Chọn ngành 'hot' hay dũng cảm theo lối đi riêng?
Đại học không chỉ đơn giản là một trường để học tập, mà đây sẽ là nơi đào tạo việc làm, vì vậy các thí sinh cần nghiên cứu, lựa chọn kỹ ngành học phù hợp với năng lực.
Chỉ còn ít tháng nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 chính thức bắt đầu, thời điểm này, ngoài tập trung ôn tập, việc tìm hiểu ngành học cũng được các thí sinh quan tâm.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT về tỉ lệ tuyển sinh theo lĩnh vực đào tạo, các ngành Kinh doanh và quản lý (24.54%), Máy tính và công nghệ thông tin (11,79%) là 2 lĩnh vực được thí sinh quan tâm nhất. Tuy nhiên, nhiều nhóm ngành có nhu cầu lao động lớn nhưng tỉ lệ tuyển sinh luôn ở mức thấp như Khoa học tự nhiên (0,44%), Khoa học sự sống (0,64%).
Là một trong những ngành khoa học ứng dụng, phục vụ nhu cầu đời số nhưng ngành Khoa học vũ trụ và Công nghệ vệ tinh hiện nay vẫn còn khá xa lạ với nhiều thí sinh.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, TS. Tống Sĩ Sơn - Phó trưởng khoa Vũ trụ và Ứng dụng, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội đánh giá đây là lĩnh vực chưa được thị trường lao động Việt Nam quan tâm. Mặc dù, đều là những công việc "sát sườn" phục vụ cuộc sống hằng ngày ngày như dự báo thời tiết, dự báo thiên tai, đánh giá tốc độ gió, dự báo lũ lụt,…
"Thực sự rất hiếm sinh viên theo học ngành này, mỗi năm nhà trường chúng tôi dành 30 chỉ tiêu, nhưng khó tuyển được đủ sống lượng. Ngay cả khi đã theo học, nhiều cơ quan đã đến trực tiếp nhà trường để tuyển dụng, nhưng sinh viên cũng không "mặn mà" theo nghề", ông Tống Sĩ Sơn thông tin.
Nội dung học tập ngành Khoa học vũ trụ và Công nghệ vệ tinh theo 3 hướng là Vật lý thiên văn, Viễn thám và Công nghệ vệ tinh.

TS. Tống Sĩ Sơn - Phó trưởng khoa Vũ trụ và Ứng dụng, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.
Cụ thể, đối với Viễn thám, học sinh được học tập để thu thập thông tin, hình ảnh về trái đất. Ví dụ, đối với các quần đảo ở vị trí xa đất liền, con người khó thường xuyên tiếp cận, nhưng có thể dùng ảnh vệ tinh quan sát diễn biến, sự biến đổi tại các quần đảo đó. "Viễn thám là sử dụng vệ tinh để quan trắc, theo dõi những thay đổi của đối tượng trên bề mặt trái đất", TS. Tống Sĩ Sơn cho hay.
Công nghệ vệ tinh là ngành phát triển vệ tinh nhân tạo. Còn Vật lý thiên văn là nghiên cứu những tương tác trong vũ trụ, sự giãn nở của trái đất,…
Về vị trí việc làm, ông Sơn cho biết tùy từng mục đích như cho quân sự, dân sự hay truyền thông mà có rất nhiều viện nghiên cứu, đơn vị phát triển vệ tinh như Viettel, FPT, VegaStart, hay các bộ ngành đều rất "khát" nhân lực.
Các em có thể ứng tuyển tại Trung tâm Vũ Trụ Quốc gia Việt Nam VNSC, Viện Khoa học và Công nghệ Vũ trụ STI, Viện Hàng không Vũ trụ, các công ty, cơ quan sử dụng và phát triển các ứng dụng viễn thám, vệ tinh. Với các vị trí công việc cụ thể như thiết kế, điều khiển và mô phỏng công nghệ vệ tinh, thiết kế vật liệu, thiết bị không gian, phân tích và giải mã dữ liệu không gian. Hay ngành công nghệ viễn thám quan trắc trái đất, theo dõi, đánh giá thảm họa thiên nhiên môi trường,...

Thí sinh nên lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân (Ảnh: Hữu Thắng).
Ở chiều ngược lại, mặc dù một số ngành hiện nay được coi là xu hướng của thị trường, mức lương hấp dẫn, nhưng chuyên gia đánh giá các thí sinh và phụ huynh cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn.
"Một vài năm trở lại đây do được các phương tiện truyền thông nhắc đến nhiều, nên các ngành như Công nghệ thông tin hay Vi mạch bán dẫn được sự quan tâm. Tuy nhiên, các em nên nhớ những ngành "hot" thì lại nhanh "nguội".
Trên thực tế, thí sinh cần nắm rõ bản chất, các ngành liên quan đến công nghệ không phải quá xa vời, đây chỉ là một công cụ mà các em phải biết ứng dụng vào một lĩnh vực cụ thể như sinh học, y học, tâm lý,...", TS. Tống Sĩ Sơn đánh giá.
Ngoài ra, chắc chắn công nghệ sẽ thay đổi từng giờ, điều quan trọng khi chọn ngành này sinh viên phải có nền tảng cơ bản – những kiến thức không bị tác động lớn. Theo ông Sơn, dù là chuyên ngành gì, nhưng nếu muốn theo học các ngành liên quan công nghệ, kỹ thuật, các em phải nắm chắc kiến thức các môn Toán, Lý, Hóa.

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cũng cho rằng thí sinh không nên chọn nghề nghiệp đi ngược xu hướng phát triển, mặc dù vậy, cũng không cần phải quá lo lắng về việc biến đổi công nghệ như hiện nay.
"Dưới tác động của trí tuệ nhân tạo, người lao động sẽ không nhất thiết bị mất việc, mà sẽ chuyển đổi từ vị trí công việc này sang vị trí công việc khác phù hợp hơn. Công nghệ, đặc biệt là AI, ngày càng đóng vai trò hỗ trợ, nâng cao hiệu suất làm việc, chứ không nhằm mục đích thay thế hoàn toàn con người
Tuy nhiên, những ai không chủ động học hỏi và cập nhật kỹ năng công nghệ sẽ có nguy cơ bị thay thế – không phải trực tiếp bởi AI, mà bởi những người biết sử dụng AI một cách hiệu quả", ông Nguyễn Phú Khánh lưu ý.
Ở đây, chuyên gia đưa ra lời khuyên cho phụ huynh và thí sinh cần nghiên cứu lựa chọn ngành học dựa vào sở thích và năng lực.
Năm 2025 là năm đầu tiên khóa học sinh học theo Chương trình GDPT 2018 dự thi tốt nghiệp THPT. Bộ GD&ĐT đã ban hành Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, trong đó tăng số môn thi học sinh có thể lựa chọn. Vì vậy, để bảo đảm cơ hội trúng tuyển cho học sinh đến từ các vùng, miền khác nhau, Quy chế bỏ yêu cầu chương trình đào tạo, mỗi ngành, mỗi chương trình có tối đa 4 tổ hợp xét tuyển; không giới hạn số tổ hợp xét tuyển.