Chống buôn lậu thuốc lá khó từ đâu?

Thời điểm cuối năm, do nhu cầu của thị trường có xu hướng tăng cao khiến tình hình buôn lậu thuốc lá càng trở nên phức tạp, với số lượng lớn. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có biện pháp tổng thể, quyết liệt nhằm ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn tồn tại nhiều năm qua.

Theo Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quốc gia (Ban chỉ đạo 389 quốc gia), từ khi có Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chống buôn lậu thuốc lá, các địa phương, và lực lượng chức năng đã kiềm chế được phần nào nạn buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá. Theo ông Trương Văn Ba - Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30-9-2014 (Chỉ thị 30) của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án buôn lậu thuốc lá, công tác chống buôn lậu thuốc lá đã có những kết quả tích cực. Lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 53 triệu bao thuốc lá, khởi tố hình sự gần 2.000 vụ việc với hơn 10.000 đối tượng bị truy tố và xử lý hành chính hơn 70.000 vụ. Kết quả này đã góp phần ổn định tình hình ở khu vực biên giới và tạo công ăn việc làm cho cư dân vùng sâu vùng xa.

Tuy nhiên, kết quả này chưa tương xứng với tình hình buôn lậu thuốc lá hiện nay, một phần do đường biên giới dài, đặc biệt ở khu vực biên giới Tây Nam địa hình bằng phẳng, nhiều kênh rạch nên rất thuận lợi cho các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu. Một nguyên nhân nữa là lợi nhuận từ hoạt động buôn lậu thuốc lá rất lớn do không phải chịu bất kỳ loại thuế, phí nào. Vì vậy, nhiều đối tượng buôn lậu thuốc lá bất chấp các quy định pháp luật để tuồn thuốc lá lậu về thị trường nội địa tiêu thụ. Trong khi đó, chế tài xử lý các hành vi buôn lậu thuốc lá còn nhẹ khiến các đối tượng “nhờn” luật, đồng thời một số địa phương chưa thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt nên vẫn xảy ra hoạt động buôn lậu thuốc lá. Ngoài ra, lực lượng chức năng tại một số địa bàn còn xao nhãng trong công tác chống buôn lậu nói chung và buôn lậu thuốc lá nói riêng nên đã ảnh hưởng đến kết quả chung của công tác chống buôn lậu thuốc lá.

Chúng ta cần quyết liệt hơn nữa trong đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá. Ảnh minh họa

Chúng ta cần quyết liệt hơn nữa trong đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá. Ảnh minh họa

Thực tế gia tăng của buôn lậu thuốc lá trong thời gian qua xuất phát từ nhiều lý do. Trước hết, hoạt động buôn lậu thuốc lá đem lại siêu lợi nhuận, tới trên 400%, bởi thuốc lá lậu không phải chịu bất cứ khoản thuế, phí nào, trong khi thuốc lá nhập khẩu chính ngạch phải chịu thuế nhập khẩu từ 100% đến 202,5%, thuế giá trị gia tăng 10%. Trong khi đó, thuốc lá sản xuất trong nước phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 75%, thuế giá trị gia tăng 10%; quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá 2%. Bên cạnh đó, thuốc lá là loại hàng hóa gọn nhẹ, dễ vận chuyển, trong khi đặc điểm địa lý của nước ta có đường biển, đường sông, biên giới đường bộ dài, tiếp giáp với nhiều nước, nên rất thuận lợi cho các đối tượng buôn lậu vận chuyển hàng hóa vào trong nước, đồng thời gây nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm soát, bắt giữ thuốc lá nhập lậu.

Để ngăn chặn và từng bước đẩy lùi vấn nạn buôn lậu thuốc lá, cùng với các hoạt động tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá, góp phần giảm nhu cầu sử dụng đối với loại mặt hàng này, cần nâng cao ý thức trách nhiệm và trình độ nghiệp vụ của các lực lượng chức năng phòng chống buôn lậu thuốc lá; đồng thời tăng cường kiểm tra kiểm soát và kiên quyết xử lý nghiêm minh những vụ vi phạm. Bên cạnh đó, cần áp dụng chế tài nghiêm khắc, đích đáng nhằm răn đe và trừng trị các đối tượng buôn lậu, nhất là những vụ việc có số lượng hàng hóa lớn, hoạt động có tính chất chuyên nghiệp.

Trong nhiều năm qua, một giải pháp được nhắc đến thường xuyên nhưng chưa giải quyết triệt để, đó là đời sống cư dân biên giới còn nhiều khó khăn, không có công ăn việc làm ổn định nên đã bị các đối tượng buôn lậu lôi kéo, tham gia tiếp tay vận chuyển thuốc lá lậu qua biên giới. Xung đột về mặt pháp lý cũng đang là một nguyên nhân khiến hoạt động chống buôn lậu thuốc lá vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn xử lý vi phạm về kinh doanh rượu nhập lậu, sản phẩm thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá nhập lậu quy định hành vi buôn lậu thuốc lá từ 1.500 bao trở lên sẽ bị xử lý hình sự và quy định thuốc lá là mặt hàng cấm. Tuy nhiên, do mâu thuẫn trong Luật Thương mại khi quy định thuốc lá là mặt hàng cấm, trong khi Luật Đầu tư quy định kinh doanh thuốc lá là mặt hàng có điều kiện nên TAND tối cao đã có hướng dẫn Tòa án các cấp xử lý thuốc lá nhập lậu không phải là hàng cấm và xử lý như những mặt hàng khác. Vì vậy việc xử lý hình sự đang gặp nhiều khó khăn.

Nguyễn Đăng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chong-buon-lau-thuoc-la-kho-tu-dau-175830.html