'Chọn nghề để làm chứ không phải chọn trường để học'
Ý thức rõ vai trò quan trọng của công tác hướng nghiệp, các trường THPT đã đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giáo dục nghề nghiệp bằng nhiều hình thức đa dạng nhằm giúp học sinh có lựa chọn đúng đắn nhất cho tương lai.
Cô Nguyễn Thị Nhâm Huyền - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) cho biết: Tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh THPT là hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp các em định hướng ngành nghề học tập, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực bản thân, cũng như hoàn cảnh của gia đình và nhu cầu của xã hội.
Việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh thể hiện qua khâu định hướng phân luồng từ khi các em mới bắt đầu tuyển sinh vào lớp 10, đó là việc phân ban. Các thầy cô sẽ phân tích, giải đáp, đối thoại để phụ huynh và học sinh hiểu rõ về lựa chọn phân ban A hay D cho phù hợp với năng lực, sở trường của mỗi em.
Sau đó, nhà trường lên kế hoạch giảng dạy định hướng nghề nghiệp cho cả ba khối lớp, kết hợp các phương pháp hiệu quả như dạy trên lớp, dạy theo chuyên đề, dạy tích hợp trong các môn như GDCD, Lịch sử, Địa lý... Thông qua các câu lạc bộ của học sinh, GVCN và gia đình hiểu rõ các em có điểm mạnh, điểm yếu, những đam mê, sở thích gì với các ngành nghề.
Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế cho học sinh trong năm học như: Thử làm sinh viên, nông dân, công dân, thăm các nhà máy, xưởng, tham gia nghiên cứu đề tài khoa học, ngày hội khởi nghiệp... Kết hợp các trường đại học trong và ngoài nước tổ chức mỗi năm/lần một ngày hội hướng nghiệp ngay tại trường.
Thầy Nguyễn Xuân Trung - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Long (Bắc Ninh) chia sẻ: Ý thức được tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã thực hiện phân chia học sinh theo các nhóm trình độ để có thể giảng dạy kiến thức một cách sát thực nhất, phù hợp nhất.
Qua đó, nhà trường phân công giáo viên phụ trách giảng dạy có trình độ cao nhất, nhiệt tình tâm huyết, có nhiều thời gian giảng dạy các lớp học sinh thi đại học; động viên các em học sinh yếu kém cố gắng phấn đấu vươn lên trong học tập thông qua đội ngũ giáo viên bộ môn và đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm.
Đến hết học kì I, sang đầu học kì II, nhà trường sẽ tổ chức đánh giá lại chất lượng học sinh nhằm phân hóa triệt để về học lực, phân hóa lớp học theo trình độ, năng lực của học sinh nhằm củng cố, bồi dưỡng kiến thức cho những học sinh đi thi ĐH, CĐ và tăng cường bảo đảm kiến thức cho những em học sinh yếu thi tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên sưu tầm và đăng tải những thông tin mới về công tác tuyển sinh ĐH, CĐ trên website của nhà trường, đồng thời phổ biến rộng rãi tới học sinh. Giáo viên chủ nhiệm khối 12 có trách nhiệm trực tiếp phổ biến kịp thời mọi thông tin về thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tới học sinh, cha mẹ học sinh nhằm giảm thiểu tối đa những học sinh có kết quả học tập không tốt tham gia thi xét vào đại học.
Thầy Lê Văn Thuyết - Hiệu trưởng Trường THPT Yên Khánh A (Ninh Bình) chia sẻ: Việc định hướng nghề nghiệp đúng cho các em không chỉ làm tăng tỷ lệ thí sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng chính quy, mà còn tạo thương hiệu cho nhà trường khi có lượng học sinh khá, giỏi đỗ vào những trường đại học tốp đầu.
Quan điểm xuyên suốt của nhà trường trong tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh là “chọn nghề để làm chứ không phải chọn trường để học”. Theo đó, ngay từ đầu các năm học, nhà trường tổ chức rà soát chất lượng của học sinh các khối lớp để phân loại học sinh, bàn giao chất lượng cho giáo viên phụ trách.
Đồng thời chỉ đạo tổ, nhóm bộ môn và giáo viên xây dựng chương trình và nội dung dạy học cho phù hợp với từng đối tượng học sinh và giúp học sinh làm quen với quy chế thi, rèn kỹ năng vận dụng kiến thức, kỹ năng trình bày, kỹ năng làm bài thi.
Đặc biệt, để tư vấn, định hướng nghề nghiệp có hiệu quả, nhà trường đã thay đổi hình thức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh theo hướng thiết thực hơn với các em, như tổ chức các buổi nói chuyện, chuyên đề, hội thảo, hoạt động trải nghiệm, qua đó giúp học sinh xác định năng lực, sở trường và nguyện vọng của mình.