Chọn nghề để vững khởi nghiệp, sáng tương lai

Chiều 30-10, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) phối hợp Báo Tuổi trẻ, Trung tâm Truyền hình Thông tấn, Trường Cao đẳng Truyền hình phát động cuộc thi viết 'Tôi chọn nghề' lần hai và cuộc thi video clip 'Giáo dục nghề nghiệp: Thực học, thực hành - Vững khởi nghiệp, sáng tương lai'.

Ảnh: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Ảnh: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Hai cuộc thi nói trên hướng tới tăng cường nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp (GDNN); giúp các bạn trẻ có nhận thức đúng về định hướng nghề nghiệp. Đồng thời, giới thiệu, quảng bá các hoạt động GDNN đặc biệt với thông điệp “Giáo dục nghề nghiệp: Thực học, thực hành - Vững khởi nghiệp, sáng tương lai”.

Lễ phát động nằm trong chuỗi hoạt động của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp triển khai thực hiện Kế hoạch truyền thông về giáo dục nghề nghiệp năm 2019. Mục đích của hai cuộc thi nhằm tăng cường nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp; giúp các bạn trẻ có nhận thức đúng về định hướng nghề nghiệp; giới thiệu, quảng bá các hoạt động giáo dục nghề nghiệp đặc biệt là thông điệp “Giáo dục nghề nghiệp: Thực học, thực hành - Vững khởi nghiệp, sáng tương lai”. Khuyến khích và thúc đẩy các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các học sinh, sinh viên, các nhà báo và mọi người tham gia truyền thông về GDNN; tuyên truyền, cổ vũ cho những bạn trẻ mạnh dạn theo học tại các cơ sở GDNN; giới thiệu hình ảnh các cá nhân đã thành công khi lựa chọn GDNN; giúp các bậc phụ huynh, các em học sinh và xã hội tìm hiểu về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, về ngành nghề, nghề nghiệp để có lựa chọn đúng đăng, theo đúng sở thích, đam mê.

Tại lễ phát động, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quân nêu lên một thực trạng hiện nay là sinh viên chưa nắm bắt được điểm mạnh, điểm yếu của mình nên khi ra trường, các em còn bỡ ngỡ trong công việc. Bên cạnh đó, nhiều trường chưa có chương trình giảng dạy sát với yêu cầu của doanh nghiệp. Công tác hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp cho trẻ em, học sinh, sinh viên và cả người đi làm vẫn còn là điểm yếu. Để phát triển một thị trường lao động năng động, linh hoạt và có chất lượng cao, chúng ta cần chú trọng công tác này.

Theo Thứ trưởng Lê Quân, hai cuộc thi do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các đơn vị phát động rất ý nghĩa. Năm nay, cuộc thi tiếp tục với tinh thần đổi mới và bổ sung cuộc thi video clip. Mục tiêu cao hơn nữa là cần truyền thông cho thí sinh, phụ huynh, xã hội biết danh mục ngành nghề trong xã hội. Mỗi ngành nghề đó làm công việc gì, quyền lợi và nghĩa vụ như thế nào,cơ hội phát triển, thăng tiến trong lộ trình nghề nghiệp ra sao... Tất cả điều đó giúp các học sinh và phụ huynh cùng hiểu, chia sẻ, động viên con cháu, giới trẻ học nghề để có lựa chọn nghề nghiệp tương lai tốt cho bản thân. Năm ngoái, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã phát triển App Chọn nghề - chọn trường khá đồng bộ. Tuy nhiên, cần phát triển hơn nữa để mỗi cá nhân biết được, muốn làm nghề này sẽ phải chọn học tại đâu.

Thứ trưởng nhấn mạnh, xã hội hiện nay cần hướng nghiệp tốt để mọi người chọn nghề nghiệp phù hợp sở trường của mình, có cơ hội học tiếp, nâng cao và phát triển kỹ năng nghề nghiệp. Qua đó hướng đến xã hội trọng kỹ năng, trọng năng lực hơn trọng bằng cấp.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng, Chính phủ đã có nhiều giải pháp, nâng cao hoạt động truyền thông hướng nghiệp. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành kế hoạch ba năm về truyền thông dạy nghề. Việc thay đổi nhận thức là điều hết sức có ý nghĩa. Nhờ truyền thông tích cực, hai năm gần đây, tuyển sinh học nghề đã vượt con số 2,2 triệu người được đào tạo nghề. Tuy nhiên điều này chưa tương xứng với lực lượng lao động gần 55 triệu người của nước ta. Dự tính, đến năm 2025, Việt Nam có 4,4 triệu lao động và đến năm 2030 là 6,6 triệu lao động được học nghề.

* Cuộc thi "Tôi chọn nghề" là sáng kiến của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Báo Tuổi trẻ, được tổ chức phát động lần đầu tiên vào tháng 10-2017.

Nội dung của Cuộc thi viết “Tôi chọn nghề” lần hai là những bài viết kể về những câu chuyện, suy nghĩ có thật về lựa chọn nghề, lựa chọn GDNN của cá nhân, nhân vật khi xã hội vẫn coi trọng con đường đại học. Đối tượng tham gia là học viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước, người đã tốt nghiệp từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, học sinh các trường THPT, THCS dự định sẽ chọn trường nghề để học. Phụ huynh có con đã, đang và dự định sẽ cho con học trường nghề. Các nhà văn, nhà báo, độc giả quan tâm đến giáo dục nghề nghiệp ở trong và ngoài nước.

Cuộc thi video clip “Giáo dục nghề nghiệp: Thực học, thực hành - Vững khởi nghiệp, sáng tương lai” lần đầu tiên được phát động, có sự phối hợp tổ chức của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với Trung tâm Truyền hình Thông tấn và Trường Cao đẳng Truyền hình. Nội dung của các tác phẩm dự thi phản ánh, giới thiệu về cơ sở GDNN; giới thiệu, mô tả các ngành nghề cơ sở đang trực tiếp đào tạo. Đối tượng tham gia là các cơ sở GDNN.

Thời gian nhận bài của hai cuộc thi đến hết ngày 29-2-2020.

LAN VŨ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/42080602-chon-nghe-de-vung-khoi-nghiep-sang-tuong-lai.html