Chọn vùng xa để giúp học trò nghèo
Cô Võ Thị Tuyết Nga đã tình nguyện đến vùng cao, vùng xa dạy học để chia sẻ cuộc sống khó khăn của học sinh nghèo nơi đây. Cô mong sao học trò đừng vì khó khăn, nghèo đói mà đầu hàng số phận, phải chiến thắng hoàn cảnh để vươn lên học tập tốt
Hơn 10 năm nay, mỗi khi công việc mệt mỏi, khó khăn, tôi lại mở nghe bài hát "Một đời người một rừng cây" của nhạc sĩ Trần Long Ẩn. Những ca từ xúc động vang lên: "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?". Tôi bồi hồi nghĩ về người bạn thời đại học của mình - Võ Thị Tuyết Nga. Đó là "người thầy đặc biệt" của tôi, người truyền cho tôi động lực luôn nhiệt huyết với nghề giáo dù còn nhiều khó khăn, vất vả.
Nữ sinh sư phạm giàu nghị lực
Năm 2008, tôi và Nga gặp nhau khi cùng là sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM. Trong hơn 100 sinh viên khoa sử đến từ mọi miền Tổ quốc, tôi đặc biệt ấn tượng với Nga vì bạn không chỉ học giỏi, thành thạo công nghệ thông tin mà còn rất hay giúp đỡ mọi người.
Các buổi học trên giảng đường, Nga luôn đưa ra tình huống sư phạm để chúng tôi thảo luận sôi nổi. Khi tập giảng, bạn thường ứng dụng công nghệ thông tin để trình chiếu, làm bài giảng thêm hấp dẫn. Khi chúng tôi lúng túng chưa biết soạn Powerpoint như thế nào, Nga đều vui vẻ giúp tôi và những bạn khác.
Nga rất nhiệt tình và năng nổ với các hoạt động tình nguyện. Lúc nào tôi cũng thấy bạn tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết.
Tôi nhớ hồi học năm thứ hai, khi chúng tôi cùng được học bổng của trường, Nga đã rủ tôi đi mua sách cũ. Chúng tôi đi dọc các vỉa hè để mua những quyển sách, tờ báo cũ với giá rất rẻ. Nga nói bạn mua về để gửi cho các em ở quê.
Lúc ấy, tôi mới biết Nga sinh ra trong gia đình nông dân nghèo ở xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Từ bé, bạn đã phải xa mẹ vì mẹ đi làm thuê trong miền Nam. Hồi học cấp III, nhà Nga không có cả đồng hồ nên bạn toàn phải canh gà gáy để thức dậy. Nhà chỉ có chiếc xe đạp cà tàng ưu tiên cho Nga đi học. Tờ mờ sáng, bạn đạp xe 10 km đường dốc núi lầy lội để đến lớp.
Suốt thời gian đi học, Nga chưa bao giờ được ăn sáng, toàn nhịn đói đến trường. Bữa sáng là điều xa xỉ với gia đình Nga nên bạn nhịn đói đi học đã quen. Trưa đi học về, Nga phải nấu cơm nhanh cho cha ăn trưa để tiếp tục đi làm, rồi nấu cám heo, cắt cỏ thuê, đi làm cỏ bắp, cỏ đậu, cỏ kê, trồng rau màu, làm nương rẫy. Quần quật cả ngày mệt lả người, đến tối khi lo xong công việc nhà cửa, bạn mới có thời gian học bài.
Cuộc sống khó khăn, vất vả khiến Nga nhận thức rằng chỉ có học mới giúp thay đổi số phận, cuộc sống tốt hơn. Chính vì thế nên bạn rất chăm chỉ, tích cực học. Để trang trải cuộc sống sinh viên, Nga làm thêm cho tiệm photocopy kiếm tiền và học thêm được nhiều kỹ năng dùng máy tính. Giờ tôi mới hiểu cô gái nhỏ nhắn ấy nghị lực như thế nào.
"Sống sao cho đáng sống"
Thế là từ đấy, chúng tôi trở thành đôi bạn cùng tiến. Cho đến năm 2012 tốt nghiệp ra trường, với thành tích tốt, tôi luôn nghĩ hai đứa sẽ cùng ở lại TP HCM dạy học. Nhưng cuối cùng, chỉ tôi ở lại, còn Nga xung phong về dạy tại Trường THCS-THPT Bắc Sơn - một trường miền núi khó khăn ở xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Ngày chia tay, Nga chỉ dặn: "Huế ở lại TP HCM công tác, mình lên miền núi gieo chữ cho các em, để các em đừng vì khó khăn mà buông xuôi việc học. Ở đó vất vả nhưng các em cần mình. Mình muốn giúp đỡ những em khó khăn đừng tự ti, mặc cảm. Mình chỉ có một cuộc đời, phải sống sao cho đáng thì thôi".
Đã hơn 10 năm từ buổi chia tay ấy, Nga vẫn từng ngày cần mẫn với công việc của mình, âm thầm gieo ước mơ, khát vọng vượt khó vươn lên vào lòng các học sinh vùng cao. Dù cùng ở tỉnh Quảng Bình nhưng trường Nga dạy cách nhà hơn 150 cây số, đường sá xa xôi đi lại khó khăn nên bạn phải ở lại trong trường. Cả tuần, có khi 2 tuần bạn mới về thăm nhà. Mỗi lần về nhà, Nga chỉ kịp nhìn con nhỏ chốc lát rồi lại phải nhanh chóng về trường ngay để kịp dạy. Nhiều lúc con nhỏ bị bệnh phải đi viện mà bạn không thể về chăm.
Thương học sinh vùng cao vô cùng nên Nga đành gửi lại con thơ ở nhà cho ông bà ngoại chăm sóc, còn bạn tiếp tục tập trung vào công việc "trồng người". Nhiều lúc nhớ thương con quá, Nga lại dồn tình thương cho học trò - xem như con em mình mà dạy dỗ.
Rất nhiều học sinh khó khăn nhờ sự quan tâm giúp đỡ của cô chủ nhiệm Nga mà được tiếp tục đi học. Khi học trò không có sách vở để học, cô Nga xin thư viện hỗ trợ, cho mượn sách miễn phí. Cô còn tự bỏ tiền túi ra mua quà đi thăm những học sinh đau ốm hoặc tự mua đồ dùng, dụng cụ học tập thưởng cho những em khó khăn nhưng học tốt. Mỗi lần về thăm nhà, Nga lại mang gạo, đồ ăn, nhu yếu phẩm lên trường. Khi học trò phải nhịn đói đi học, cô lại dành phần cơm mình nấu cho các em…
Nghĩ về Nga, tôi biết mình phải sống ý nghĩa và có ích hơn. Cảm ơn "người thầy đặc biệt" giúp tôi có thêm niềm tin, động lực để thêm yêu thương học sinh và cháy hết mình với nghề.
Giúp đỡ nhiều học sinh khó khăn
Cô Nga cùng với Đoàn trường đã thực hiện nhiều chương trình văn nghệ "Thắp sáng ước mơ", kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ học sinh khó khăn. Cô nhờ chính quyền địa phương và các đoàn thể giúp đỡ, tạo điều kiện cho các em khó khăn yên tâm học tập.
Ngoài ra, cô Nga còn liên hệ cung cấp thông tin đến các cơ quan báo đài nhờ giúp đỡ những trường hợp khó khăn của học sinh mình. Nhiều năm qua, cô đã giúp đỡ, hỗ trợ nhiều học sinh khó khăn có điều kiện học tập tốt hơn.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chon-vung-xa-de-giup-hoc-tro-ngheo-196240128203555313.htm