Chồng bị rắn hổ chúa cắn, vợ rụng rời khi nghe khả năng ngưng thở 90%

Nghe tin chồng bị rắn độc cắn, tiên lượng nặng có thể tử vong bất cứ lúc nào, Bích Ngọc mất bình tĩnh, không thể kìm được nước mắt ngay trong hành lang bệnh viện.

 Bị rắn hổ chúa cắn, người đàn ông phải nhập viện gấp. Ảnh: BVCC.

Bị rắn hổ chúa cắn, người đàn ông phải nhập viện gấp. Ảnh: BVCC.

Cho đến nay, khi chồng gần như đã khỏi và đang theo dõi để xuất viện, Bích Ngọc (27 tuổi), vợ bệnh nhân P.H.Q. (30 tuổi) bị rắn hổ chúa cắn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, vẫn không khỏi hốt hoảng khi nhớ lại khoảnh khắc khi nghe bác sĩ thông báo về tình trạng của chồng.

"Ngồi ở ngoài nghe bác sĩ bảo chồng mình tiên lượng rất nặng, có khả năng 80-90% ngừng thở, tôi rụng rời chân tay", Ngọc hồi tưởng.

Vô tình bị rắn cắn khi trên đường tìm ong

Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, Ngọc cho hay chồng mình, anh Q., làm nghề thợ hồ, là lao động chính của cả gia đình. Ngọc làm nội trợ, ở nhà chăm con, thỉnh thoảng làm thợ xát vỏ hạt điều.

Từ đầu năm đến nay, tình hình công việc không ổn định, anh Q. thường lên rừng kiếm mật ong về bán để kiếm thêm thu nhập.

Sáng 26/6, như thường lệ, anh Q. lên rừng kiếm mật ong. Đi được nửa giờ, anh vô tình thấy một con rắn lạ. Trong lúc bắt rắn, nạn nhân bị con vật cắn vào mặt ngoài tay phải.

Sau khi bị cắn, anh Q. thấy con vật có nhiều điểm lạ nên bỏ bao và mang về nhà.

"Thấy anh về, tôi hỏi mới biết anh bị rắn cắn. Con vật trông rất lạ, tôi và chòm xóm không thể phát hiện đây là loại rắn nào. Lúc này, trong người tôi đã dấy lên cảm giác bất an", Ngọc kể.

 Vết rắn cắn ở tay trái của bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Vết rắn cắn ở tay trái của bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Khoảng 15-20 phút sau khi về nhà, anh Q. bắt đầu có biểu hiện nhức đầu, mờ mắt. Ngọc ngay lập tức gửi con, chở chồng đi bệnh viện, không quên mang con rắn chồng mình bắt được theo.

Đến cổng Bệnh viện Bà Rịa, anh Q. nói với vợ nghi ngờ rằng mình bị rắn độc cắn vì mờ mắt, không thấy được gần như mọi thứ trước mắt.

Tại khoa Cấp cứu, sau khi xem xét con rắn ngoe nguẩy trong bao, các bác sĩ cũng không thể nhận diện được loại rắn này.

"Mãi sau đó, một nam bác sĩ bảo với chúng tôi đây là rắn hổ chúa. Tôi mới bắt đầu tá hỏa vì Bệnh viện Bà Rịa thông báo không có huyết thanh kháng nọc loại rắn này, phải chuyển chồng tôi lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM)", Ngọc bày tỏ.

Lúc này, anh Q. đã có hiện tượng sụp mí, suy hô hấp, được đặt ống nội khí quản, thở máy và chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy.

Đi được nửa đường, bệnh nhân không thở được, cố gắng ra dấu cho y tá theo xe bóp bóng cho anh.

"Nắm tay anh trong cả quãng đường, tim tôi nảy theo từng nhịp, đầu tôi quay cuồng khi nghĩ về mọi thứ, về anh, về tương lai của gia đình, nhất là về 2 đứa con còn nhỏ", Ngọc kể.

Sau 45 phút di chuyển, anh Q. được chuyển vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy rồi chuyển lên phòng hồi sức, khoa Bệnh Nhiệt đới.

"Khi được thông báo về tình hình của chồng, tôi rụng rời chân tay, chân không nhấc lên nổi. Ra đến hành lang, tôi khóc không thành tiếng nguyên ngày hôm đó vì thương chồng, thương con, lo lắng cho tương lai của gia đình", Ngọc nhớ lại.

Anh Q. sau đó được truyền 10 lọ huyết thanh kháng nọc độc rắn trong 2 lần. Con rắn được chuyển về trung tâm bảo tồn và chăm sóc rắn ngay sau đó.

Sau 24 tiếng bị rắn cắn, anh tỉnh táo, cai được máy thở, sức cơ trở về hoàn toàn bình thường. Vết cắn vẫn còn sưng nề ở mặt ngoài bàn tay, lan đến cánh tay nhưng không có tình trạng nặng hơn.

Đến ngày thứ 5 sau khi nhập viện, anh Q. đã được chuyển ra khỏi phòng hồi sức tích cực. Anh được xuất viện chiều hôm 2/7, tình trạng sức khỏe hồi phục bình thường.

Nọc rắn hổ chúa có thể giết chết một con voi

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết hổ chúa là loài rắn trên cạn có nọc độc nhất tại Việt Nam.

Nọc độc của rắn hổ chúa không phải là mạnh nhất trong số các loài rắn độc nhưng chứa nhiều độc tố thần kinh và cytotoxin. Những chất này khi tác động đến các trung tâm hô hấp ở não có thể khiến nạn nhân ngừng thở và suy tim.

Do đó, chỉ với một lần cắn, lượng nọc rắn hổ chúa tiết ra có thể đủ lớn để giết chết 20 người, thậm chí là một con voi.

 Nọc rắn hổ mang có thể giết chết một con voi trong một lần cắn. Ảnh: WCS.

Nọc rắn hổ mang có thể giết chết một con voi trong một lần cắn. Ảnh: WCS.

Theo bác sĩ Hùng, khi bị rắn hổ chúa cắn, bên cạnh bị sưng và đau ở vết cắn, nạn nhân cũng gặp tình trạng tương tự ở các hạch trên hệ bạch huyết như hạch nách, bẹn khoeo, khuỷu ở vùng bị cắn.

Tình trạng liệt thường xuất hiện sau khi bị rắn cắn 3-20 giờ. Biểu hiện gồm nhiều cấp độ, từ sụp mí, đau họng, nói khó, há miệng hạn chế, ứ đọng đờm rãi đến nặng hơn là liệt cơ hô hấp và các chi, tụt huyết áp, buồn nôn, đau bụng, suy thận cấp, thậm chí tử vong.

Theo BSCKII Đỗ Thị Ngọc Khánh, Phó trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, người bị rắn hổ chúa cắn có nguy cơ nhiễm độc thần kinh, suy hô hấp, liệt cơ, rối loạn nhịp tim, diễn tiến nặng sẽ dẫn đến ngưng tim... Ngoài ra, bệnh nhân còn có nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, có thể phải lọc máu.

"Một số người dân không phân biệt được rắn độc hay không. Vì vậy, bạn tuyệt đối không nên bắt rắn. Khi không may bị rắn cắn, người dân nên đến ngay các cơ sở y tế để kịp thời xử lý, tránh biến chứng", bác sĩ Khánh nói.

Khi bị cắn, nếu bắt được chúng, người dân nên mang theo mang bệnh viện để nhận diện được loại rắn. Từ đó, thầy thuốc có hướng điều trị thích hợp, kịp thời cấp cứu cho bệnh nhân.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/chong-bi-ran-ho-chua-can-vo-rung-roi-khi-nghe-kha-nang-ngung-tho-90-post1444836.html