Chống buôn lậu: Nắm phương thức, thủ đoạn để đấu tranh có hiệu quả

Nhằm bình ổn thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý hàng lậu, hàng giả và hàng vi phạm an toàn thực phẩm.

Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra cơ sở gia công, lắp ráp sạc điện thoại, ipad giả mạo nhãn hiệu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra cơ sở gia công, lắp ráp sạc điện thoại, ipad giả mạo nhãn hiệu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Mỗi năm lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý hàng nghìn vụ việc về thực phẩm không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng lậu… để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bình ổn thị trường. Song với nguồn thu lợi bất chính là không nhỏ, nhiều đối tượng sẵn sàng nộp phạt, thậm chí chia nhỏ công đoạn sản xuất-kinh doanh để len lỏi vào thị trường.

Vì vậy, để đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm này đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ và căn cơ hơn, có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, địa phương và cả người dân cùng doanh nghiệp.

Thật giả lẫn lộn

Ngày 4/4, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh phụ kiện điện thoại tại địa chỉ 141 Lạc Long Quân, quận Cầu Giấy.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 11.200 sạc điện thoại, máy tính bảng giả mạo nhãn hiệu của một thương hiệu nổi tiếng được bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Với những sản phẩm thu được tại cơ sở này, đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết toàn bộ bo mạch, vỏ sạc dùng để lắp ráp là hàng không rõ nguồn gốc.

Đáng chú ý, các sản phẩm sau khi hoàn chỉnh được bán với giá thấp hơn nhiều so với hàng chính hãng và chủ hành vừa bán trực tiếp hoặc trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội.

Không chỉ xuất hiện ở các mặt hàng tiêu dùng thông thường, nhiều mặt hàng thiết yếu như thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng hay sản phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch cũng là "mồi ngon" để các gian thương trục lợi.

Trước đó, ngày 30/3, Đội Quản lý thị trường số 1 đã thu giữ được một số sản phẩm viên sủi Vitamin BEEROCAC+ tại địa bàn quận Thanh Xuân. Theo kết luận giám định sở hữu công nghiệp của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), sản phẩm này xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ theo Đăng ký quốc tế số 932608 của Bayer Consumer Care AG.

Trong khi đó, tại Triển lãm hàng thật, hành giả mới đây do Tổng Cục Quản lý thị trường tổ chức, nhìn những chiếc khẩu trang N95 mà lực lượng chức năng thu giữ, người tiêu dùng khó có thể phân biệt đâu là hàng giả, đâu là hàng thật.

Ngay cả người đại diện của Công ty Trách nhiệm hữu hạn 3M, doanh nghiệp sản xuất ra nhãn hàng này cũng thừa nhận không thể phân biệt được nếu nhìn bằng mắt thường, chỉ có thể nhận biết khi mang sản phẩm đi giám định. Điều này cho thấy cuộc chiến chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ còn rất gian nan và khó khăn.

Ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng đại diện, Giám đốc Quan hệ và thị trường Chính phủ Công ty Trách nhiệm hữu hạn 3M cho hay, để ngăn chặn hàng giả, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp rất chặt chẽ với doanh nghiệp.

Dù vậy, với thực tế hiện nay, theo đại diện doanh nghiệp này rất cần sự đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước để phát hiện, xử lý vi phạm.

“Sản phẩm trên thị trường bị làm giả rất tinh vi và biện pháp mà chúng tôi áp dụng là thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng cũng như sử dụng tem chống hàng giả để giúp người tiêu dùng nhận diện hàng chính hãng,” ông Nguyễn Minh Đức thông tin.

Không để hình thành các điểm nóng, phức tạp

Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết phương thức, thủ đoạn kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ ngày càng tinh vi phức tạp.

Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, chuyển phát nhanh, tại các khu chung cư cao tầng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn đối với công tác trinh sát, kiểm tra, bắt giữ xử lý đối tượng vi phạm.

Máy móc hỗ trợ việc lắp ráp hàng giả nhãn hiệu các phụ kiện điện thoại, Ipad. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Máy móc hỗ trợ việc lắp ráp hàng giả nhãn hiệu các phụ kiện điện thoại, Ipad. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đặc biệt, xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt, thời gian qua các lực lượng quản lý thị trường, công an, hải quan… đã phối hợp, kiểm tra theo từng chuyên đề, qua đó phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm có quy mô lớn.

Song, để chủ động và đấu tranh hiệu quả hơn, Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị thành viên tập trung điều tra cơ bản, nắm tình hình theo lĩnh vực, địa bàn quản lý; chủ động xây dựng các biện pháp đấu tranh, nhận diện phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng.

Việc kiểm tra, kiểm soát sẽ tập trung vào hoạt động kinh doanh hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm; trên các tuyến giao thông, nhà ga, bến xe, kho hàng, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại tập trung buôn bán hàng hóa số lượng lớn.

Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội thông tin trong bối cảnh người tiêu dùng đang dần chuyển sang mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử, đơn vị này sẽ chỉ đạo các đội nghiệp vụ tăng cường phối hợp, kiểm tra, xử lý hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm…

Cùng với đó, phối hợp kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong xúc tiến thương mại, lợi dụng khuyến mại để trà trộn, đưa vào lưu thông hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc.

“Mục tiêu cao nhất là bảo vệ thị trường, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp,” ông Chu Xuân Kiên khẳng định.

- Trong quý 1, lực lượng chức năng của Hà Nội xử lý hơn 4.400 vụ vi phạm về kinh doanh hàng hóa:

Còn theo ông Nguyễn Quang Huy, Phó Vụ trường Vụ Tổng hợp-Kế hoạch Tài chính (Tổng cục Quản lý thị trường), ngoài những hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, lực lượng quản lý thị trường cũng có những kênh thông tin tiếp nhận thông tin của người tiêu dùng và các bên liên quan thông báo về những vi phạm trên thị trường để kịp thời kiểm tra, xử lý.

Tiêu biểu là đường dây nóng 190088655 của lực lượng trong năm 2021 đã tiếp nhận trên 2.000 cuộc gọi phản ánh, được các đơn vị liên quan xác minh và xử lý nghiêm khi có vi phạm.

Không chỉ những thông tin cung cấp trên hệ thống Cổng thông tin chính thức, Tổng cục Quản lý thị trường còn sử dụng những kênh truyền thông trên mạng xã hội như Youtube, Tik tok… để hướng dẫn giới thiệu cách nhận biết hàng thật, hàng giả để người tiêu dùng có thể tự nhận biết, tự bảo vệ chính mình.

“Những công cụ như thế đã được triển khai rất quyết liệt và cũng ghi nhận nhiều kết quả trong thời gian vừa qua,” ông Huy cho biết.

Bên cạnh công tác kiểm tra, xử lý, lực lượng quản lý thị trường cũng chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định pháp luật, trong đó có hoạt động phối hợp với Sở Công Thương ở các địa phương tổ chức ký cam kết với các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định pháp luật nhằm đảm bảo bình ổn thị trường và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng./.

Trong quý 1, các đơn vị thuộc Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội đã kiểm tra 4.675 trường hợp, phát hiện, xử lý 4.418 vụ vi phạm, khởi tố 42 vụ với 59 đối tượng.

Trong đó, có 763 vụ buôn bán hàng cấm, hàng lậu; 3.543 vụ gian lận thương mại; 112 vụ liên quan đến hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.

Đức Duy (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/chong-buon-lau-nam-phuong-thuc-thu-doan-de-dau-tranh-co-hieu-qua/784826.vnp