nâng cao hiệu quả sản xuất. Các địa phương tiếp tục củng cố hệ thống đê bao, bờ bao, hạn chế ảnh hưởng của lũ đối với vùng sản xuất cây ăn trái. Bên cạnh đó, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để bao tiêu sản phẩm, hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Sở NN&PTNT An Giang lưu ý, đối với những vùng khả năng bị hạn hán kéo dài, thiếu nước tưới, cần chuyển đổi cây trồng cạn có nhu cầu nước tưới ít hơn, như: bắp, khoai mì, đậu phộng, mè, đậu các loại... hoặc chuyển dịch mùa vụ gieo trồng để tránh thiệt hại do khô hạn. Đối với vùng có nước tưới, khi chuyển đổi sang cây màu, cần tập trung đầu tư thâm canh để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Trên đất lúa chuyển đổi, cần quy hoạch, bố trí gieo trồng tập trung cùng nhóm cây trồng để dễ điều tiết nguồn nước tưới.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/chon-loc-giong-lua-cho-vu-thu-dong-2021-a304182.html