Chồng 15 năm điều trị ung thư phổi động viên vợ chữa trị ung thư vú
Bản thân ông Sang đã có 15 năm gắn bó với BV K để điều trị ung thư phổi giai đoạn muộn và đã chiến thắng nên khi đưa vợ đi khám, biết vợ mắc ung thư vú ông rất vững vàng động viên, khuyên vợ nên tuân thủ điều trị.
Năm 2005, ông Phan Văn Sang (khi đó 52 tuổi) tại Phú Thọ bỗng phát hiện mình mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn 3 chỉ với một vài dấu hiệu ho thông thường, đau ở vai. Khi đó, khối u có kích thước 10cm, u nằm ở vị trí khó.
“Tôi không đứng vững nổi, các con cháu trong gia đình cũng tỏ ra lạc quan, động viên nhưng tôi hiểu chứ, lúc đó tôi nghĩ thời gian của mình chắc không còn được lâu”-ông Sang nhớ lại.
Bệnh ở giai đoạn muộn không thể thực hiện phẫu thuật, ông Sang được điều trị bằng 35 mũi xạ và truyền hóa chất. Sau 1 năm điều trị ở tuyến dưới, năm 2006, bệnh lại tái phát, ông được chỉ định nhập viện tại BV K (cơ sở Quán Sứ). Tại đây, trải qua 10 đợt truyền hóa chất và sau đó là uống thuốc hàng năm, hiện giờ sức khỏe của ông Sang ổn định sau 15 năm.
“Điều khiến tôi có được kết quả như hôm nay, phải cảm ơn cô Huyền bác sỹ. Tôi ấn tượng mãi, nhiều lần chia sẻ thôi cô cho tôi dừng điều trị đi, bệnh nặng quá rồi lại tái phát, nghĩ điều trị không khỏi đâu. Nhưng sự ân cần, nhẹ nhàng của cô Huyền khiến tôi và nhiều bệnh nhân khác vực dậy tinh thần để điều trị. Có được ngày hôm nay tôi phải cảm ơn cô Huyền. Vợ tôi mới chẩn đoán ung thư vú, điều tôi nghĩ đến đầu tiên là gọi cho cô Huyền để mong cô ấy điều trị cho bà nhà tôi”-ông Sang chia sẻ.
TS-BS. Phùng Thị Huyền, Trưởng khoa Nội Quán Sứ, BV K (người có vai trò quan trọng góp phần vào quá trình điều trị cho bệnh nhân Sang) cho biết: Không phải ai cũng may mắn vượt qua ung thư phổi giai đoạn muộn được 15 năm, nhưng điều này không phải là không thể xảy ra. Trường hợp người bệnh như bác Sang là minh chứng rõ nhất, chỉ cần người bệnh quyết tâm điều trị, tuân thủ phác đồ bác sỹ đưa ra và giữ tinh thần thoải mái thì kết quả điều trị rất khả quan.
“Sức khỏe và tâm lý vững tin của người bệnh có tầm quan trọng như nhau. Người bệnh cần điểm tựa tinh thần để có thể chiến đấu cả hành trình dài. Mỗi người bệnh có thể sẽ điều trị 1 năm, 2 năm thậm chí lâu hơn, họ ở bệnh viện, gặp bác sỹ nhiều hơn là ở nhà cùng người thân. Vì vậy tôi và các đồng nghiệp luôn coi họ như người thân trong nhà, cùng lắng nghe, cùng chia sẻ, động viên để họ luôn có tâm lý sẵn sàng, quyết tâm, như vậy là được phân nửa hành trình chiến thắng bệnh tật”, BS. Huyền chia sẻ.
Được chồng tiếp sức và bác sỹ động viên, chia sẻ, vợ ông Sang-bà Phạm Thị Khanh cũng vững tâm, tin tưởng tuân thủ điều trị. “Thấy ông nhà tôi vượt qua rồi thì tôi cũng không thấy quá lo lắng vì bệnh tình của mình nữa. BS. Huyền bảo bệnh của tôi phát hiện ở giai đoạn sớm nên giờ tâm lý cứ thoải mái, uống thuốc đầy đủ, tái khám thường xuyên, yên tâm là sẽ được như chồng tôi”, bà Khanh bộc bạch.