Chọn người để tiếp nối

Romania là thành viên cuối cùng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cản trở nhưng rồi đổi ý để ông Mark Rutte, thủ tướng sắp mãn nhiệm của Hà Lan, được bầu làm người kế nhiệm tổng thư ký hiện tại là ông Jens Stoltenberg.

NATO lẽ ra đã phải thay lãnh đạo từ hồi mùa hè năm ngoái. Tuy nhiên, sự bất đồng về nhân sự cụ thể khiến ông Stoltenberg phải tại nhiệm thêm một năm.

Theo quy định chung trong NATO, chức vụ tổng thư ký luôn do người của một thành viên NATO ở châu Âu đảm nhận trong khi cương vị chỉ huy quân sự chung cho NATO thuộc về người của Mỹ. Ông Stoltenberg làm tổng thư ký NATO từ gần 10 năm nay, thời gian dài thứ hai trong lịch sử tổ chức này.

Ông Rutte sắp mãn nhiệm sau khi làm thủ tướng Hà Lan liên tục 14 năm. Ông hiện là người đứng đầu nhà nước và chính phủ tại nhiệm liên tục lâu nhất ở các thành viên châu Âu của NATO. Điều này có nghĩa ông rất dày dạn kinh nghiệm chính trường ở châu Âu và thông thuộc mọi đường lớn, ngõ hẻm tối sáng trong NATO. Nhưng ông Rutte được các thành viên NATO lựa chọn chủ yếu còn vì những lý do liên quan trực tiếp đến thời thế hiện tại.

Ông Mark Rutte (trái), thủ tướng sắp mãn nhiệm của Hà Lan, và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại trụ sở NATO ở thủ đô Brussels – Bỉ hôm 17-4 Ảnh: Reuters

Ông Mark Rutte (trái), thủ tướng sắp mãn nhiệm của Hà Lan, và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại trụ sở NATO ở thủ đô Brussels – Bỉ hôm 17-4 Ảnh: Reuters

Thời ông Stoltenberg làm tổng thư ký là thời kỳ sóng gió đối với NATO. Tổ chức này sa sút nghiêm trọng vì sự rệu rã và phân rẽ nội bộ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng coi NATO là liên minh bị chết não. Cựu Tổng thống Donald Trump từng dọa rút Mỹ khỏi NATO.

Ông Trump sau đó không tái đắc cử tổng thống Mỹ, ông Joe Biden vào Nhà Trắng cùng với việc Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đã giúp NATO sống lại. NATO tận dụng cơ hội để khôi phục vai trò, ảnh hưởng và vị thế chính trị an ninh từng có ở châu Âu.

Thách thức lớn nhất đối với NATO bây giờ là giúp Ukraine đánh bại Nga chứ không phải chỉ có không thua Nga, đồng thời làm cho Nga bị suy yếu về chính trị an ninh và quân sự đến mức không còn gây ra được bất cứ thách thức gì đối với các thành viên NATO ở châu Âu.

Thách thức lớn nữa là phải ràng buộc Mỹ vào NATO, sao cho mọi sự thay đổi tổng thống ở Mỹ không đẩy NATO vào cuộc khủng hoảng "tồn tại hay không tồn tại" như đã xảy ra thời ông Trump, người đang trên đường đua trở lại Nhà Trắng một lần nữa.

Dù vậy, nhìn vào quá trình thu nạp Phần Lan và Thụy Điển làm thành viên vừa qua, vào việc trợ giúp Ukraine về quân sự và tài chính cũng như vào quan điểm chính sách đối với Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, có thể thấy nội bộ NATO vẫn phân rẽ và rối ren.

Trong bối cảnh như thế, ông Rutte được NATO xem là lựa chọn nhân sự thích hợp nhất cho vị trí tổng thư ký để giúp họ vừa tiếp tục yên ổn tồn tại và hàn gắn rạn nứt, vừa tiếp nối định hướng chiến lược và chính sách đối với Ukraine và Nga, đưa NATO trở thành tác nhân quyền lực quyết định nhất đối với hòa bình, an ninh và ổn định ở châu Âu ở thời hậu xung đột Nga - Ukraine.

Ngải Sa

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chon-nguoi-de-tiep-noi-196240622200024763.htm