Chọn SGK theo danh mục được phê duyệt: Hiệu trưởng quyết định đầu sách
Ngay sau khi UBND phê duyệt danh mục SGK lớp 2, lớp 6 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn từ năm học 2021 - 2022, sở GD&ĐT các tỉnh/thành có hướng dẫn các trường để quyết định lựa chọn...
Tổ chuyên môn đề xuất, hiệu trưởng quyết định
Theo danh mục phê duyệt SGK của TPHCM, môn Tiếng Anh lớp 2 có 3 đầu sách được phê duyệt gồm Family and Friends - National Edition (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), i-Learn Smart Start (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM) và Phonics-Smart (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TPHCM).
Tương tự, với môn Tiếng Anh khối 6 có 3 đầu sách được phê duyệt gồm Friends Plus (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), i-Learn Smart World (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM) và Right-on (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM). Môn Giáo dục công dân có 2 đầu sách được phê duyệt đều của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: Trong buổi làm việc với UBND TP về kế hoạch lựa chọn SGK của hai hội đồng tiểu học và THCS, sở GD&ĐT có xin ý kiến của lãnh đạo TP về vấn đề này. Theo ý kiến chỉ đạo, với những bộ môn được phê duyệt từ 2 đầu sách trở lên sẽ giao quyền lựa chọn SGK cho hiệu trưởng dựa trên cơ sở ý kiến đề xuất của hội đồng bộ môn, tổ trưởng chuyên môn.
Nguyên tắc lựa chọn các SGK có từ 2 đầu sách trở lên được phê duyệt, đặc biệt là SGK tiếng Anh cần căn cứ vào sự phù hợp với điều kiện giảng dạy của giáo viên, điều kiện học tập của lớp; căn cứ vào yếu tố nội thành hay ngoại thành, nhất là phải phù hợp với năng lực, trình độ của học sinh, mang tính kế thừa quá trình học tiếng Anh của học sinh ở các cấp học dưới.
Trong một trường, tổ bộ môn có thể lựa chọn cả 2, 3 quyển sách để dạy, tùy theo lớp, học sinh. Tuy nhiên, phải tuân thủ nguyên tắc, mỗi học sinh chỉ phải mua một SGK, không mua nhiều hơn, ảnh hưởng đến quyền lợi và việc học. Dĩ nhiên, các em vẫn có thể tham khảo thêm SGK được trang bị ở thư viện của trường.
Giáo viên được quyền tham khảo các quyển sách khác nhau để xây dựng kế hoạch bài học phù hợp với học sinh. Khi giáo viên hướng dẫn học sinh học và làm bài tập chỉ được chọn 1 SGK đã được phê duyệt.
Ông Nguyễn Văn Hiếu lưu ý thêm: Với học sinh lớp 6, để chọn được SGK phù hợp với năng lực, trường cần căn cứ vào kết quả học tập lớp 5 của các em, đặc biệt căn cứ vào chương trình học sinh đã học ở lớp 5.
Sở sẽ có văn bản cụ thể để hướng dẫn các nhà trường quyết định lựa chọn SGK của các môn học có từ 2 đầu sách trở lên. Theo đó, trong tháng 4, nhà trường phải có quyết định lựa chọn được cuốn sách nào sử dụng trong nhà trường ở các môn học. Sau khi lựa chọn xong, việc tập huấn SGK mới sẽ được triển khai đúng tiến độ.
Giáo viên yên tâm
Thầy Lê Ngọc Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình, Quận 4 chia sẻ: Sau khi UBND TP phê duyệt danh mục SGK lớp 2, nhà trường đã thông tin ngay tới giáo viên, phụ huynh để nắm rõ. Nhà trường cũng đăng kí mua các đầu sách để trang bị cho thư viện, phục vụ cho việc tham khảo của các thầy cô.
Về cơ bản SGK được phê duyệt giống như SGK mà các tổ chuyên môn của trường đề xuất nên rất thuận lợi. Với môn Tiếng Anh, trường đề xuất chọn SGK i-Learn Smart Start - đầu sách này cũng là 1 trong 3 đầu sách được UBND TP phê duyệt.
Theo thầy Phong, trên cơ sở kế thừa năm học trước, các thầy cô giáo đều chủ động, sẵn sàng thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018 triển khai cho lớp 2 trong năm học tới.
Tương tự, cô Trần Thúy An - Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức (Quận 1) cho hay: Nhà trường đã thông tin đầy đủ danh mục sách lớp 6 được TP phê duyệt tới giáo viên. Trường cũng liên hệ để đặt mua các đầu sách được phê duyệt (Toán, Ngữ văn, Sinh… mỗi sách 10 cuốn) để giáo viên dạy lớp 6 tiếp tục nghiên cứu kĩ hơn, cũng như trang bị cho thư viện nhà trường. Giáo viên khối 6 đã tham gia lớp bồi dưỡng, tập huấn với bộ môn Khoa học tự nhiên, Sử - Địa do sở và Trường ĐH Sài Gòn tổ chức và đang chờ kế hoạch tập huấn SGK.
Ở Trường Minh Đức, có tổ bộ môn nghiên cứu, đề xuất lựa chọn SGK không nằm trong danh mục SGK được UBND TPHCM phê duyệt, nhà trường cũng thông tin cụ thể và các thầy cô đều yên tâm. Bởi triển khai chương trình mới, giáo viên sẽ dạy học theo chuẩn kĩ năng, kiến thức, còn SGK chỉ là tài liệu tham khảo. Vì thế giáo viên sẽ không rập khuôn, cứng nhắc phụ thuộc vào sách mà chủ động tìm hiểu, tham khảo các bộ SGK đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt, từ đó linh hoạt sử dụng ngữ liệu phù hợp nhất với học sinh, bảo đảm việc dạy học hiệu quả.
Còn tại Cần Thơ, sau khi sở GD&ĐT ban hành văn bản hướng dẫn chọn SGK lớp 2, lớp 6 theo danh mục được phê duyệt, các đơn vị giáo dục đã chủ động công tác truyền thông, hướng dẫn và tổ chức chọn lựa.
Bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thủy thông tin: Có 16 đơn vị trường (11 trường tiểu học và 5 trường THCS) có SGK đề xuất không nằm trong danh mục SGK được phê duyệt của UBND thành phố, chủ yếu ở môn Toán và môn Thể dục. Do đó, phòng đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức lựa chọn SGK trong danh mục sách được lựa chọn.
Đồng thời, Phòng GD&ĐT quận Bình Thủy cũng chỉ đạo các đơn vị tuyên truyền danh mục SGK được UBND thành phố phê duyệt và SGK được nhà trường chọn sử dụng trong năm học 2021 - 2022 đến giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, các cấp chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS…
Cô Trần Thị Bé Sáu, Hiệu trưởng Trường THCS Trà An, quận Bình Thủy cho biết: SGK lớp 6 môn Toán mà các giáo viên tổ Toán đã đề xuất không nằm trong danh mục phê duyệt của UBND thành phố. Nhà trường đã chỉ đạo tổ Toán họp và làm lại quy trình lựa chọn sách, dựa trên 2 SGK lớp 6 môn Toán được UBND phê duyệt theo quy trình ban đầu.
Hầu hết các trường ở TP Cần Thơ đã tổ chức họp hội đồng trường và thông tin danh mục SGK được phê duyệt đến tất cả cán bộ, giáo viên, đồng thời chỉ đạo các tổ chuyên môn họp tổ và làm lại quy trình lựa chọn sách nếu SGK đề xuất không có trong danh mục phê duyệt của UBND thành phố.