Chống buôn lậu, gian lận thương mại qua dịch vụ bưu chính chuyển phát
Thương mại điện tử kéo theo sự phát triển nhanh chóng của dịch vụ chuyển phát hàng hóa, nhất là qua dịch vụ bưu chính. Bên cạnh những thuận lợi cho cả người bán hàng và mua hàng như: Tổ chức dịch vụ nhanh chóng, hàng chuyển tận tay người nhận, dịch vụ này đang bị lợi dụng để vận chuyển hàng cấm, hàng lậu khiến công tác chống gian lận thương mại ngày càng phức tạp. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Thương mại điện tử kéo theo sự phát triển nhanh chóng của dịch vụ chuyển phát hàng hóa, nhất là qua dịch vụ bưu chính. Bên cạnh những thuận lợi cho cả người bán hàng và mua hàng như: Tổ chức dịch vụ nhanh chóng, hàng chuyển tận tay người nhận, dịch vụ này đang bị lợi dụng để vận chuyển hàng cấm, hàng lậu khiến công tác chống gian lận thương mại ngày càng phức tạp.
Theo báo cáo của ngành chức năng từ đầu năm đến nay, tình trạng vi phạm vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, tài liệu vi phạm pháp luật qua đường bưu chính chuyển phát diễn ra phổ biến trên địa bàn toàn quốc. Tại tỉnh ta, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc gian lận thương mại thông qua các dịch vụ bưu chính chuyển phát ở cả khâu tiếp nhận và lưu thông hàng hóa. Trong đó, tháng 4-2020, Công an tỉnh đã phát hiện vụ việc buôn bán vật liệu lắp ráp súng hơi tự chế qua dịch vụ bưu chính giữa hai đối tượng ở Quảng Ninh và Nam Định. Tang vật gồm có: 46 ống nhôm các loại, 214 viên đạn và các phụ kiện sản xuất súng hơi. Tại cơ quan điều tra, hai đối tượng đã khai nhận đã thực hiện giao dịch mua bán qua mạng xã hội và thống nhất gửi hàng hóa qua dịch vụ bưu chính với hình thức Ship COD (đơn vị vận chuyển hàng hóa chủ động thu tiền cước và thu hộ tiền hàng của người mua). Tiếp đó, tháng 9-2020, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh) phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), lực lượng Hải quan và Bưu điện tỉnh đã phát hiện và triệt xóa thành công đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia, từ Cộng hòa Liên bang Đức về Nam Định tiêu thụ qua đường bưu điện. Lực lượng chức năng đã bắt 2 đối tượng liên quan đến vụ án và thu giữ 20 nghìn viên ma túy tổng hợp giấu trong hộp sữa. Trong năm 2020, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) cũng liên tục phát hiện nhiều vụ việc lợi dụng dịch vụ bưu chính chuyển phát để lưu thông hàng lậu, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ với số lượng lớn hàng hóa, trị giá hàng trăm triệu đồng lưu thông trên thị trường dưới danh nghĩa là hàng gửi chuyển phát tới địa chỉ người nhận. Trong đó ngày 16-3-2020, Đội QLTT số 1 phối hợp với Đội Tuần tra kiểm soát số 2 - Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) kiểm tra xe ô tô BKS 18C-04490 do ông Đỗ Văn Tam, địa chỉ xã Hải Phú (Hải Hậu) điều khiển vận chuyển hàng hóa đã qua sử dụng do nước ngoài sản xuất gồm: 114 bếp ga các loại; 28 dàn nóng, lạnh các loại; 20 máy hút ẩm; 5 quạt để bàn và 6 chiếc xe máy các loại, trên nhãn hàng hóa thể hiện do nước ngoài sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ kèm theo hàng hóa theo quy định đảm bảo cho việc lưu thông. Theo lời khai ban đầu của lái xe, số hàng hóa trên do nhiều chủ hàng khác nhau đến nhà xe gửi vận chuyển thuê đến rất nhiều địa chỉ, thậm chí có nhiều món hàng không có địa chỉ người nhận cụ thể, người được gửi tự liên hệ với lái xe để nhận hàng. Lực lượng chức năng đã thu giữ toàn bộ hàng hóa và tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài những vụ việc trên, còn rất nhiều vụ việc gian lận thương mại thông qua hình thức chuyển phát hàng hóa. Những mặt hàng được phát hiện trong thời gian này chủ yếu là rượu, quần áo, vải, nhu yếu phẩm, mỹ phẩm nhập lậu, hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc; ngoài ra, còn có một số mặt hàng bánh mứt kẹo, chất phụ gia, cơ khí, công nghiệp, điện tử, đồ chơi… Mọi việc quản lý hàng hóa, giao hàng cho khách rồi nhận tiền đều do lái xe đảm nhận, chủ hàng thường không đi theo xe, không trình diện, cơ quan chức năng buộc phải lập biên bản và xử lý theo diện hàng vắng chủ. Điều này hạn chế việc mở rộng điều tra của lực lượng chức năng để xử lý triệt để, bóc dỡ các đường dây gian lận thương mại. Nguyên nhân của tình trạng lợi dụng dịch vụ bưu chính, chuyển phát để lưu thông hàng cấm, hàng giả xuất hiện nhiều trong thời gian qua được cơ quan chức năng xác định do thương mại điện tử phát triển, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến giãn cách thị trường. Bên cạnh đó trên địa bàn tỉnh ta số lượng các doanh nghiệp tổ chức dịch vụ bưu chính chuyển phát phát triển quá nhanh với gần 30 doanh nghiệp nhưng mới chỉ có 16 đơn vị đã được Sở Thông tin và Truyền thông cấp văn bản thông báo xác nhận hoạt động bưu chính. Phần lớn các doanh nghiệp, cá nhân cung ứng các dịch vụ chuyển phát hàng hóa theo quy mô nhỏ, tự phát bằng phương tiện cá nhân, không thực hiện đầy đủ các quy định về tiếp nhận hàng hóa chuyển phát và nhân viên được tập huấn nghiệp vụ giao dịch chuyển phát bưu phẩm nên không hạn chế việc gian thương lợi dụng để gian lận thương mại. Đó là chưa kể đến việc cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá thành vận chuyển, bỏ qua các khâu kiểm soát hàng hóa đầu vào khi tiếp nhận. Điều kiện vận chuyển dễ dàng, chủ hàng lại cố tình lợi dụng kẽ hở để vận chuyển hàng hóa, sẵn sàng chấp nhận bỏ hàng mà không xuất đầu lộ diện nếu bị lực lượng chức năng phát hiện… đã khiến tình hình gian lận thương mại qua dịch vụ chuyển phát ngày càng phức tạp.
Lợi dụng vận chuyển hàng cấm, hàng lậu qua đường bưu chính là một thủ đoạn không mới nhưng ngày càng tinh vi và khó xử lý bởi vướng một số quy định của pháp luật. Theo quy định hiện nay, cơ quan bưu chính và các doanh nghiệp làm dịch vụ chuyển phát thay mặt cho khách hàng kê khai hàng hóa và làm các thủ tục hải quan. Vì vậy khi phát hiện bưu gửi có vi phạm, truy tìm người chịu trách nhiệm rất khó vì người gửi thường dùng địa chỉ giả, còn người nhận khi biết đó là hàng cấm hoặc phải đóng thuế cao thì từ chối nhận. Bất cập này tồn tại từ khá lâu nhưng khó thay đổi, vì đó là thể lệ bưu chính và phải tuân thủ theo thông lệ quốc tế. Đối với hàng hóa vận chuyển trong nước bằng đường hàng không sẽ chỉ bị kiểm tra ở đầu nhập hàng và đầu cuối trả hàng, không bị kiểm tra trong quá trình vận chuyển như đường bộ. Hơn thế nữa hàng hóa được kẹp chì, dán niêm phong, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, phát hiện, xử lý gian lận. Để kịp thời ngăn chặn tình trạng trên, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Công an tỉnh, Cục QLTT, Bưu điện tỉnh tổ chức tập huấn công tác bảo đảm an toàn, an ninh trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính chuyển phát cho cán bộ Phòng Văn hóa cấp huyện phụ trách lĩnh vực thông tin và truyền thông, trưởng Bưu điện văn hóa xã và các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ bưu chính chuyển phát trên địa bàn tỉnh. Có kế hoạch tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa qua dịch vụ bưu chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong quá trình vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp thực hiện tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó chú trọng đối với phương thức thông qua dịch vụ bưu chính để vận chuyển hàng hóa nhập lậu, không để hình thành, phát sinh các điểm nóng, phức tạp về buôn lậu trong hoạt động này. Trong đó lực lượng Hải quan tập trung kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ đối với hàng hóa được vận chuyển thông qua hoạt động dịch vụ chuyển phát nhanh trong địa bàn kiểm soát hải quan; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Lực lượng Công an, QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tuyến trọng điểm, các điểm dịch vụ bưu chính, các cơ sở kinh doanh có sử dụng hóa đơn bán hàng, hóa đơn giá trị gia tăng, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó cũng cần sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ bưu chính viễn thông để đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động bưu chính./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương