Chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp tết

Dịp tết, khi nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân tăng mạnh cũng là thời điểm hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả diễn biến phức tạp. Các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đang tích cực triển khai các biện pháp nghiệp vụ; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm... để bảo vệ người tiêu dùng.

Đội QLTT số 2 kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Đội QLTT số 2 kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Thực hiện kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và Cục Quản lý thị trường (QLTT), Đội QLTT số 10 đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ, đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đến ngày 7/1, đội đã phát hiện, kiểm tra và xử lý 1.791kg thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; thực phẩm hết hạn sử dụng và nhập lậu như chân gà, chân gà rút xương, thịt sấy khô, mít sấy, tràng và trứng non, chân giò ủ muối, xúc xích các loại... Đơn vị đã trình cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 123 triệu đồng và tiến hành tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.

Cũng trong những ngày đầu tháng 1/2025, các lực lượng chức năng liên tục phát hiện các vụ việc liên quan đến vận chuyển, buôn bán hàng giả. Điển hình như Công an huyện Thường Xuân phát hiện, bắt giữ gần 1 tấn hàng hóa nghi làm giả bột giặt, hạt nêm của các hãng nổi tiếng như: Omo, Aba, Knorr, Vì Dân... Kết quả điều tra, xác minh cho thấy, số hàng hóa này được 2 đối tượng trú trên địa bàn huyện Nông Cống và huyện Thường Xuân sản xuất. Tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở của 2 đối tượng, lực lượng công an phát hiện các nguyên liệu để sản xuất bột giặt và hạt nêm giả cùng nhiều công cụ, bao bì, nhãn mác.

Tại huyện Thọ Xuân, ngày 6/1 Đội QLTT số 14 phối hợp với Công an huyện Thọ Xuân tạm giữ 66 tấn phân bón mang nhãn hiệu Rồng Mỹ và Việt Xô có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Đội trưởng Đội QLTT số 14 Nguyễn Huy Bình cho biết: Qua xác minh ban đầu, số hàng hóa này là của Công ty Công nghệ Sao Đỏ có địa chỉ tại xã Vạn Thắng (Nông Cống) làm giả mạo nhãn hiệu hàng hóa đã đăng ký bảo hộ của Công ty CP Năm Thao có địa chỉ tại huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Công ty Công nghệ Sao Đỏ ký gửi lô hàng hóa này tại hộ kinh doanh của ông Nguyễn Đình Năm để phân phối.

Theo Cục QLTT, trong năm 2024 đơn vị đã xử lý 1.143 vụ vi phạm, thu hơn 9,8 tỷ đồng. Cũng theo đánh giá của đơn vị, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đang có những diễn biến phức tạp hơn với các thủ đoạn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngày càng tinh vi, đòi hỏi lực lượng chức năng luôn phải trang bị, tập huấn biện pháp nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả đấu tranh.

Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Lê Thế Anh cho biết: Là lực lượng thường trực, nòng cốt của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, kế hoạch cao điểm sẽ tiếp tục được đơn vị chỉ đạo các đội QLTT trực thuộc triển khai quyết liệt, hiệu quả. Thông qua công tác trinh sát, nắm bắt địa bàn, đơn vị sẽ tiến hành kiểm tra các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại. Các hành vi gian lận thương mại như đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật... sẽ bị xử lý nghiêm, góp phần ổn định thị trường, lưu thông hàng hóa thông suốt, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng; đồng thời khuyến khích phát triển sản xuất, đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa với chất lượng, giá cả hợp lý, tạo điều kiện cho Nhân dân vui xuân, đón tết lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Bài và ảnh: Tùng Lâm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/chong-buon-lau-gian-lan-nbsp-thuong-mai-hang-gia-dip-tet-236986.htm