Chọn vấn đề mới để thu hút sự tham gia của hội viên danh dự

Tính đến giữa tháng 6/2024, Hội LHPN tỉnh Nghệ An đã công nhận 799 hội viên danh dự, trong đó có 90% là nam giới.

 Lãnh đạo Hội LHPN xã Nam Cát (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) trao quyết định công nhận và tặng hoa chúc mừng các hội viên danh dự

Lãnh đạo Hội LHPN xã Nam Cát (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) trao quyết định công nhận và tặng hoa chúc mừng các hội viên danh dự

Đó là những cá nhân có uy tín, tầm ảnh hưởng trong cộng đồng, có quá trình tham gia hỗ trợ các hoạt động Hội, tương trợ, giúp đỡ hội viên, phụ nữ…

"Xác định việc huy động sự tham gia, vào cuộc của hội viên danh dự là nam giới trong giải quyết các vấn đề của phụ nữ và trẻ em là việc mới và khó nên chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền đến các cấp Hội, để cán bộ Hội hiểu rõ quan điểm, chủ trương, từ đó tuyên truyền để tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, nam giới trong tham gia các hoạt động của Hội", bà Hoàng Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Nghệ An, cho biết.

Theo bà Hoàng Thị Thu Hiền, trong quá trình thu hút hội viên danh dự là nam giới, từ lãnh đạo đến cán bộ là nam giới ở cộng đồng, có một điểm dễ nhận thấy ở các anh là tinh thần trách nhiệm cao trong mỗi phần việc tham gia.

Do vậy, việc huy động sự tham gia của hội viên danh dự là nam giới trong các hoạt động Hội luôn được cân nhắc dựa trên mức độ công việc, từ đó mà huy động nhiều hay ít.

"Chúng tôi ưu tiên những việc mới, việc khó, cần hội viên danh dự là nam giới làm nòng cốt để lan tỏa. Ví dụ, khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cái khó chính là thay đổi nhận thức, phá vỡ các rào cản, tập tục không còn phù hợp, ngăn cản sự phát triển của phụ nữ. Những việc như vậy cần có sự vào cuộc của nam giới có uy tín trong cộng đồng", bà Thu Hiền chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Nghệ An, để vận động nam giới tham gia các phong trào, hoạt động Hội, cán bộ Hội cần lưu ý 4 điều sau. Một là, cần thể hiện phong cách làm việc khoa học, từ đó thu hút, thuyết phục được người khác cùng tham gia.

Muốn vậy, người cán bộ Hội cần hiểu rõ việc mình đang làm, thiết kế các đầu việc một cách bài bản, cần giúp người mình đang vận động tham gia hiểu rằng, các vấn đề đang được quan tâm giải quyết không chỉ là vấn đề của riêng phụ nữ mà là vấn đề của toàn xã hội. Nếu giải quyết được các vấn đề đó, nam giới cũng là người được thụ hưởng thành quả.

Hai là, các vấn đề Hội LHPN cần tác động là các vấn đề có yếu tố giới cao. Vì vậy, bản thân cán bộ Hội phải hiểu về vấn đề giới, để khi tham dự, nam giới có những thắc mắc thì cán bộ Hội phải phân tích để họ nhận thức, hiểu được bản chất của vấn đề, thuyết phục được họ tin tưởng và tham gia.

Ba là, phương pháp thuyết phục cần phải mềm dẻo, linh hoạt, uyển chuyển và bền bỉ. Cần chọn lọc đối tượng để tham gia, không thể ôm đồm tất cả mà phải chọn được những người phù hợp, có mong muốn ủng hộ hoạt động của phụ nữ, của Hội, là người có tiếng nói, ảnh hưởng trong cộng đồng.

Chính họ là những người sẽ lan tỏa những giá trị tích cực của phong trào, hoạt động Hội đến cộng đồng.

Bốn là uy tín của người cán bộ Hội, được thể hiện qua thái độ, hình ảnh, hành động… để thuyết phục được nam giới tham gia hoạt động của Hội.

Trần Lê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chon-van-de-moi-de-thu-hut-su-tham-gia-cua-hoi-vien-danh-du-20240710152625141.htm