Chọn sách giáo khoa minh bạch, chất lượng

Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, bắt đầu từ năm học 2021-2022, học sinh lớp 2 và lớp 6 trên cả nước thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với sách giáo khoa mới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội đang khẩn trương lựa chọn sách giáo khoa bảo đảm đúng quy trình, công khai, minh bạch, chất lượng, tạo nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục.

Ngành Giáo dục Hà Nội đang triển khai nhiều biện pháp để bảo đảm việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 minh bạch, chất lượng. Trong ảnh: Một tiết học của học sinh lớp 6 Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng (quận Cầu Giấy). Ảnh: Nguyễn Quang

100% giáo viên được tiếp cận sách mới

Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết, làm căn cứ để các địa phương triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với học sinh lớp 2 và lớp 6 từ năm học 2021-2022. Điểm mới so với chương trình hiện hành chỉ có một bộ sách giáo khoa, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều bộ sách giáo khoa. Bộ đã phê duyệt danh mục 32 sách giáo khoa lớp 2 và 40 sách giáo khoa lớp 6 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Tại Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thông báo tới các phòng giáo dục và đào tạo về danh mục sách giáo khoa; xây dựng kế hoạch lựa chọn sách; phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức hội nghị giới thiệu sách giáo khoa lớp 2 theo hình thức trực tuyến. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ Lê Hồng Vũ cho biết, việc tổ chức giới thiệu sách giáo khoa theo hình thức trực tuyến vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, vừa tạo điều kiện để tất cả giáo viên dạy lớp 2 tiếp cận với sách mới. Trực tiếp nghe các chủ biên, tác giả sách giáo khoa giới thiệu về tính ưu việt của từng cuốn sách, những điểm mới trong nội dung, phương pháp tiếp cận..., giáo viên có thêm căn cứ lựa chọn sách giáo khoa phù hợp.

Về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) Khuất Thị Hồng Điệp thông tin: "Giáo viên của trường mong sớm được tiếp cận với sách giáo khoa lớp 6; được trực tiếp trao đổi, chia sẻ những băn khoăn với các tác giả sách để chuẩn bị kỹ về mọi mặt trước khi thực hiện nhiệm vụ".

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến, ngày 13 và 14-3 tới, Sở sẽ tổ chức hội nghị giới thiệu sách giáo khoa lớp 6 với cách thức như đã triển khai đối với lớp 2, bảo đảm 100% giáo viên dạy lớp 2, lớp 6 năm học 2021-2022 được nghe giới thiệu về sách mới.

Tạo nền tảng nâng chất lượng giáo dục

Nếu như năm học 2020-2021, các nhà trường tự quyết định lựa chọn sách giáo khoa để giảng dạy, thì theo Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26-8-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, năm học 2021-2022, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa dựa trên căn cứ đề xuất của các nhà trường để lựa chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 theo đúng quy trình, minh bạch, tạo nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Phương Hoa cho biết, nhà trường đã rà soát, lập danh sách giáo viên đảm nhận dạy các lớp 2, trong đó có cả số lượng giáo viên dự phòng. Các giáo viên đang tập trung nghiên cứu sách thông qua mạng internet từ các địa chỉ được Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp; tổ chức thảo luận để xác định rõ hơn các ưu điểm, tính phù hợp của từng cuốn sách.

Còn theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm) Đỗ Hải Yến, nhà trường yêu cầu giáo viên đọc kỹ Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT để nắm rõ nguyên tắc lựa chọn sách giáo khoa. Nhằm bảo đảm quy trình chọn sách minh bạch, chất lượng, các tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên nghiên cứu, thảo luận, đánh giá các sách giáo khoa. Giáo viên sẽ bỏ phiếu kín chọn ít nhất 1 sách giáo khoa cho môn học mà mình dạy.

Cô giáo Đặng Hoàng Hà, giáo viên dạy lớp 2, Trường Tiểu học Giáp Bát (quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Đội ngũ giáo viên chúng tôi hiểu rõ trách nhiệm trong việc nghiên cứu, đưa ra quyết định chọn sách chất lượng, công tâm. Chúng tôi sẽ nghiên cứu thật kỹ sách giáo khoa mới, thẳng thắn bày tỏ những băn khoăn, từ đó đưa ra các đề xuất lựa chọn cuốn sách phù hợp nhất”.

Liên quan đến nội dung này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, Sở đã xây dựng, trình UBND thành phố phê duyệt các tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, làm căn cứ để giáo viên chọn cuốn sách phù hợp. Quy trình tổ chức lựa chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 được thực hiện 6 bước theo quy định tại Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT. Dự kiến chậm nhất vào đầu tháng 4-2021, thành phố Hà Nội sẽ phê duyệt danh mục sách giáo khoa để sử dụng trong các nhà trường.

“Để danh mục sách giáo khoa đưa vào sử dụng thực sự chất lượng, các nhà trường cần quan tâm, tạo điều kiện để giáo viên nghiên cứu sách bằng nhiều hình thức. Khi đề xuất lựa chọn sách, ngoài các nội dung chuyên môn, giáo viên cần lưu ý về sự phù hợp của sách đối với điều kiện dạy học tại địa phương và học sinh”, ông Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/993183/chon-sach-giao-khoa-minh-bach-chat-luong