Chọn quê hương để khởi sự làm giàu

Với lợi thế là người địa phương, am hiểu về những thế mạnh cũng như hạn chế nơi mình sinh sống, thời gian qua, nhiều thanh niên, nông dân tại các địa phương đã khai thác các tiềm năng của địa phương mình để làm giàu với các mô hình du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, hoặc tạo ra những sản phẩm độc đáo từ nông sản địa phương...

Những gia đình trẻ về vui chơi ở Nông trại Dốc Mơ (H.Thống Nhất)

Những gia đình trẻ về vui chơi ở Nông trại Dốc Mơ (H.Thống Nhất)

Sự đóng góp từ chính những người trẻ, những nông dân này đã tạo nên sự phong phú, thúc đẩy ngành du lịch, dịch vụ phát triển khá mạnh tại các vùng quê điển hình như: H.Tân Phú, H.Định Quán, H.Vĩnh Cửu với các mô hình du lịch sinh thái và sản phẩm nông nghiệp uy tín; H.Nhơn Trạch, TP.Long Khánh, TP.Biên Hòa, H.Trảng Bom... cũng xuất hiện nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, quảng bá các loại đặc sản địa phương...

* Khi “thổ địa” làm du lịch

Là người sinh ra và lớn lên ngay trên mảnh đất bìa rừng của Vườn quốc gia Cát Tiên, những năm gần đây, trước nhu cầu khách du lịch đến nghỉ dưỡng, khám phá ngày càng tăng, anh Cao Thanh Long, chủ nhà nghỉ Bìa Rừng (xã Nam Cát Tiên, H.Tân Phú) đã sử dụng đất của gia đình xây dựng 8 phòng nghỉ cho khách du lịch thuê.

Ngoài kinh doanh nhà nghỉ, anh Long còn là một thanh niên am hiểu địa bàn cũng như khu vực Vườn quốc gia Cát Tiên, do đó anh thiết kế nên những tour đi thuyền trên sông để ngắm rừng, xem thú từ dưới sông, cũng như giúp khách trải nghiệm du lịch rừng trong Vườn quốc gia Cát Tiên theo yêu cầu. Với công việc này, anh Long tạo được lượng khách riêng ổn định cho mình.

Một ví dụ tương tự của xu hướng khởi nghiệp trên quê hương là anh Thân Văn Linh, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch trải nghiệm Trị An Adventure (H.Vĩnh Cửu). Anh Linh cho biết, bằng sự nhiệt huyết, yêu thiên nhiên, công ty của anh tuy mới hoạt động vài năm trở lại đây nhưng lượng khách đăng ký các tour khám phá rừng tăng khá mạnh. Sự phát triển thị trường tạo động lực cho anh Linh quyết tâm xây dựng và giữ vững thương hiệu của mình, hoàn thiện dần cách phục vụ khách hàng. Anh Thân Văn Linh chia sẻ, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng hiện tại, công ty của anh đã nhận đủ khách hàng phục vụ trong tháng 7 và 8, khách hàng chủ yếu là gia đình, nhóm bạn đến từ TP.HCM.

Những năm gần đây, Đồng Nai phát triển du lịch hướng tới dạng sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên. Khá nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành được thành lập, trong đó phải kể đến lực lượng người trẻ làm du lịch với lợi thế là người hiểu biết rõ về địa phương mình, do đó, không ít doanh nghiệp trẻ đã khá thành công ngay trên chính quê hương của mình như: Công ty TNHH Du lịch chim bói cá Việt, Công ty TNHH Du lịch Chuyến đi vàng, Công ty TNHH Du lịch Khánh Loan...

* Quảng bá nông sản địa phương

Không chỉ phát triển du lịch, nhiều nông dân đã tìm tòi, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp từ chính những nông sản được trồng tại chỗ. Điển hình trong đó phải kể đến một số sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng hiện nay như: trà khổ qua rừng của Công ty TNHH Khổ qua rừng Hiệp Vân (TP.Long Khánh); các sản phẩm từ ca cao của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán); các món ăn từ bưởi tại Làng bưởi Tân Triều (H.Vĩnh Cửu), sản phẩm từ hạt sen tại H.Nhơn Trạch...

Anh Phạm Ngọc Thọ (xã Gia Tân 3, H.Thống Nhất), Giám đốc HTX Nông trại Dốc Mơ cho biết, nông trại của anh được nhiều người biết đến vì ngoài việc bán các loại rau, cá cho người dân xung quanh, đây còn là nơi để du khách đến tham quan, hít thở không khí trong lành. Ngoài ra, những trải nghiệm làm các công việc nhà nông như tự ủ phân xanh bón cho cây trồng; cách nuôi heo, nuôi gà, vịt bằng cám, bắp, rau vườn... Đặc biệt, trong sinh hoạt hằng ngày, con người ở nông trại đều sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, từ nước tắm, nước gội... đều làm từ cây cỏ, thảo dược trong vườn. Với cách làm này, Nông trại Dốc Mơ đã xây dựng được tên tuổi riêng cho mình, thu hút khá nhiều khách tham quan, nhất là các gia đình. Du khách sau khi tham quan, nghỉ dưỡng tại nông trại đều trở thành khách hàng tiêu thụ các sản phẩm rau sạch của nông trại lâu dài.

Đồng Nai là tỉnh dẫn đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới, hiện tỉnh đang đẩy mạnh chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đây là điều kiện để các nông dân tiếp tục tạo ra những sản phẩm đặc trưng, tạo thương hiệu riêng cho các địa phương, vừa làm nông nghiệp chất lượng cao vừa kết hợp làm du lịch nông nghiệp; một hướng đi mới, có tiềm năng kinh tế lớn đang được một số địa phương định hướng cho nông dân khá tốt.

Thủy Mộc

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202007/chon-que-huong-de-khoi-su-lam-giau-3010829/