Chộn rộn với chuẩn kế toán quốc tế

Dự thảo Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế vào Việt Nam (IFRS) Bộ Tài chính ban hành mới đây, đang hối thúc các doanh nghiệp hoàn thiện các quy trình nội bộ theo chuẩn mực mới.

Vẫn còn xảy ra những tranh luận giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp khi các cơ quan này nhận bộ báo cáo tài chính theo IFRS từ phía các doanh nghiệp

Vẫn còn xảy ra những tranh luận giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp khi các cơ quan này nhận bộ báo cáo tài chính theo IFRS từ phía các doanh nghiệp

Việt Nam đang chậm công bố áp dụng

Theo thống kê của Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB), tính đến nay đã có 131/143 quốc gia và vùng lãnh thổ tuyên bố về việc cho phép áp dụng IFRS dưới các hình thức khác nhau (chiếm tỷ lệ 93% các nước được IASB khảo sát).Trong đó, có 119/143 quốc gia và vùng lãnh thổ yêu cầu bắt buộc sử dụng các chuẩn mực của IFRS đối với tất cả hoặc hầu hết đơn vị lợi ích công chúng trong nước.

Việt Nam một trong số ít quốc gia chưa có tuyên bố về việc áp dụng IFRS. Khó khăn lớn nhất là do thị trường vốn, thị trường tài chính trong nước phát triển chưa đủ mạnh, một số công cụ tài chính như: trái phiếu chuyển đổi, công cụ phái sinh, cổ phiếu ưu đãi… chưa được giao dịch phổ thông. Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm trong việc thực hiện giao dịch và hạch toán các nội dung kinh tế liên quan, nên không phải lúc nào cũng có thể cung cấp thông tin về giá trị tài chính hợp lý một cách đáng tin cậy.

Theo các chuyên gia về kế toán – kiểm toán tại Công ty Deloitte Việt Nam, có ít nhất 3 thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam gặp phải khi áp dụng IFRS. Thứ nhất, chuẩn mực kế toán hiện tại của Việt Nam và chuẩn mực IFRS có quá nhiều khác biệt cơ bản.

Thứ hai, chuẩn IFRS mặc dù được cập nhật liên tục nhưng hiện vẫn thiếu những quy định hạch toán kế toán cho một số khoản mục trong chuẩn mực kế toán của Việt Nam.

Thứ ba, chi phí cho việc áp dụng chuẩn mực kế toán IFRS quá lớn. Trong khi, không phải doanh nghiệp nào tại Việt Nam hiện nay cũng cần phải gấp rút chuyển đổi chuẩn mực kế toán do chưa có những ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh.

Ngoài các thách thức trên, Deloitte Việt Nam cho rằng, bản thân Cơ quan Thuế của Việt Nam hiện nay cũng chưa nắm rõ về các chuẩn mực của IFRS nên khi làm theo chuẩn mực kế toán này, chênh lệch giữa thu nhập chịu thuế và lợi nhuận kế toán sẽ ngày càng khác biệt. Do vậy, vẫn còn xảy ra những tranh luận giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp khi các cơ quan này nhận được bộ báo cáo tài chính theo IFRS từ phía các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, rào cản về ngôn ngữ rất đáng kể đối với việc doanh nghiệp áp dụng chuẩn IFRS vì tất cả tài liệu, quy định về chuẩn mực kế toán này đều được trình bày và giải thích bằng tiếng Anh, trong khi đó hơn 80% doanh nghiệp Việt Nam là công ty nhỏ và vừa, không có nhiều lợi thế về mặt ngoại ngữ và tỷ lệ doanh nghiệp có liên quan vốn với đối tác nước ngoài không lớn.

Theo các chuyên gia tại Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) không thể phủ nhận việc áp dụng chuẩn mực IFRS sẽ khiến dòng vốn ngoại vào Việt Nam theo các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) được đẩy mạnh hơn rất nhiều so với hiện tại.

Tuy nhiên, lộ trình khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi hệ thống kế toán cần được tính toán phù hợp. Các quy định pháp lý liên quan đến hướng dẫn chuyển đổi hệ thống kế toán cần được hoàn thiện trước. Sau đó có thể thử nghiệm thí điểm ở nhóm các công ty niêm yết. Từ kinh nghiệm xử lý những nội dung, quy định không phù hợp giữa hai chuẩn mực kế toán, xử lý các tranh chấp liên quan giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế trong quá trình chuyển đổi hệ thống kế toán thì mới có thể áp dụng rộng rãi và hiệu quả mà không xảy ra xáo trộn, thậm chí khủng hoảng ở một số doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh.

Tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp

Bộ Tài chính - cơ quan dự thảo đề án này đưa ra lộ trình áp dụng chuẩn kế toán IFRS tại Việt Nam chia thành 2 giai đoạn. Theo đó, từ năm 2022 – 2025 các bộ, ngành địa phương sẽ tập trung cho phép các doanh nghiệp lớn tự nguyện áp dụng IFRS. Sau năm 2025, trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả của giai đoạn 1, dự án sẽ mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng theo hướng vừa có đối tượng bắt buộc, vừa có trường hợp tự nguyện áp dụng IFRS.

Ông Trịnh Đức Vinh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) cho hay, từ nay đến 2021, cơ quan này sẽ ban hành các Thông tư hướng dẫn việc áp dụng IFRS và công bố bản dịch IFRS từ tiếng Anh sang tiếng Việt, đồng thời xây dựng và ban hành các tài liệu hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ thực hiện IFRS và đào tạo nguồn nhân lực, quy trình triển khai cho các doanh nghiệp. Đến cuối năm 2024, Bộ Tài chính sẽ ban hành bổ sung 17 chuẩn mực VAS mới và xây dựng lại bộ VAS dựa trên hệ thống IFRS theo nguyên tắc tiếp thu tối đa thông lệ quốc tế, phù hợp với đặc thù của nền kinh tế, nhu cầu của doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Trần Trọng Hải - Trưởng phòng Công nghệ và Tài chính Deloitte Việt Nam, cũng cho biết, hiện đơn vị này đã xây dựng và chia sẻ mô hình hệ thống đa sổ kế toán, tích hợp sổ kế toán IFRS (Leading Ledger) và sổ kế toán VAS (Non-leading ledger). Đây là giải pháp quản trị tài chính hiện đại cho doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Deloitte Việt Nam sẽ mở rộng tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các mô hình kế toán này kết hợp ứng dụng công nghệ tự động hóa để tiến tới áp dụng các chuẩn mực IFRS theo đúng chuẩn mực quốc tế cho doanh nghiệp tại Việt Nam.

Trong khi đó, quan sát trên thị trường chứng khoán, hiện nay các công ty niêm yết thuộc VN30 (nhóm có vốn hóa lớn nhất trên HoSE) đã có khoảng 10 doanh nghiệp thực hiện công bố song song báo cáo tài chính theo cả chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và IFRS.

Tuy nhiên, đa số các công ty này đều mới chỉ thực hiện chuyển đổi báo cáo tài chính sang chuẩn mực IFRS theo yêu cầu của cổ đông nước ngoài và nhằm mục đích so sánh giúp nhà đầu tư ngoại đưa ra quyết định đầu tư. Vì vậy, việc tiếp tục cập nhật các mô hình kế toán tích hợp và hỗ trợ các công ty niêm yết đào tạo nhân lực kế toán là vẫn rất cần thiết và cần được đẩy mạnh để khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi.

Thạch Bình

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/chon-ron-voi-chuan-ke-toan-quoc-te-91612.html